Tổng hợp thị trường cà phê tuần 13 (26/03 – 31/03/2018)

Các thị trường cà phê tuy có sự hồi phục nhưng vẫn còn giao dịch trong phạm vi giá thấp.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T5/2018 tuần 13 (26/03 – 31/03/2018)

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, cũng là phiên cuối tháng và cuối quý, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 4 USD, xuống 1.725 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 1 USD, còn 1.750 USD/tấn, các mức giảm rất nhẹ. Khối lượng giao dịch giảm xuống dưới mức trung bình.

Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 0,4 cent, lên 118,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 cũng tăng 0,4 cent, lên 120,2 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên không đổi hoặc giảm nhẹ 100 đồng tùy vùng, xuống dao động trong khung 36.200 – 36.800 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.630 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi dãn ra ở mức 115 – 120 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5 tăng 35 USD/tấn và giá cà phê nhân xô trong nước tăng 700 đồng, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 0,95 cent/lb.

Trong tuần, giá cà phê thế giới đã có sự hồi phục sau phản ứng trái chiều của các thị trường khi Fed tăng lãi suất USD và đặc biệt là căng thẳng thương mại leo thang khi Mỹ đe dọa áp thuế chống bán phá giá và Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả.

Tuy nhiên, áp lực vụ mùa mới sắp thu hoạch của Brasil và sự gia tăng bán phòng hộ của các nước sản xuất cà phê Arabica trên sàn New York, kết hợp với sức bán đầu cơ tăng lên mức kỷ lục, đã đè giá kỳ hạn giảm sâu. Một chuyên gia kỳ cựu về thị trường kỳ hạn ở Phố Uôn vừa đưa cảnh báo nếu giá cà phê kỳ hạn sàn ICE – New York phá qua mức 117,6 cent/lb sẽ rất có nguy cơ suy thoái trở lại như hồi năm 2015.

Hiệp hội các nhà Xuất khẩu Cà phê (Cecafé) Brasil cũng vừa đưa ra ước tính niên vụ cà phê 2018/2019 sẽ xuất khẩu khoảng 35 triệu bao, tiêu thụ nội địa vẫn ổn định khoảng 22 triệu bao, trong khi tồn kho vụ cũ hầu như cạn kiệt, nên con số dự báo sản lượng vụ mùa năm nay 60 triệu bao của nhiều giới là rất có khả năng trở thành hiện thực.

Trong khi đó, giá cà phê Robusta trên sàn London cũng khó tăng trưởng như thị trường kỳ vọng, cho dù Việt Nam vẫn được nhấn mạnh là nguồn cung duy nhất cho thị trường tiêu dùng toàn cầu hiện nay. Nhà sản xuất Indonesia cũng bắt đầu bước vào thu hoạch vụ mùa mới năm nay với hai dự báo trái ngược hiện đang tồn tại trên thị trường. Một phía cho rằng đã có sự hồi phục sản lượng đáng kể so với vụ vừa qua là vụ có sản lượng thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Phía ngược lại cho rằng nhiều vùng bị khô hạn năm ngoái nên có dấu hiệu tiếp tục mất mùa. Tuy lượng hàng giao về các kho cảng Lampung bắt đầu tăng nhưng cũng khó mua vì mức giá chào bán hiện hành khá cao, khó cạnh tranh và nhất là ưu tiên đáp ứng cho nhu cầu của ngành công nghiệp trong nước, theo một thương nhân kinh doanh cà phê Đông Nam Á có văn phòng ở Singapore cho biết.

Tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và deo dõi cấp phát, tính đến thứ Hai ngày 26/03 đã giảm 1.620 tấn, tức giảm 1,97 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở 80.470 tấn (tương đương 1.341.167 bao, bao 60 kg).

Ngành Nông nghiệp Việt Nam báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 3 ước đạt 190.000 tấn (khoảng 3,17 triệu bao), đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2018 lên con số 520.000 tấn (khoảng 8,67 triệu bao), tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ Hai, ngày 02/04, thị trường London đóng cửa nghỉ Ngày Thứ Hai Phục Sinh ; thị trường New York mở cửa muộn sau 18 giờ 30’.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

76