Tổng hợp thị trường cà phê tuần 49 (04/12 – 09/12/2017)

Các thị trường cà phê quốc tế trở lại trái chiều do nguồn cung các loại chưa thể cân đối trong ngắn hạn.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T1/2018 tuần 49 (04/12 – 09/12/2017)

Chốt phiên cuối tuần, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 tăng 27 USD lên mức 1.753 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3/2018 tăng 26 USD lên mức 1.750 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì dưới mức trung bình.

Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica tiếp tục giảm sâu. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm thêm 0,25 cent xuống ở 120,6 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2018 giảm thêm 0,3 cent còn 122,6 cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng khá mạnh trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 300 – 400 đồng/kg, lên dao động ở mức 36.400 – 37.200 đồng/kg.

Giá cà phê  Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, đứng ở mức 1.645 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi co về mức 80 – 85 USD theo giá kỳ hạn tháng 3/2018 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3/2018 giảm 10 USD/tấn, giá cà phê nhân xô trong nước giảm nhẹ 200 đồng/kg, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12 giảm mạnh tới 6,95 cent/lb.

Giá cả phê Arabica New York giảm suốt cả tuần lễ thứ 49 được đánh giá chung là do mưa thuận lợi trên hầu hết các vùng trồng cà phê chính của Brasil giúp cây phát triển tốt, cho dù đánh giá đợt khô hạn gây thiệt hại cho lứa hoa đầu vụ là không thể đảo ngược. Thị trường cũng nhận thấy sản lượng Brasil không như kỳ vọng sẽ được bù đắp từ sản lượng tăng của khối Trung Mỹ, và chính điều này là yếu tố quyết định, kết hợp với biến động từ các chính sách về tiền tệ như đã dự kiến làm tâm lý đầu cơ trên thị trường New York suy giảm kéo dài.

Giá cà phê Robbusta London chưa thể khởi sắc nhưng sức ép của vụ mùa mới lớn đang thu hoạch ở Việt Nam cũng khó làm giá giảm sâu thêm, theo nhận định của các nhà quan sát. Bên cạnh lực mua đầu cơ trên sàn kỳ hạn đang gia tăng trở lại là lực mua đầu cơ từ ngay tại thị trường nội địa Việt Nam sẽ xuất hiện khi giá giảm xuống ở vùng thấp. Theo nhiều đại lý thu mua và các thương nhân kinh doanh cà phê nội địa cho biết, chính các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng tại phía nam cũng góp phần không nhỏ vào lực mua đầu cơ này.

Đáng chú ý trong tuần là dữ liệu báo cáo tháng 11 của ngành Hải Quan Việt Nam cho biết xuất khẩu cà phê, chủ yếu là cà phê Robusta, trong tháng  đạt 100.475 tấn (tương đương 1.674.583 bao, bao 60 kg), tăng 21,7% so với tháng trước nhưng lại giảm tới 21,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó còn là báo cáo số liệu thống kê thương mại từ Sumatra, đảo sản xuất cà phê hàng đầu của Indonesia, cho thấy xuất khẩu cà phê Robusta của tháng 11 giảm 298.117 bao, tức giảm tới 57,27% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng cộng 222.460 bao, dẫn tới xuất khẩu 2 tháng đầu niên vụ cà phê mới 2017/2018 đã giảm 743.766 bao, tức giảm tới 64,77% so với cùng kỳ niên vụ trước, chỉ đạt tổng cộng 404.483 bao.

Rõ ràng số liệu xuất khẩu giảm từ hai nhà sản xuất cà phê Robusta chính của thế giới là lực đẩy đã giúp giá cà phê Robusta quốc tế khó giảm sâu, bất chấp hàng vụ mới của Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường.

Thời tiết tại vùng Tây nguyên đã thuận lợi trở lại cho nhà nông đẩy mạnh thu hoạch hiện đang vào cao điểm. Nhu cầu về tiền mặt hiện nay không trở thành vấn đề thúc bách như các năm. Thay vào đó, lực lượng nhân công khi vào thu hoạch rộ mới là vấn đề bức thiết. Cà phê quả tươi vẫn được giao dịch ổn định trong phạm vi giá 7.000 – 7.500 đồng/kg

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nongdancun

    “Giá cà phê Robbusta London chưa thể khởi sắc nhưng sức ép của vụ mùa mới lớn đang thu hoạch ở Việt Nam cũng khó làm giá giảm sâu thêm”. Phải hiểu câu nầy như thế nào nhỉ?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80