Niên vụ 2006 – 2007: Xuất khẩu cà phê sẽ vượt 1 tỷ USD

Chỉ trong vòng 6 tháng đầu niên vụ 2006 – 2007 (từ 1/10/2006 đến 31/3/2007), nước ta đã xuất khẩu được hơn 615 ngàn tấn cà phê, đạt kim ngạch 830 triệu USD, vượt tổng kim ngạch xuất khẩu cả niên vụ trước 4 triệu USD. Từ con số khả quan này, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã khẳng định: Kim ngạch xuất khẩu cà phê nước ta niên vụ này sẽ vượt ngưỡng 1 tỷ USD.

Thu hoạch cà phê
Thu hoạch cà phê

Được mùa, được giá

Trước khi vào vụ thu hoạch cà phê, Vicofa dự đoán rằng, lượng cà phê của niên vụ này đạt từ 13,5 đến 14,5 triệu bao, tức là khoảng 810-870 ngàn tấn cà phê nhân. Nhưng đến cuối tháng 4 vừa qua, con số đã vượt xa dự đoán mà theo giới chuyên môn, có được điều này là do nghịch lý “được mùa – rớt giá” đã không lặp lại.

Từ đầu niên vụ đến nay, giá cà phê trên thị trường thế giới luôn ổn định ở mức cao: Nếu như niên vụ trước, giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 970 USD/tấn thì niên vụ này đạt 1.350 USD/tấn, tăng 39%. Sự chênh lệch giữa giá cà phê trong nước so với giá cà phê trên thị trường thế giới (tại sàn giao dịch Luân Đôn) giảm, từ mức 200 USD/tấn xuống còn 100 USD/tấn.

Theo phân tích của Vicofa, những tín hiệu mừng trong việc xuất khẩu cà phê vừa qua trước hết là do người dân đã nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị trường, khá am hiểu quy luật cung cầu của thị trường thế giới để chủ động lượng cà phê bán ra nhằm hạn chế rủi ro. Trong những tháng đầu niên vụ này, nông dân ở các tỉnh trọng điểm về cà phê như Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đắc Nông… đã chủ động bán cà phê khi được giá chứ không ghìm hàng để chờ giá rồi phải bán đổ bán tháo như trước. Trong quý 1/2007, Đắc Lắc – tỉnh dẫn đầu về cà phê cả nước – đã xuất khẩu được trên 115 ngàn tấn cà phê, đạt kim ngạch 168 triệu USD, tăng 32,4% về giá, 47% về sản lượng và 95,6% về kim ngạch so với cùng kỳ. Tiếp sau Đắc Lắc là Đắc Nông với lượng xuất khẩu trên 22 ngàn tấn, đạt kim ngạch 30 triệu USD; Lâm Đồng xuất khẩu trên 19 ngàn tấn, đạt trên 28 triệu USD…

Từ những con số đáng mừng trên, ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam khẳng định: “Niên vụ này, sản lượng cà phê nước ta sẽ đạt trên 930 ngàn tấn; xuất khẩu khoảng 900 ngàn tấn với tổng kim ngạch đạt trên 1,2 tỷ USD”.

Hướng đến phát triển ổn định

Ngoài yếu tố giá cả ổn định, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt cao còn khẳng định chất lượng cà phê Việt Nam đã cải thiện, được thị trường thế giới chấp nhận. Chất lượng chính là yếu tố quyết định đến sự phát triển ổn định của ngành cà phê nước ta. Lâu nay, vẫn tồn tại thực tế đáng buồn là mặc dù sản lượng cà phê Robusta của nước ta lớn nhất thế giới nhưng giá bán lại thấp hơn giá cà phê cùng loại của các nước khác vì chất lượng thua kém.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên thì nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng cà phê Việt Nam trong thời gian qua chưa đạt là do người dân thu hái khi còn xanh (vì thiếu nhân công và sợ bị hái trộm). Việc hái cà phê xanh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của một vụ mà còn ảnh hưởng đến chu kỳ ra hoa, tạo quả của cà phê: làm cho thời gian thu hái sớm dần và nhích gần vào mùa mưa dẫn đến khi thu hái về không có sân phơi, bị ẩm mốc.

Hái cà phê xanh không những làm giảm chất lượng mà còn giảm cả sản lượng vườn cây. Các nghiên cứu cho thấy, nếu thu hái cà phê chín chỉ cần 850 quả cà phê tươi được 1kg, còn cà phê xanh phải từ 900 đến 920 quả mới được 1kg. Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng: “Tình trạng hái cà phê xanh một phần cũng tại những nhà thu mua và xuất khẩu cà phê.

Trên thực tế, từ năm 2001 Nhà nước đã ban hành tiêu chuẩn Việt Nam nhưng ít đơn vị thu mua và xuất khẩu cà phê áp dụng. Năm 2003, Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Đắc Lắc đã tiến hành khảo sát 11 đơn vị xuất khẩu cà phê lớn ở tỉnh này và chỉ có dưới 1% trong số này áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam. Lâu nay, trên thị trường cà phê trong nước, người thu mua và xuất khẩu vẫn áp dụng phương pháp truyền thống để đánh giá chất lượng, đó là tỷ lệ hạt đen, hạt vỡ, tạp chất và hàm lượng nước. Phương pháp này không những lạc hậu so với thế giới mà vô hình trung còn tiếp tay cho người dân thu hái cà phê xanh, dẫn đến chất lượng kém”.

Yếu tố chăm sóc, thu hái và sơ chế quyết định chất lượng cà phê. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cùng với công tác tuyên truyền, vận động người dân thì các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn chất lượng đã ban hành trong quá trình thu mua, xuất khẩu. Việc xây dựng thương hiệu cà phê Robusta và chú trọng đến xuất khẩu cà phê đã qua chế biến… cũng là những việc cần làm ngay của ngành cà phê Việt Nam.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng