Giá cà phê kỳ hạn thế giới tiếp tục suy yếu khi đầu cơ vẫn còn chờ đợi bên ngoài thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục suy giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 5 USD, xuống 1.701 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 3 USD, còn 1.687 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York kéo dài chuỗi giảm lên phiên thứ tư. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 0,75 cent, xuống 114,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 0,85 cent, còn 116,7 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên chỉnh giảm 100 đồng/kg, xuống dao động trong khung 34.500 – 35.400 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.577 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 105 – 110 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.
Giá cà phê suy giảm trên cả hai thị trường kỳ hạn do nhà đầu tư tiếp tục thanh lý, chuyển dòng vốn đầu cơ đến các thị trường có sức hấp dẫn hơn trong ngắn hạn vào lúc này như vàng, dầu thô.
Trong khi đó, hầu như cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai thế giới đã được công bố làm cho sức mua trên các thị trường hàng hóa chùng lại, phần lớn nhà đầu tư cần chờ đợi nghe ngóng thêm, một số đã vội vàng chuyển vốn vào các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, chứng khoán Nhật. Tuy nhiên, tổng thể các thị trường hàng hóa vĩ mô vào lúc này có xu hướng tiêu cực nhẹ nên đã được đánh giá chỉ là tạm thời trong ngắn hạn.
Báo cáo tồn kho tháng 5 của Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) của Mỹ cho biết lưu trữ tại các kho cảng đã tăng 135.030 bao, tức tăng 2% so với tháng trước, lên đăng ký ở mức 6.867.594 bao vào cuối tháng. Nếu tính thêm số cà phê đang vận chuyển container quá cảnh khắp Bắc Mỹ và tồn kho tại chỗ của nhà rang xay ít nhất là khoảng 1,1 triệu bao nữa, với mức tiêu thụ thụ của Mỹ và Canada ước vào khoảng 570.000 bao mỗi tuần, thì tổng tồn kho tháng 5 đủ để đảm bảo cho 13 tuần hoạt động rang xay, một con số dự trữ được cho là rất an toàn.
Báo cáo Tổng quan Cà phê Thế giới niên vụ 2018/2019 của bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã dự báo sản lượng toàn cầu năm nay sẽ tăng 11,4 triệu bao so với năm trước, chủ yếu là do sản lượng Brasil tăng 9,3 triệu bao lên 60,2 triệu bao. USDA cũng dự báo sản lượng cà phê Indonesia tăng 5% và Việt Nam tăng 2%. Các nhà quan sát cho rằng dự báo tăng của USDA đã tác động tiêu cực tâm lý thị trường trong ngắn lẫn trung hạn.
Thị trường cà phê Đông Nam Á nói chung hiện đang tỏ ra khá trì trệ do Việt Nam tiếp tục kháng giá, trong khi Indonesia đang ăn mừng lễ Eid Al-Fitr ngay sau Tháng Chay Ramadan của người Hồi Giáo đến hết ngày mai 20/6.
Dự kiến giá cà phê Arabica vẫn còn trì trệ trong khi giá cà phê Robusta sẽ điều chỉnh tăng để tạo sức hấp dẫn hàng tồn kho vụ cũ của Việt Nam sớm đưa ra thị trường, vì lúc này cà phê Robusta Việt Nam là nguồn cung chủ yếu cho thị trường tiêu dùng.
Anh Văn (giacaphe.com)