Với nhiều khó khăn trước mắt, ngành cà phê dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2010 chỉ có thể ở mức trên 1 tỉ USD, giảm 40-50% so với năm 2009.
Giá cà phê đang tiếp tục thử thách sức chịu đựng của các doanh nghiệp Việt Nam. Từ năm 2008 đến nay, giá cà phê cứ lên xuống thất thường khiến doanh nghiệp “tiến thoái lưỡng nan”. Có thời điểm giá lên cao ở mức 1.600-1.700 USD/tấn rồi rơi xuống mức sàn là 1.200-1.300 USD/tấn.
Riêng 2 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân giảm tới 20% so với cùng kỳ 2009, đồng nghĩa với việc sản lượng xuất khẩu cũng giảm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp lại khó tiếp cận vốn vay do mức lãi suất quá cao. Vấn đề này đang đặt ra thách thức lớn cho ngành cà phê: Làm gì để cầm cự trong giai đoạn khó khăn hiện nay?
Cà phê đang lao đao
Theo phân tích của ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex (TP.HCM), nguyên nhân giá cà phê xuống thấp xuất phát từ sự bị động của chính các doanh nghiệp.
Họ chỉ nghĩ đơn giản khi mua nhiều cà phê dự trữ sẽ đẩy giá lên nhưng tình hình xảy ra thì hoàn toàn ngược lại. Do đoán biết trước động thái dự trữ cà phê của Việt Nam, các nhà đầu tư tài chính nước ngoài đã sử dụng nguồn lực tài chính mạnh để kìm giá cà phê tại sàn London xuống mức rất thấp.
Trước đây, giá cà phê được bán theo mức thỏa thuận giữa bên mua (nhà nhập khẩu) và bên bán (doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam). Nhưng nhà nhập khẩu lại liên tục ép giá xuống khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp Việt không cao, thậm chí là hòa vốn. Vì vậy, giải pháp tìm đến một “trọng tài” là sàn giao dịch Luân Đôn (do cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Âu) đã được hai bên nhất trí.
Tuy nhiên, khi tính theo giá ở sàn Luân Đôn, doanh nghiệp vẫn thua lỗ do phương thức trừ lùi. Giá chào mua của nhà nhập khẩu được tính bằng giá giao dịch tại sàn vào thời điểm xác định, sau đó trừ đi các chi phí vận chuyển, bảo hiểm… Như vậy, mức giá sau khi đã trừ chi phí sẽ luôn thấp hơn mức giá giao dịch tại sàn. Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam Vinacafe (TP.HCM), tính toán, cà phê sau khi đã qua sơ chế có giá 1.200 USD/tấn, doanh nghiệp phải bán trên giá này mới có lời. Nhưng giá tại Luân Đôn là 1.230 USD/tấn, trừ các chi phí chỉ còn dưới 1.200 USD/tấn.
Trong lúc bị khống chế về giá, doanh nghiệp còn phải đứng trước áp lực của việc thiếu vốn do lãi suất cao, không vay được và thời gian đáo hạn của ngân hàng tới gần. Họ buộc phải bán tháo và chịu lỗ.
Theo ông Nam, Công ty Intimex, đó cũng chính là 2 yếu tố hạn chế của doanh nghiệp cà phê Việt Nam: Thiếu vốn và nóng vội. Điều này đã và đang được giới đầu cơ cà phê các nước (chủ yếu là ở châu Âu) tận dụng tạo ra những đợt ép giá.
Do đó, ông nhận định, ngành cà phê có thể trở lại thời kỳ tồi tệ như cách đây 10 năm, khi đó mức giá quá thấp đã đẩy nhiều doanh nghiệp đến chỗ phá sản.
Đại diện Vinacafe cho biết, trong tháng 2 vừa qua, Công ty đã từ chối nhiều đơn xuất khẩu hàng vì mức giá nhà nhập khẩu đưa ra quá thấp, 1.180 USD/tấn. Bên cạnh đó, đang xảy ra tình trạng các nhà vườn chặt bỏ cây cà phê để chuyển sang trồng một số loại cây ngắn vụ. Hợp đồng gần đây nhất Vinacafe mới thực hiện là xuất sang Mỹ hơn 200 tấn với mức giá gần như không có lời, 1.250-1.260 USD/tấn. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty không nhận thêm hợp đồng xuất khẩu vì thị trường lên xuống khó lường.
Giải pháp nào?
Trước mắt, có thể dễ dàng nhận thấy doanh nghiệp cà phê Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào sàn giao dịch nông sản Luân Đôn. Để tránh rủi ro, họ cần phải tính toán các giải pháp cụ thể, chẳng hạn tạm ngừng xuất khẩu như Vinacafe.
“Chúng tôi sẽ tạm thời chuyển hướng sang xuất khẩu một số mặt hàng khác như tiêu, điều, sắn lát… trong thời gian chờ giá cà phê bình ổn trở lại. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp cần phải tỉnh táo và không nên kinh doanh bằng mọi giá”, ông Hoàng, đại diện Vinacafe cho biết. Hiện nay, Công ty đang thực hiện giải pháp trả trước 70% phí mua cà phê nhân cho các nhà vườn để cầm cự qua giai đoạn khó khăn.
