Tâm lý tiêu cực hiện đang đè nặng lên cả hai thị trường cà phê kỳ hạn.
Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm thêm 38 USD, xuống 1.686 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 39 USD, còn 1.692 USD/tấn, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm thêm 3,3 cent, xuống 125,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 3,25 cent, còn 127,5 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 600 – 700 đồng, xuống dao động trong khung 35.400 – 36.000 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, xuống ở mức 1.606 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi co về 75 – 80 USD theo giá kỳ hạn tháng 3 tại London.
Báo cáo thương mại tháng 11 của Tổ chức Cà phê Quốc Tế (ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng này chỉ đạt 9,02 triệu bao, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Do đó xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 2 tháng đầu niên vụ cà phê 2017/2018 giảm 11,3% so với cùng kỳ niên vụ trước, với tổng cộng 17,62 triệu bao.
Cũng theo ICO, lượng xuất khẩu cà phê toàn cầu thấp hơn trong 2 tháng 10 và 11 là đã được dự kiến, vì đó là giai đoạn Brasil xuất khẩu giảm do sự kháng giá tại thị trường nội địa kết hợp với việc vận chuyển bị gián đoạn tại cảng Santos, cảng xuất khẩu cà phê chính của Brasil, đã làm lượng cà phê giao xuống tàu sụt giảm đáng kể. Bên cạnh đó còn là sự sụt giảm khá mạnh khối lượng cà phê xuất khẩu từ Việt Nam kết hợp với việc thu hoạch vụ mùa Robusta mới chậm lại và Colombia cũng xuất khẩu giảm do thu hoạch vụ mùa Arabica chính bị trì hoãn vì mưa lớn trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu toàn cầu trong 2 tháng 10+11 giảm khoảng 2,25 triệu gần xấp xỉ với mức tồn kho cao hơn mức cần thiết khoảng 3 – 4 triệu bao của các thị trường tiêu dùng chính trong thời gian này nên đã không gây tác động bất kỳ lên các thị trường tiêu dùng và thực sự cũng không có lý do gì để bận tâm vào các dữ liệu xuất khẩu cà phê mới nhất vào lúc này.
Các nhà quan sát cho rằng biến động mạnh trên các thị trường phiên hôm qua là do chỉ số USDX mạnh trở lại trong khi tỷ giá đồng Reais tăng theo gây bất lợi cho các mặt hàng nông sản chủ lực của Brasil, bên cạnh còn là tác động tiêu cực của chỉ số hàng hóa vĩ mô tổng thể. Trong khi đó sự điều chỉnh vị thế của giới đầu cơ đã giúp thị trường hồi phục ít nhiều vào cuối phiên được dự kiến sẽ tiếp tục tác động lên sự hồi phục của giá trong phiên hôm nay, cho dù tâm lý tiêu cực hiện đang chi phối khá mạnh mẽ lên cả hai thị trường kỳ hạn hiện nay.
Anh Văn (giacaphe.com)