Báo cáo Thương mại mới nhất của ICO cho rằng niên vụ cà phê 2017/2018 sản lượng toàn cầu sẽ vượt nhu cầu 778.000 bao, tiếp tục gây sức ép lên giá cà phê năm nay.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 16, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta tiếp tục suy giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 8 USD, tức giảm 0,46% xuống mức 1.722 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm thêm 8 USD, tức giảm 0,45% xuống mức 1.759 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch tăng khá cao trên mức trung bình.
Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica đảo chiều hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 1,45 cent, tức tăng 1,25 % lên 117,7 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 1,4 cent, tức tăng 1,18% lên 119,8 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 100 – 200 đồng, xuống dao động trong khung 36.400 – 36.900 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.649 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 105 – 110 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 tăng 23 USD/tấn và giá cà phê nhân xô trong nước tăng 300 đồng, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 1,8 cent/lb.
Sức ép của vụ mùa mới “kỷ lục” ở Brasil tiếp tục đè nặng lên các thị trường cà phê trong khi thông tin cho thấy sức kháng giá của nông dân các nước trồng cà phê cũng không hề nhỏ. Trong khi đó, đề xuất của Colombia về việc chính phủ các nước sản xuất cần có biện pháp hỗ trợ tài chính cho người nông dân giữ lại cà phê không bán ra ở vùng giá thấp gần như không nhận được tín hiệu phản hồi nào và ngay cả chính phủ Colombia cũng không có ngân sách để thực hiện.
Hội nghị Thường niên lần thứ 121 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) tai Mexico City đã kết thúc cuối tuần trước mà không có một tuyên bố khả dĩ nào có thể hỗ trợ cho việc thúc đẩy giá cà phê hiện hành mà thị trường còn chứng kiến giá cà phê Arabica trong tuần này đã rơi xuống mức thấp trong vòng 25 năm qua.
Trong khi đó nhiều quốc gia sản xuất cà phê cũng chưa có tiền lệ trợ giá cho nông dân khi giá giảm xuống mức quá thấp, sản xuất thua lỗ.
Lịch sử gần nhất ở Việt Nam là vào đầu niên vụ cà phê 2001/2002 giá cà phê nhân xô giao dịch nội địa ở mức 3.200 – 3.400 đồng/kg. Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) buộc phải đưa ra mức giá bán xuất khẩu tối thiểu 500 USD/tấn (FOB) cho cà phê R2 loại 5% đen vỡ. Nguyên nhân lúc đó cũng được cho là nguồn cung toàn cầu dư thừa.
Tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ Hai ngày 16/04 đã giảm thêm 1.000 tấn, tức giảm 1,25% so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở mức 79.120 tấn (tương đương 1.318.667 bao, bao 60 kg). Nguyên nhân sụt giảm được cho là vì giá London giảm xuống thấp đã ngăn cản giới thương nhân đưa cà phê lên Sàn để đấu thầu.
Hải Quan Việt Nam báo cáo xuất khẩu 15 ngày đầu tháng Tư đạt 80.930 tấn cà phê các loại, đưa con số xuất khẩu 3 tháng rưỡi đầu năm 2018 lên 610.375 tấn (tương đương 10,17 triệu bao).
Báo cáo mới nhất của Sucden Financial ở Vương quốc Anh dự kiến sản lượng vụ mùa sắp tới của Việt Nam sẽ ở mức 28,1 triệu bao và do đó khối lượng xuất khẩu sẽ thiết lập mức cao nhất 3 năm.
Anh Văn (giacaphe.com)