“Sàn giao dịch cà phê vắng khách vẫn phải làm”

Đó là ý kiến của ông Đoàn Triệu Nhạn – Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam về dự án xây dựng sàn giao dịch cà phê tại Đắk Lắk. Ông Nhạn cho biết, về lâu dài Việt Nam sẽ mở thêm một số sàn giao dịch tại những trung tâm buôn bán lớn.

– Thưa ông, bao giờ sàn giao dịch cà phê Đắk Lắk hoạt động?

– Vốn xây dựng chợ cà phê Buôn Ma Thuột là 20 tỷ đồng, còn sàn giao dịch sẽ cộng thêm 10 tỷ đồng. Sàn sẽ sớm hoạt động vì nó nằm trong kế hoạch xây dựng của năm 2003 và 2004. Hiện mọi việc đã hoàn tất, chỉ còn chờ vốn là khởi công.

– Việc tiêu thụ hàng hóa sẽ như thế nào?

– Khách hàng sẽ mua với khối lượng lớn, tiêu chuẩn chất lượng được kiểm tra chặt chẽ với những mẫu hợp đồng thống nhất. Có hai phương thức giao dịch. Thứ nhất là mua bán cà phê hiện vật: Ban điều hành thương mại sẽ giới thiệu số lô hàng bán ra, xuất xứ, định giá chất lượng, giá sàn để người mua trả giá theo phương thức đấu giá. Cách thứ hai là mua bán cà phê theo kỳ hạn.

– Sàn giao dịch có lợi gì đối với doanh nghiệp?

– Từ trước đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam do không xác định được các mức giá cà phê ở từng khu vực, từng nước nên thường xuyên phải mua đắt bán rẻ, dẫn đến thiệt hại khó lường. Nay mức giá cà phê ở các thị trường trên thế giới đều được niêm yết tại sàn giao dịch, do vậy doanh nghiệp sẽ không bị động trong việc thông tin giá cả.

– Vậy sàn giao dịch sẽ có những khó khăn gì?

– Đó là quản lý. Do là vấn đề mới, chúng ta lại chưa có chuyên viên am tường về lĩnh vực này nên có thể sẽ không thu hút được nhiều khách hàng đến giao dịch, nhất là các khách hàng đến từ nước ngoài. Để giải quyết vấn đề này, một mặt chúng tôi mời các chuyên gia của sàn giao dịch cà phê SINCOM (Singapore) sang giúp đỡ, mặt khác cử 2-3 cán bộ ra nước ngoài học tập sau đó sẽ về “cầm trịch” hoạt động giao dịch của sàn.

– Các doanh nghiệp cỡ nào được tham gia sàn giao dịch?

– Đó sẽ là nơi giao dịch mua bán của các nhà xuất khẩu cà phê, một số chủ vườn lớn và các hãng buôn nước ngoài. Tuy nhiên, do những khó khăn về vấn đề tiêu thụ sản phẩm nhất là cà phê lẻ, số lượng ít nên chúng tôi mới quyết định xây dựng sàn giao dịch ngay trong phạm vi của chợ cà phê Buôn Ma Thuột. Nông dân có thể bán cà phê tại đó, còn nếu có số lượng cà phê lớn thì vẫn có thể giao dịch tại sàn.

– Khách hàng được quy định như vậy, sàn giao dịch cà phê có hoạt động sôi nổi không?

– Thậm chí có thể là không, nhưng chúng ta vẫn phải làm vì đây là bước đệm để doanh nghiệp và nông dân trong nước tiến tới làm quen với phương thức buôn bán trên mạng – điều mà thế giới đã làm từ rất lâu. Đắk Lắk là trung tâm sản xuất cà phê lớn nhất của cả nước nên việc xây dựng sàn giao dịch ở đây là hợp lý. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta sẽ phải mở sàn giao dịch cà phê tại những trung tâm có lợi thế buôn bán trao đổi lớn hơn. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng dự án thành lập sàn giao dịch cà phê tại TP HCM

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng