Bảo vệ rừng nhiệt đới cạnh các đồn điền cà phê góp phần nâng sản lượng thêm 20% và thu nhập thêm 7%.
Nguyên nhân: Ong thụ phấn chéo cho cà phê.
Cà phê là nông phẩm xuất khẩu có giá trị cao hàng thứ năm từ các nước đang phát triển. Khoảng 25 triệu người trên thế giới tham gia sản xuất cà phê. Tuy nhiên, loại thực vật này sinh trưởng tốt nhất ở các vùng cao, ẩm ướt – môi trường ưa thích của rừng nhiệt đới. Do vậy, các vùng rừng thường bị phá trụi để lấy đất canh tác. Các chuyên gia hy vọng nghiên cứu này sẽ thuyết phục nông dân bảo vệ rừng nhiệt đới cạnh những cây cà phê của họ.
Taylor Ricketts thuộc ĐH Stanford, California, nói: “”Bảo vệ sinh thái có lợi cho đa dạng sinh học cũng như con người””. Nhóm của Ricketts đã nghiên cứu nhiều bụi cà phê mọc ở Finca Santa Fe – một đồn điền cà phê lớn tại Costa Rica tiếp giáp với rừng nhiệt đới. Khu rừng này là nơi cư trú của ong mật ngoại lai (Apis mellifera) và mười loài ong bản địa không có nọc, thuộc họ Apidae Meliponinae.
Giống cà phê Coffea arabica được trồng tại đây có thể tự thụ phấn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu muốn xác định liệu thụ phấn bổ sung từ ong trong rừng có làm tăng sản lượng hay không. Kết quả cho thấy công việc thụ phấn của ong giúp nâng sản lượng cà phê thêm 20%. Điều đó cho thấy ong là sinh vật cực kỳ hiệu quả trong thụ phấn cho thực vật. Tuy nhiên, sản lượng chỉ tăng nếu cà phê nằm cách rừng 1km. Cà phê càng xa rừng, tác động của ong tới sản lượng càng thấp. Muốn tăng lợi nhuận, rừng phải ở sát cà phê và chẳng có ích gì khi đặt các khu bảo tồn cách xa con người.
Lượng hạt nhỏ, biến dạng của những cây cà phê nằm cách rừng 1km giảm 25%. Hạt biến dạng là do thụ phấn kém, làm chất lượng cà phê không cao. Do vậy, ong giúp cải thiện cả chất lượng lẫn sản lượng cà phê. Lợi ích kinh tế do ong mang lại là rất lớn. Nhóm của Ricketts ước tính tại Finca Santa Fe, nông dân thu lợi thêm 60.000 USD/năm nhờ ong sinh sống trong 35ha rừng. Costa Rica đã trả cho chủ đất khoảng 42 USD mỗi năm cho 1ha rừng mà họ bảo vệ. Tuy nhiên, số tiền này chỉ là một phần nhỏ của món lợi mà người trồng cà phê thu được từ khu rừng gần kề.
Theo Claire Kremen thuộc ĐH Princeton, nghiên cứu trên chỉ ra một trong những dịch vụ sinh thái mà rừng cung cấp. Khoảng 2/3 tổng cây trồng mà chúng ta ăn phụ thuộc phần nào vào sự thụ phấn của động vật. Do vậy, chắc chắn là các loại cây nông nghiệp khác, chẳng hạn như dưa hấu và hướng dương cũng sẽ cho sản lượng cao hơn nếu được trồng cạnh những khu vực có tính đa dạng sinh học cao. Những khu vực đó còn cung cấp kẻ thù tự nhiên, tiêu diệt sâu hại.