Đăk Lăk: Hỗ trợ “từ a tới z” giúp hộ nghèo tái canh cà phê

12 hộ dân tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana (Đăk Lăk) vừa được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) hỗ trợ “trọn gói” để tái canh vườn cà phê. Theo chính quyền địa phương, dự án của Hội ND sẽ là đòn bẩy giúp dân nghèo ở địa phương thoát nghèo bền vững.

> Xem giá cà phê Đắk Lắk mới nhất

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk trực tiếp gặp gỡ bà con nông dân tham gia mô hình để nắm bắt tình hình. Ảnh: D.H

Lo từ việc nhỏ nhất

Tháng 8.2018, T.Ư Hội NDVN đã có quyết định phê duyệt dự án “xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong tái canh cây cà phê vối tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk theo hướng an toàn sinh học”. Dự án có tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng, quy mô 9ha với 12 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia.

Theo đó, các hộ dân tham gia dự án sẽ được cung cấp giống cà phê TR4, hướng dẫn kỹ thuật xử lý đất, trồng, chăm sóc và được cung cấp phân bón và vật tư nông nghiệp (gồm phân bò khô, vôi, kali, ure, lân, chế phẩm sinh học Biowish của Mỹ).

Ngay sau khi tiếp nhận  dự án này, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Đăk Lăk đã có văn bản yêu cầu Hội ND huyện Krông Ana, Hội ND xã Dur Kmăl nhanh chóng vào cuộc, tổ chức các hoạt động tuyên truyền hoặc lồng ghép nội dung dự án vào sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ, mô hình… để phổ biến đến cán bộ, hội viên ND, nhất là 12 hộ tham gia mô hình. Đồng thời, các cấp hội thường xuyên bám, nắm, kiểm tra việc triển khai, thực hiện; tư vấn, hỗ trợ các hộ ND xây dựng mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào tái canh cây cà phê.

Anh Nguyễn Thanh Hải – cán bộ Hội ND tỉnh Đăk Lăk cho biết, nhờ công tác tuyên truyền phổ biến được triển khai tốt, nên ngay từ những bước đầu thực hiện dự án, Hội đã gặp rất nhiều thuận lợi. Hầu hết ND đều rất hào hứng tham gia. Để cây cà phê được trồng kịp thời vụ, Hội ND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với huyện Hội nhanh chóng thực hiện các bước kiểm tra, đánh giá các yêu cầu về đất cũng như các yếu tố kỹ thuật cần thiết trước khi đưa giống về cấp cho bà con.

Ông Hoàng Quang Tía – Chủ tịch Hội ND huyện Krông Ana, cho biết: “Trước khi đưa cây giống về cấp cho dân, đơn vị thực hiện dự án đã có bước khảo sát rất chi li. Các cán bộ của đơn vị thực hiện dự án có thể nói là “cầm tay chỉ việc”, lo từ những việc nhỏ nhất cho ND. Chính vì vậy mà sau khi xuống giống, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, cây cà phê đã phát triển rất tốt”.

Cơ hội để dân thoát nghèo bền vững

Anh Lương Văn Toàn (buôn Dur I, xã Dur Kmăl) – một hộ dân tham gia dự án vui mừng nói với chúng tôi: “Gia đình có 7,5 sào cà phê già cỗi không thể tiếp tục canh tác được nữa nên phải phá bỏ để trồng lại. Tuy nhiên, do chưa có vốn nên sau khi phá bỏ vườn cũ vẫn chưa trồng lại được. Ngay lúc này thì có dự án hỗ trợ của T.Ư Hội NDVN triển khai ở xã tôi. Khi được đơn vị thực hiện dự án chọn thực hiện mô hình, gia đình tôi hết sức vui mừng. Từ trước đến nay, tôi chưa từng thấy có dự án nào đầu tư trọn vẹn, những người thực hiện dự án lại nhiệt tình như thế. Từng công việc nhỏ nhất đều được họ quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ cho ND”.

Anh Toàn cũng cho hay: “Cây cà phê chỉ mới trồng được vài tháng nhưng đã bắt đầu phân nhánh, phát triển rất nhanh. So với cà phê dân tự trồng trước đây, cà phê nằm trong dự án cho thấy sự vượt trội hơn rất nhiều.

Anh Y Yinh Buôn Yă (cùng buôn với anh Toàn) cũng vui mừng chia sẻ với chúng tôi: “Là hộ nghèo nên gia đình tôi gần như không có vốn để tái canh vườn cà phê già cỗi. Thế nên, khi được T.Ư Hội ND hỗ trợ, gia đình vui mừng lắm. Tôi chắc chắn sẽ tận dụng cơ hội này để vươn lên thoát nghèo”.

Phó Chủ tịch UBND xã Dur Kmăl – ông Y Toan Hmok cho biết, địa phương là xã vùng 3, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn hơn 14%, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, khi được T.Ư Hội ND đưa dự án về, đồng bào và chính quyền địa phương hết sức vui mừng.

“Chương trình này có ý nghĩa rất thiết thực đối với địa phương, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia dự án. Từ những mô hình này địa phương sẽ tìm cách nhân rộng để ND, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, thoát nghèo một cách bền vững” – ông Y Toan Hmok  nói.

Sản xuất cà phê ở Đăk Lăk niên vụ 2017 – 2018 :
Diện tích 204.808ha (diện tích sản phẩm 187.279ha).
Tổng sản lượng ước đạt 459.785 tấn.
Tái canh được 26.818ha (riêng năm 2018 là 4.862ha).

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83