Giá cà phê Arabica ở New York tiếp tục tiêu cực đã kéo giá Robusta tại sàn London giảm theo.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 7 USD, xuống 1.525 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 5 USD, còn 1.535 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì khá thấp dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp tục giảm sâu. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 1,2 cent, xuống 96 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 1,25 cent, còn 98,75 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 100 đồng, xuống dao động trong khung 32.400 – 33.200 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.450 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 80 – 85 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.
Giá cà phê Arabica tiếp tục giảm sâu không ngoài dự đoán của thị trường, nhất là khi USD tăng trở lại trong rổ tiền tệ mạnh đã đẩy hầu hết đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi suy yếu thêm. Đặc biệt, dự báo kinh tế vĩ mô tiếp tục tiêu cực đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn.
Áp lực trên giá cà phê Robusta có phần nhẹ hơn do nhu cầu của thị trường tiêu dùng toàn cầu về loại cà phê nhiều vị đắng ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, sức kéo giảm của New York lên sàn London cũng không hề nhỏ do hai sàn đã liên thông.
Theo báo cáo dữ liệu thương mại của cơ quan chính phủ Indonesia, xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng Hai đạt 134.512 bao, tăng 39.154 bao, tức tăng 41,06% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lũy kế xuất khẩu cà phê Robusta từ Indonesia trong 5 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2018/2019 đạt tổng cộng 889.852 bao, giảm 306.467 bao, tức giảm 25,62% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước.
Mặc dù vụ mùa vừa qua Indonesia đã thu hoạch hơn 11 triệu bao cà phê nhưng dữ liệu cho thấy khối lượng xuất khẩu vẫn ở mức thấp là do ngành công nghiệp cà phê đã tăng cường chế biến sâu, hạn chế bán cà phê nguyên liệu. Đặc biệt, đảo quốc Hồi giáo đông dân nhất thế giới có mức tăng trưởng tiêu thụ nội địa lên tới hơn 18%/năm, theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế(ICO), nên thị trường tiêu thụ nội địa Indonesia luôn là ưu tiên hàng đầu.
. Anh Văn (giacaphe.com)