Cùng với việc tham gia vào thị trường chứng khoán, giới kinh doanh cà phê Việt Nam đang háo hức tham gia buôn cà phê trên mạng Internet. Một hướng làm ăn mới, không ít cơ hội nhưng cũng đầy thách thức.
Cứ 16g45 mỗi ngày, giám đốc Simexco Đắc Lắc Lê Đức Thống ngồi trước màn hình vi tính theo dõi những con số nhấp nháy liên hồi báo giá lên xuống liên tục trong phiên giao dịch cà phê tại thị trường kỳ hạn London (LIFFE). Ông chỉ đứng lên khi sàn giao dịch đóng cửa vào đúng nửa đêm.
Trong suốt phiên giao dịch, ông Thống liên tục phán đoán giá lên hoặc xuống để đặt lệnh mua hoặc bán bằng hợp đồng tương lai (futures), đơn vị tính cho mỗi hợp đồng (lot) là 5 tấn cà phê nhân. Giá cà phê được chốt ngay khi đặt lệnh, hàng giao sau với thời điểm do hai bên thỏa thuận. Tại thời điểm giao hàng, giá lên hay xuống thì vẫn giao theo giá trên hợp đồng.
“Buôn bán cà phê hợp đồng tương lai chẳng khác gì chơi chứng khoán. Biên độ dao động giá rất lớn” – ông Thống kể. Kinh nghiệm cho thấy nếu giá biến động không có lợi thì phải chặn ngay để giảm lỗ.
“Chợ” cà phê trên mạng tuy là “cũ người mới ta” nhưng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của giới buôn bán cà phê. Đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê VN tham gia như Inexim Đắc Lắc, An Thái, Thái Hòa, Simexco (Đắc Lắc), Intimex (Hà Nội) và tất cả đều đang dò dẫm tập dượt.
Theo ông Thống, mua bán cà phê trên thị trường tương lai là một phương thức hỗ trợ tích cực hoạt động xuất khẩu cà phê trên thị trường trong nước, là công cụ phòng chống rủi ro rất hiệu quả. Hiểu đơn giản rằng, để bảo đảm kinh doanh cà phê ở thị trường trong nước không bị lỗ trong tình hình giá lên xuống chập chờn, nhà buôn cà phê sẽ mua bán một lượng cà phê trên mạng, đặt lệnh bán ngay khi thấy giá có lời.
Ông Thống tính toán: giả sử mua cà phê vào giá 13.000đ/kg, khi xuất khẩu giá rớt còn 12.000đ/kg, bị lỗ 1.000 đồng. Thế nhưng cũng trong cùng thời điểm đó, công ty đã mua vào và bán ra trên thị trường kỳ hạn một lượng cà phê tương ứng với giá bán ra 15.000đ/kg, lời 2.000đ/kg. Nhờ cân đối được giữa mua bán trên thị trường trong nước và thị trường kỳ hạn, công ty vẫn bảo đảm có lãi và tính toán giá mua cà phê của người nông dân ở mức hợp lý.
Và cũng nhờ vào khoản lãi trên thị trường kỳ hạn, nhà xuất khẩu cà phê sẵn sàng mua cà phê của nông dân với giá cao hơn giá thị trường. Thực tế, có thời điểm giá mua vào trên thị trường trong nước là 14.300đ/kg, Công ty Inexim Đắc Lắc đã mua cà phê của nông dân giá 15.000đ/kg khi tính toán bán ra thị trường kỳ hạn được giá trên 18.000đ/kg.
Tuy nhiên, buôn bán trên thị trường kỳ hạn lãi cũng nhiều mà lỗ cũng dữ. Do vậy người kinh doanh phải có điểm dừng lỗ. Cho đến nay, nhờ tính toán kỹ và dự đoán tốt nên những hợp đồng Simexco và Inexim Đắc Lắc đã giao dịch mua bán cà phê trên mạng đều có lãi, dù chưa lớn.
Giá đóng cửa mỗi phiên giao dịch được Techcombank cập nhật bằng tin nhắn cho người kinh doanh trên sàn. Phí giao dịch cho nhà môi giới (Techcombank) dưới 200 lot là trên 10 USD/tấn, trên 1.000 lot phí giảm còn 2 USD/tấn.
Để đạt kim ngạch xuất khẩu cà phê 650 triệu USD trong niên vụ này, các doanh nghiệp hiện đang phải theo dõi rất sát thị trường để bán được giá tốt. Lâu nay chỉ bán cà phê theo hai phương thức hợp đồng khống giá và hợp đồng căn cứ giá London trừ lùi 100-120 USD/tấn, rồi phập phồng theo giá lên xuống bất tử, có khi qua một đêm tiền tỉ đội nón ra đi.
Hợp đồng futures chính là công cụ giúp doanh nghiệp phòng chống rủi ro để bán được giá tốt, doanh nghiệp có lãi thì người nông dân trồng cà phê cũng được hưởng. Bộ Thương mại cũng đang khuyến khích doanh nghiệp tham gia phương thức kinh doanh hiện đại này.
Theo ông Vân Thành Huy – giám đốc Inexim Đắc Lắc, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, “thị trường kỳ hạn chính là bước đi chắc chắn để chính thức đưa cà phê VN vào trong “chợ” thay vì loay hoay mua bán “quanh chợ” như lâu nay, giúp nhà xuất khẩu cà phê hạn chế rủi ro do giá biến động, kiểm soát giá cả trong tương lai và còn có thể kiếm lời”.