Nhích lên 1.280USD/tấn được mấy ngày, giá cà phê Robusta ở thị trường London bỗng tụt xuống 1.160-1.165USD/tấn. Đợt rớt giá lần này đã khiến hầu hết những ai “đỏ đen” với cà phê ở Đắc Lắc đều thua lỗ nặng, có người đã phải bỏ trốn…
Không ảnh hưởng nhiều vì cà phê… đã hết!
Ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-cacao VN (Vicofa) cho hay: Những biến động hàng năm của giá càphê vào khoảng tháng 7 được giới kinh doanh chuyên nghiệp gọi là “giá thời tiết Brazil”. Đến thời điểm này, thời tiết ở Brazil thuận lợi hay khó khăn, sản lượng cao hay thấp sẽ có tác động rất lớn đến thị trường cà phê.
Theo dự báo mới nhất, vụ càphê tới, 2 nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới là Brazil và VN đều được mùa. Sản lượng của Brazil sẽ tăng từ 29,5 triệu bao/vụ lên 40 triệu bao/vụ. Ở VN, sản lượng càphê vụ tới cũng có thể đạt 13,5-13,8 triệu bao. Đó là một lý do khiến giá càphê mấy ngày qua rớt tới 60USD/tấn.
Thêm một lý do khác nữa: Khi các nhà đầu cơ dự đoán cà phê có thể hạ, nhiều nhà đầu tư quyết định giảm hoặc ngừng mua, nhưng lại tăng cường bán ra khiến giá cà phê càng rớt mạnh… Tuy vậy, giới đầu tư lại cho rằng, giá cà phê biến động ở thời điểm hiện nay thực ra cũng không ảnh hưởng nhiều đến các nhà sản xuất và kinh doanh cà phê chuyên nghiệp Việt Nam.
Nguyên nhân hiện đã là cuối vụ cà phê, lượng cà phê trong dân không còn nhiều. Ước tính cả nước chỉ còn khoảng 40.000 tấn, còn lại hầu hết đã được bán ra trong tháng 6, khi giá cà phê lên tới 18,5-19,4 triệu đồng/tấn.
[ Xem thêm: Đổ nợ vì kinh doanh cà phê qua mạng ]
Bất trắc với… “đỏ đen”
Với những người mua bán cà phê qua mạng, sự sụt giá bất ngờ của cà phê tất yếu sẽ khiến họ gặp nhiều bất trắc. Riêng ở Đắc Lắc đã có khoảng 10 điểm mua bán cà phê qua mạng, thu hút không dưới vài chục người tham gia và hầu hết đều bị lỗ nặng.
Theo ông Huy, việc mua bán cà phê thông qua thị trường kỳ hạn London là tất yếu trong quá trình hội nhập. Tuy vậy, biện pháp này chỉ nên được sử dụng như một cách để phản ứng nhanh với thị trường nhằm hạn chế rủi ro. Còn để kiếm tiền từ thị trường này phải là các nhà kinh doanh giàu kinh nghiệm, nhạy bén và có tiềm lực tài chính mạnh.
Trong khi đó, những người mua bán cà phê qua mạng mang tính chất “đỏ đen” ở Đắc Lắc hầu hết chưa có hiểu biết nhiều về phương thức mua bán này; năng lực tài chính không đáng kể, thậm chí nhiều người không có hàng nhưng vẫn đặt lệnh mua bán khống.
Đã vậy, hầu hết lại giao dịch qua thị trường New York – một thị trường nhiều biến động, gồm nhiều nhà kinh doanh giàu kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh… Một số người sản xuất, kinh doanh cà phê tỏ ra lo lắng. Trong khi, những ai “đỏ đen” cà phê ở Đắc Lắc đều thua lỗ nặng, có người đã phải bỏ trốn qua đợt rớt giá vừa rồi.