Rối rắm quản lý phân bón

Hàng nghìn cơ sở sản xuất và hàng chục nghìn sản phẩm phân bón đang lưu hành đẩy người nông dân vào “ma trận” phân bón trong tình trạng hàng thật – hàng giả lẫn lộn, tràn lan.

Ước tính, hiện có khoảng 20.000 sản phẩm phân bón đang sản xuất, lưu thông và sử dụng ở Việt Nam…

Đa chủng loại

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT): Hiện cả nước có 735 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện hoạt động. Ngoài ra, vẫn còn gần 200 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón đang chờ thẩm định để cấp chứng nhận đủ điều kiện trong thời gian tới.

Cân đối với nhu cầu sử dụng phân bón thì năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất trong nước hiện nay đã dư thừa gấp gần 3 lần nhu cầu sử dụng. Về sản phẩm, tính đến cuối năm 2017, số lượng sản phẩm phân bón đang được sản xuất, kinh doanh và sử dụng là 14.318 sản phẩm. Ước tính, hiện có khoảng 20.000 sản phẩm phân bón đang sản xuất, lưu thông và sử dụng ở Việt Nam thuộc các trường hợp quy định chuyển tiếp tại Nghị định số 108/2017/ND-CP ngày 20/9/2017 của Chính phủ về quản lý phân bón sẽ được thực hiện công nhận lưu hành trong thời hạn đến ngày 20/9 tới.

So sánh với một số nước như Thái Lan (khoảng 100 nhà máy với hơn 1.000 sản phẩm) hay như Canada mặc dù có 228 nhà máy nhưng cũng chỉ có 1.043 sản phẩm, dễ thấy số lượng sản phẩm phân bón ở Việt Nam quá lớn, trùng lắp, dư thừa, phức tạp, rất khó kiểm soát, khó nhận diện cho cả cơ quan quản lý cũng như người sử dụng.

Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho hay: Trên thực tế, số lượng cơ sở sản xuất phân bón và chủng loại các sản phẩm phân bón còn lớn hơn rất nhiều do sản xuất “chui”, chưa đủ điều kiện được cấp phép hoạt động. Hàng nghìn cơ sở sản xuất phân bón với hàng chục nghìn chủng loại sản phẩm phân bón đang có mặt trên thị trường dẫn đến hệ lụy phân bón giả, kém chất lượng tràn lan. Bà con nông dân nông dân rơi vào “ma trận” khi chọn lựa mặt hàng này khi không thể nhớ, hiểu được tác dụng và phân biệt, nhận biết được chất lượng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Theo ông Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Một trong những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém trong quản lý, sản xuất, cung ứng, sử dụng phân bón thời gian qua là chính sách, pháp luật về quản lý phân bón còn bất cập. Nghị định 108/2017/NĐ-CP ra đời đã siết chặt việc quản lý phân bón, khắc phục được tình trạng chồng chéo, thiếu hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Nghị định này vẫn chưa đưa ra được hướng giải quyết những tồn đọng, hạn chế của những chính sách, pháp luật về quản lý sản xuất, buôn bán và sử dụng phân bón trước đây như việc quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, khảo nghiệm, lấy mẫu phân bón…

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về phân bón một số nơi còn buông lỏng, nhất là chính quyền cấp cơ sở. Đặc biệt, còn tình trạng bảo kê, lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước với các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn gian dối để trục lợi trên lưng người nông dân. Ví dụ điển hình là vụ việc vi phạm quy định về sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận Phong (Đồng Nai), qua chỉ đạo của 2 nhiệm kỳ Thủ tướng và 7 Bộ nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.

Đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) nêu quan điểm: Việc quản lý chất lượng các loại phân bón, vật tư nông nghiệp của các cơ quan chức năng chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng phân kém chất lượng còn nhiều, thậm chí phân còn làm hỏng cả hoa màu. Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng các loại phân bón trên thị trường hiện nay, đặc biệt là các loại phân gắn nhãn mác phân vi sinh, phân hữu cơ; có cơ chế sát sườn hơn nữa tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư công nghệ cho sản xuất phân bón hữu cơ bằng các hình thức như giảm giá cho thuê đất xây dựng nhà máy, cho vay vốn ưu đãi để đầu tư công nghệ, cho sử dụng nguồn điện với giá ưu tiên…

Còn đại diện Công ty CP Mía đường Lam Sơn bày tỏ: “Là một trong những DN tham gia sản xuất phân bón, chúng tôi đồng tình với Chính phủ trong việc siết chặt các điều kiện sản xuất kinh doanh phân bón để hạn chế DN sản xuất kinh doanh không lành mạnh trên thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ nên có chính sách, ưu đãi tạo điều kiện phát triển cho các DN như: Tạo điều kiện về quy hoạch đất đai, ưu đãi miễn giảm thuế Tài nguyên,Thu nhập DN để cải tiến công nghệ sản xuất; tạo điều kiện để các DN tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, các nguồn  kinh phí nhằm áp dụng các nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất phân bón, tạo ra các sản phẩm mới năng suất chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hạ giá thành sản xuất sản phẩm cho nông dân”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Việt Nam còn quá nhiều sản phẩm phân bón, quá nhiều cơ sở sản xuất phân bón. Quản lý phân bón chưa quan tâm đúng mức, đặc biệt là vấn đề về tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm tra chất lượng phân bón. “Với vai trò được Chính phủ giao quản lý nhà nước về phân bón, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về phân bón. Khi chuyển sang quản lý phân bón theo quy định tại Nghị định 108/2017/NĐ-CP, Bộ NN&PTTN sẽ cố gắng đến ngày 20/9 tới hoàn tất khâu rà soát, đánh giá hồ sơ chất lượng của sản phẩm phân bón đang lưu hành; rà soát, đánh giá, chấn chỉnh các cở sản xuất phân bón nhằm loại ra các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng. Trong quản lý phân bón, Bộ NN&PTTN cũng sẽ phân cấp mạnh cho các địa phương, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trong nước và hạn chế NK”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy: Trong quý đầu năm nay, các địa phương và lực lượng chức năng đã kiểm tra 958 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, phát hiện, xử lý 171 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 1,8 tỷ đồng, tiêu hủy 500 tấn và 956 bao phân bón giả, kém chất lượng.

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón giả, nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ…, nổi lên là các hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ dán các nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài, nhưng thực chất chỉ là các sản phẩm phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được sản xuất hoặc đóng gói tại nhiều nơi ở trong nước không đủ điều kiện theo qui định diễn ra trên hầu hết các địa bàn trọng điểm về trồng trọt trên cả nước; gây ảnh hưởng đến nguồn nước, đất trồng trọt, gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại lớn cho nông dân, các DN chân chính, nền sản xuất nông nghiệp và đời sống, sức khỏe nhân dân. Trong đó, tập trung tại địa bàn các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79