Còn theo khuyến cáo của ông Nam, Công ty Intimex, nếu tiếp tục xuất khẩu, doanh nghiệp nên mua và bán ngay sau khi thỏa thuận để không bị lỗ vốn, thấp nhất cũng chỉ hòa vốn. Doanh nghiệp cũng nên hạn chế bán ra và không áp dụng mua bán qua sàn giao dịch cà phê. Phương pháp trừ lui sẽ dễ làm doanh nghiệp bị thua lỗ.
Một vấn đề nữa là để dự trữ cà phê, doanh nghiệp cần có vốn. Nhưng lãi suất cho vay vốn hiện nay tại các ngân hàng lại ở mức khá cao, từ 18-20%, khiến các doanh nghiệp cà phê khó có thể xoay xở.
Ông Vũ Đức Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột), cho rằng, Chính phủ nên hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp cà phê: Cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn với thời gian cho vay lâu hơn.
Trước đây, mỗi vụ mua cà phê của công ty ông được ngân hàng cho vay từ 400-500 tỉ đồng, nhưng năm nay Công ty chỉ được cho vay 100 tỉ đồng. Chính vì thế, ông phải đi vay “nóng” thêm 50 triệu USD (khoảng 955 tỉ đồng). Nếu giá cà phê tiếp tục giảm, Công ty sẽ không thể trả hết các khoản nợ. “Tình hình cà phê hiện nay là không thể dự báo trước được, vì thế chúng tôi cũng không dám đầu tư nhiều”, ông cho biết.
Không chỉ thế, ông Nam, Công ty Intimex, đưa ra cảnh báo: Lợi dụng tình hình doanh nghiệp cà phê Việt Nam không đủ vốn để mua vào, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nước ngoài (chủ yếu là từ Anh) đã nhảy vào Tây Nguyên mua cà phê với mức giá thấp và số lượng lớn. Điều này có thể khiến các công ty xuất khẩu cà phê trong nước bị xóa sổ trong vài năm tới vì nguồn tài chính không đủ mạnh để cạnh tranh.
Khi được hỏi về biện pháp sắp tới của Chính phủ đối với ngành cà phê, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ sẽ giúp Hiệp hội Cà phê Ca cao mua vào 200.000 tấn cà phê để dự trữ. Đây có thể là cách tốt nhất để giá cà phê tăng cao trở lại trong thời gian tới
Chỉ khổ dân thôi/
Việc nhà nước thắt chặt tiền tệ, các NHTM hạn chế cho các doanh nghiệp thu mua cà phê vay vốn. Buộc họ phải ký hợp đồng ứng trước của nước ngoài để có tiền thu mua. Có hợp đồng mua bán giao xa trong tay, các doanh nghiệp nước ngoài thả sức ép giá vì rẻ mấy cũng phải bán cho họ vì đã chót ứng tiền trước của họ nay phải trả, rốt cuộc giá rẻ chỉ khổ nông dân hai sương một nắng mớí làm ra hạt cà phê lại phải bán dưới giá thành. cho dù một năm mất mùa nặng lại dớt giá. Nông dân không biết kêu ai. Quốc gia thì thất thu về ngoại tệ do phải xuất khẩu giá rẻ mạt bị giới đầu cơ nước ngoài ép giá. Thiết nghĩ: việc nhà nước thắt chặt tiền tệ để phòng chống lạm phát là đúng nhưng không phải tất cả các lĩnh vực. Việc cho các doanh nghiệp vay vốn thu mua cà phê, hàng nông sản của dân là cần thiết, bởi lượng cà phê Việt nam sản xuất ra 90% là xuất khẩu. trong nước dùng chưa đến 10%. Nên cho các doanh nghiệp mua hàng tới đâu vay vốn tới đó, xuất tới đâu trả tới đó. Có như vậy các doanh nghiệp không phải ứng trước của nước ngoài và không bị ép giá khi tới thời hạn giao hàng thanh toán hoàn ứng. Xuất được giá cao thì nhà nước thu được nhiều ngoại tệ và người dân bán được giá cao đỡ khổ vì SX cà phê là công việc lao động nặng nhoc. Người dân khổ mãi rồi. mong các cấp sớm thông thoáng cơ chế cho dân được nhờ.
Vòng luẩn quẩn !!!
Cái khó cái khổ bao nhiêu vất vả lại về với người nông dân,”chung thủy một lòng không hề chia sẻ.”không lối thoát khi không có sự khép kín trong sản xuât va tiêu thụ một cách ổn định va hiệu quả .
chu trình khép kín đó từ đâu ma có ? ai sẻ la người tạo ra vòng khép kín này.ai ?ai?ai? ……..chắc còn lâu mơi có
.Thôi thì tự cưu mình trước khi trời cứu.