Tổng hợp thị trường cà phê tuần 45 (05/11 – 10/11/2018)

Sức ép bán hàng vụ mới tiếp tục đè nặng lên các thị trường kỳ hạn trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu  trong niên vụ cà phê mới 2018/2019 được dự báo dư thừa.   

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T1/2019 tuần 45 (05/11 – 10/11/2018)

Tính chung cả tuần thứ 45, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng đan xen. Kỳ hạn giao ngay tháng 1/2019 giảm tất cả 44 USD, xuống 1.685 USD và kỳ hạn giao tháng 3/2019 giảm tất cả 49 USD, còn 1.693 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng đan xen. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm tất cả 6,2 cent, xuống 113,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2019 giảm tất cả 6,35 cent, còn 117,5 cent/lb, các mức giảm mạnh.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 900 đồng, xuống dao động trong khung 35.600 – 36.200 đồng/kg.

Sau khi sớm thanh lý giảm vị thế bán ròng rất đáng kể, các đầu cơ và quỹ đã quay lại hai sàn kỳ hạn và mạnh tay bán ròng trở lại. Theo các nhà quan sát, điều này cũng không quá ngạc nhiên khi xu hướng tiêu cực vẫn còn chi phối các thị trường hàng hóa vĩ mô tổng thể. Đặc biệt, các thị trường cà phê còn chịu sức ép bán ra khi dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu dư thừa trong niên vụ mới 2018/2019 và có khả năng sẽ kéo dài qua niên vụ cà phê tiếp theo 2019/2010.

Kỳ vọng giá cà phê hồi phục sau bầu cử tổng thống Brasil dường như đã qua đi khi Chính phủ mới hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các biện pháp để phục hồi kinh tế và lấy lại sức mạnh của đồng Reais, trong khi áp lực bán ra với người Brasil là quá lớn cho dù họ được cho là người bán cà phê rất giàu kinh nghiệm.

Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trong niên vụ cà phê 2017/2018, từ đầu tháng 10/2017 đến hết tháng 9/2018, xuất khẩu cà phê Arabica đạt tổng cộng 76,66 triệu bao, tăng 0,79% so với niên vụ trước trong khi xuất khẩu cà phê Robusta đạt tổng cộng 45,22 triệu bao, tăng 4,14% so với cùng kỳ. Tổng tiêu thụ toàn cầu ước tính đạt tổng cộng 161,93 triệu bao trong niên vụ 2017/2018, tăng 3,71% so với niên vụ trước, trong đó khu vực Châu Á và Châu Đại Dương có mức tiêu thụ tăng tới 8,85%. Lưu ý, báo cáo của ICO là tổng hợp từ báo cáo của các thành viên và còn điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.

Báo cáo tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ Hai ngày 5/11, đã tăng thêm 2.140 tấn, tức tăng 2,29% so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở 95.440 tấn (tương đương 1.590.667 bao, bao 60kg), trong đó lượng cà phê Conilon Brasil chiếm hơn 1/3.

Liên đoàn Cà phê Quốc gia (The National Federation of Coffee Growers – FNC) Colombia đã báo cáo sản lượng cà phê trong tháng 10 tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.086.000 bao. Đây là tháng đầu tiên của niên vụ cà phê mới 2018/2019, trong khi sản lượng của niên vụ cà phê trước 2017/2018 đạt tổng cộng 1.3990.000 bao.

FNC Colombia cũng đã báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 10 giảm 79.000 bao, tức giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.076.000 bao. Lượng cà phê xuất khẩu của Colombia trong niên vụ cà phê 2017/2018 vừa qua đạt tổng cộng 12.956.000 bao.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong tháng 10 năm 2018 ước đạt 126 nghìn tấn với giá trị đạt 224 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,57 triệu tấn và 2,98 tỷ USD, tăng 21,3% về khối lượng và tăng 0,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2018 đạt 1.901 USD/tấn, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2017. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018 với thị phần lần lượt là 12,5% và 9,6%.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng