Việt Nam là nước nông nghiệp. Thành quả lao động của người dân thường xuyên bị thiên tai, dịch bệnh trên gia súc, cây trồng đe dọa và cướp đi từ 13 đến 15 nghìn tỷ đồng/năm. Mỗi lần như vậy, người nông dân lại chịu thiệt hại nặng nề. Vấn đề bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) càng ngày càng được nhìn thấy như một lỗ hổng lớn. Hiện nay, chủ trương về BHNN đã có, nhưng cái khó là việc triển khai.
Theo Ðề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020” vừa được Chính phủ phê duyệt, BHNN sẽ được thực hiện thí điểm ở một số khu vực, cho một số loại nông – thủy sản. Tuy nhiên, những khu vực và sản phẩm cụ thể hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo ý kiến của Bộ Công thương (đơn vị xây dựng đề án) thì việc thí điểm bảo hiểm ưu tiên trước hết hướng vào hàng lương thực, bởi bảo hiểm là giúp một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam cung cấp ổn định cho thị trường thế giới. Ngoài ra, sẽ bảo hiểm một số mặt hàng có thế mạnh như cà-phê, hạt tiêu…
Ðề án BHNN hiện mới phác thảo một số hướng lớn, đáp ứng sự mong đợi của nhiều địa phương, nhưng cũng còn không ít băn khoăn, nhất là còn nhiều điểm chưa phù hợp với sản xuất nông nghiệp ở miền núi. Do đặc thù miền núi là ruộng đất manh mún, phân tán, sản xuất ở quy mô nhỏ, việc phối hợp liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư với người nông dân gặp rất nhiều hạn chế. Trong khi đó, hầu hết người dân ở đây còn chưa hiểu rõ về khái niệm bảo hiểm nông nghiệp. Ðể người nông dân có thể tránh được những rủi ro và yên tâm đầu tư sản xuất, việc triển khai đề án BHNN là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, khi thực hiện đối với cộng đồng những làng, những bản ở miền núi thì đề án cần có quy định cụ thể hơn, căn cứ đặc thù của từng khu vực.
Mặt khác, để phát triển được loại hình này, bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Do những nhược điểm của một nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đa số nông dân đã quen với tâm lý bao cấp. Làm cái gì, sản xuất ra sao, thu hoạch thế nào cũng như mỗi khi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh họ chỉ biết trông chờ vào Nhà nước. Việc chuyển tải các dịch vụ BHNN nói riêng và tài chính ngân hàng nói chung đến người nông dân cũng là điều không dễ dàng.
Trên thực tế, hai đơn vị là Groupama Việt Nam (từng triển khai bảo hiểm đối với vật nuôi ở Tây Nam Bộ) và Bảo Việt (triển khai bảo hiểm một số vật nuôi và cây trồng) đều đã thất bại. Song, với một nước nông nghiệp thường xuyên phải hứng chịu những rủi ro từ thiên nhiên, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho hoạt động bảo hiểm. Và ngược lại, BHNN chính là “bà đỡ” giúp người nông dân đứng vững trước thiên tai, thảm họa. Bởi vậy, theo Ðề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020” sẽ có bốn đơn vị là Bảo Việt, Bảo Minh, Groupama Việt Nam và Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng tham gia BHNN.
Dẫu sao, để BHNN đi vào cuộc sống và thật sự trở thành “bà đỡ” cho nông dân, ngoài chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ của doanh nghiệp, đã đến lúc mỗi người sản xuất cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, lợi ích của việc tham gia loại hình bảo hiểm này.
Theo Nhân Dân