Kết luận điều tra “chính xác, khách quan” !?

Theo VKSND TP Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk, vợ chồng ông Phạm Ngọc Thành, chủ trang trại cà phê, không có lỗi trong cái chết của bà Phạm Thị Ngắn.

Xem thêm:

Một trong số những con chó cắn chết bà Phạm Thị Ngắn
Một trong số những con chó cắn chết bà Phạm Thị Ngắn

VKSND TP Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk vừa có công văn trả lời báo chí xung quanh bản kết luận điều tra của Cơ quan Điều tra (CQĐT) Công an TP về việc đàn chó bẹc-giê trong trang trại cà phê của vợ chồng ông Phạm Ngọc Thành cắn chết bà Phạm Thị Ngắn hôm 21-1 (Báo NLĐ đã nhiều lần phản ánh).

Theo đó, VKSND TP Buôn Ma Thuột cho rằng dù đã hai lần mời và cả hai nhân chứng Giang Thị Bích Điệp, Nguyễn Thị Thanh Trâm đều từ chối đến làm việc để cơ quan này kiểm tra lại lời khai nhưng “qua tài liệu và lời khai đã được CQĐT thu thập có trong hồ sơ, cũng đủ cơ sở để khẳng định việc CQĐT kết luận không có sự việc phạm tội là chính xác và khách quan”!?

Theo VKSND TP Buôn Ma Thuột, sau khi CQĐT xác định không có sự việc phạm tội và ra quyết định kết thúc điều tra, không khởi tố vụ án hình sự vụ chó cắn chết người này, nhiều cơ quan báo chí đã tiếp tục đưa tin, phản ánh và cho rằng kết luận điều tra thiếu chính xác, không khách quan. VKSND đã yêu cầu CQĐT chuyển toàn bộ hồ sơ vụ chó cắn chết người ở trang trại vợ chồng ông Thành để nghiên cứu giải quyết.

VKSND TP Buôn Ma Thuột cho rằng lời khai của nhân chứng Điệp (khi chó cắn bà Ngắn, chị leo lên cây sầu riêng, đứng ngang với ngọn cây cà phê và nhìn thấy ông Nguyễn Đình Sơn – nhân viên trong trang trại cà phê, người bị các nhân chứng cáo buộc nghe tiếng kêu cứu và chứng kiến cảnh chó cắn chết bà Ngắn nhưng vẫn bỏ đi – đứng cạnh cây dừa cách chị khoảng 20 m và kêu cứu) là không chính xác.

Theo VKS, kết quả thực nghiệm điều tra cho thấy cây dừa mà Điệp bảo đã thấy Sơn đứng cách cây sầu riêng chị leo đến 200 m. Tầm nhìn tại vị trí đứng của chị Điệp bị khuất, chỉ thấy được ngọn cây dừa. VKSND cũng cho rằng nhân chứng Trâm khai leo lên cây keo cách cây sầu riêng chị Điệp leo khoảng 15-20 m là không đúng, vì thực tế đo được đến 72 m; khoảng cách từ cây keo đến cây dừa theo chị Trâm khai là 50-60 m nhưng thực tế đo được đến 248 m… VKSND nhận định: “Có thể khẳng định việc chị Điệp kêu Sơn trong lúc hốt hoảng là do chị ngộ nhận Sơn đang có mặt tại nơi chó cắn bà Ngắn mà thôi”.

VKS còn dẫn lời khai của ông Sơn và một số nhân chứng rồi xác định: “Không người nào hoặc ông Sơn có hành vi biết bà Ngắn đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, ngoài hai chị Điệp – Trâm, mà không cứu giúp. Vì vậy, có căn cứ xác định không có tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng xảy ra”.

Về việc nuôi chó bẹc-giê của vợ chồng ông Thành, VKSND TP Buôn Ma Thuột dẫn điểm c, khoản 1, điều 4; điểm b, khoản 1, điều 6; khoản 3, điều 19 Thông tư 48/2009/BNNPTNT ngày 4-8-2009 của Bộ NN-PTNT về phòng chống dịch chó dại và nhận định: “Vợ chồng ông Thành có quyền nuôi chó trong nhà, trong khuôn viên gia đình, ở đây là khuôn viên rẫy của mình; ông Thành có đào hào và có hàng rào che chắn, có treo biển cảnh báo chó dữ… Thông tư cũng chỉ đề cập đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với chủ chó trong trường hợp gây chết người. Như vậy, vợ chồng ông Thành không có lỗi trong cái chết của bà Ngắn…”.

Sau khi phân tích, VKSND TP Buôn Ma Thuột kết luận: “Việc CQĐT Công an TP kết thúc điều tra, không khởi tố vụ án hình sự là có căn cứ pháp luật. Vợ chồng ông Thành chỉ phải có trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho gia đình bà Ngắn khi gia đình bà yêu cầu”.

Nhân chứng không dám đến VKSND

Cũng cần nhắc lại trước đó, ngày 29-1, khi CQĐT tiến hành thực nghiệm điều tra hiện trường vụ chó bẹc-giê cắn chết bà Ngắn, các nhân chứng và người dân xung quanh đã phản đối, không chịu ký tên vào biên bản. Tiếp đó, khi CQĐT thông báo kết thúc điều tra, không khởi tố vụ án hình sự, nhân chứng và gia đình nạn nhân cũng lên tiếng không đồng tình.

Khi được VKS mời lên làm việc để kiểm tra lời khai, hai nhân chứng Điệp – Trâm đã từ chối bởi theo họ, trước đó CQĐT cứ hỏi đi hỏi lại những chuyện hai người đã khai; đồng thời gặng hỏi họ quá nhiều chi tiết rất khó xác định, kiểu như “cây keo chị trèo lên có mấy cành?”, “cây dừa chỗ ông Sơn đứng có mấy quả?”… Điều này khiến hai nhân chứng e sợ nên không dám đến VKS làm việc.

Theo Người Lao Động

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng