Xuất khẩu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro

Tại hội nghị do Bộ Công Thương tổ chức ngày 11/3 tại Tp. HCM, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên đánh giá, hoạt động xuất khẩu vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.


So với cùng kì 2009, 2 tháng đầu năm nay rất nhiều ngành hàng đạt kết quả tăng trưởng về kim ngạch khá cao như: thủy sản tăng 19,3%, điều nhân tăng 14,4%, chè tăng 33%, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 21,5%, sản phẩm hóa chất tăng 24%, cao su tăng 64,8%, sản phẩm từ cao su tăng 78,6%, đồ gỗ tăng 29,2%, giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 48,2%, dệt may tăng 16,8%, thủy tinh và sản phẩm thủy tinh tăng 83,1%, điện tử và linh kiện máy tính tăng 30,6%, dây cáp điện tăng 99,8%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 91,3%.

Kinh tế thế giới hồi phục nên giá nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng cao hơn trước, mang về cho kim ngạch xuất khẩu thêm khoảng 600 triệu USD. Cụ thể, giá dầu thô đã tăng 74%, hạt tiêu tăng 17%, gạo tăng 24%, cao su tăng 86%, sắn và sản phẩm sắn tăng 92%.

Trong 2 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường có sự thay đổi nhẹ. Các thị trường xuất khẩu trong khối EU hầu hết đều giảm nhẹ 2,2% so với cùng kì. Ngược lại, thị trường xuất khẩu vào châu Á lại tăng thêm 4,6%, Hoa Kỳ 25,8%, Trung Quốc tăng 54,4%.

Nhờ có nhiều ngành hàng xuất khẩu tăng mạnh về giá trị, nhiều ngành hàng tăng về sản lượng nên kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2010 vẫn giữ được đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, hoạt động xuất khẩu vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 2 tháng đạt 8,9 tỷ USD, chỉ tăng 0,1% so với cùng kì năm 2009. Hiện tại nhiều ngành hàng đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Nếu như thời điểm này năm ngoái, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải tạm ngưng đăng kí mới các hợp đồng xuất khẩu gạo thì từ đầu năm đến nay, Việt Nam chỉ mới xuất được 750.000 tấn, giảm 25% so với cùng kì. Trong khi đó giá lúa gạo đang có chiều hướng giảm so với cuối năm trước.

Giai đoạn này được gọi là “báo động đỏ” đối với ngành cà phê do xuất khẩu đang sụt giảm mạnh cả về lượng lẫn giá. Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho biết, giá xuất khẩu cà phê hiện nay đang xuống rất nhanh. Từ tháng 10/2009 đến tháng 2/2010, ngành cà phê đã xuất 450.000 tấn cà phê nhân, chỉ giảm 20% về sản lượng so với cùng kì năm trước nhưng về giá lại giảm đến gần 40%.

Doanh nghiệp xuất cà phê trong nước đang phải đối phó với sự chèn ép của các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó trong thanh toán. Nhiều đối tác nước ngoài “găm” tiền không chịu thanh toán. Lo sợ, các nhà xuất khẩu đã đưa ra nhiều điều khoản trong thanh toán cho đối tác. Viện cớ đó, một số đối tác nước ngoài tẩy chay doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu nước ngoài tại Việt Nam vẫn được ưu ái giao đâu thanh toán đó.

Mặc dù từ đầu năm 2010 đến nay, xuất khẩu cao su được thuận lợi về giá cả nhưng hiện tại các doanh nghiệp cao su cũng đang rất lo ngại về chỉ tiêu của ngành. Theo giải thích của đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam, do thời tiết năm nay khắc nghiệt nên sản lượng mủ không đảm bảo. Chính vì vậy, ở thời điểm này vẫn khó có thể dự đoán được kết quả của cả năm. Nếu cuối năm, giá cả vẫn giữ ở mức cao như hiện nay thì hy vọng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD cả năm sẽ đạt.

Không lo về giá xuất, sản lượng hay thị trường, ngành thủy sản lại lo lắng về giá cả thức ăn và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Như ý kiến của Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ông Trương Đình Hòe, cần chú trọng hơn nữa đến vấn đề con giống và thúc đẩy công tác nghiên cứu để sản xuất được nguồn giống tốt, chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và ổn định giá thành nguồn thức ăn.

Có thể nói vốn luôn là điệp khúc than phiền tại hầu hết các cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong buổi gặp mặt với Bộ Công Thương đầu năm 2010, hầu hết các doanh nghiệp ở các ngành nghề đều kêu đang rất thiếu vốn. Năm nay, ngành điều ước tính cần khoảng 14.820 tỷ đồng để thu mua điều thô trong nước và nhập khẩu khoảng 250.000 tấn điều thô. Dù vào mùa thu mua nguyên liệu nhưng doanh nghiệp hiện không có tiền, nhờ vốn của ngân hàng cũng không dễ.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân trong nước đang lo lắng về sự “chiếm sân” của doanh nghiệp ngoại. Như giải thích của ông Đỗ Hà Nam, tranh thủ lúc doanh nghiệp trong nước không có vốn để thu mua cà phê, doanh nghiệp nước ngoài đến trực tiếp nông dân gom hàng.

Theo ý kiến của ông Vũ Đức Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên, cần một cơ chế hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp xoay vòng. Nếu có vốn và cơ chế hỗ trợ, doanh nghiệp trong nước có thể an tâm giữ hàng đợi giá cao mới bán. Như vậy, hàng hóa của doanh nghiệp mới có thể tránh khỏi tình trạng bị ép giá và bán tháo để gom vốn trả nợ. Ông Tiến cho rằng, ngân hàng cần thời gian cho vay dài hơn và hỗ trợ mức lãi trong khoảng thời gian giá hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh như mặt hàng cà phê hiện nay.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng đang gặp khó khăn về giá như gạo, cà phê, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết sẽ sớm có các phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Theo Vneconomy

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng