Giá robusta tăng nhưng arabica lại giảm với nỗi sợ La Nina (6/12/2017)

Giá tăng mạnh trên sàn Robusta nhưng giằng co trên sàn Arabica với một “ nỗi sợ mơ hồ” về La Nina gây mưa tại Colombia và Brazil trong khi điều hiện hữu là xuất khẩu của Việt Nam và Brazil yếu.

Chốt phiên ngày thứ 3, kỳ hạn tháng 1 sàn Robusta tăng 35$ lên mức 1.757 USD/tấn trong khi đó kỳ hạn tháng 3 sàn Arabica giảm 1,1 cents chốt tại mức 127,4 cents/Lb.

Cơ quan dự báo khí tượng hoàng gia Úc tiếp tục nhắc lại về hiện tượng La Nina ven bờ Thái Bình Dương sẽ gây hiệu ứng đến các vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ đến mùa thu 2018, tuy cơ quan này vẫn bảo lưu quan điểm rằng cường độ của đợt La Nina này yếu. Điều này đẩy 2 thị trường đi trái ngược nhau vì khả năng Brazil tiếp tục mưa có nghĩa mùa vụ 2018 sẽ rất thuận lợi trong khi các cơn mưa có thể gây tác hại khôn lường đến vụ “mitaca” – mặt hàng cà phê chất lượng cao thế giới của Colombia. Theo các thương nhân thì đây là nguyên nhân chính thúc đẩy giá tăng mạnh trên sàn Robusta và giằng co hướng giảm hiệu chỉnh trên sàn Arabica, thêm vào đó là các hãng tin quốc tế cũng cập nhật lượng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục thấp trong khi vụ thu hoạch đang bị các cơn mưa cản trở phần nào và đáng ngại là việc ra hoa sớm khi mùa vụ chưa thu hoạch xong sẽ gây ra viễn cảnh sản lượng và chất lượng vụ sau sụt giảm.

Viện Cà phê Quốc gia Costa Rica thông báo xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 11 là tăng khoảng 11.786 bao tức tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 34.024 bao. Điều này góp phần vào lũy kế xuất khẩu cà phê trong hai tháng đầu niên vụ 2017/18 giảm khoảng 5.179 bao tức giảm 12% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt 48.334 bao. Hiệp hội người trồng cà phê quốc gia Colombia báo cáo rằng sản lượng cà phê của nước này trong tháng 11 giảm 349.000 bao tức giảm 21,11% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.304.000 bao. Điều này đã góp phần vào sản lượng tích lũy của quốc gia này trong hai tháng đầu niên vụ 2017/2018 sụt giảm 671.000 bao tức giảm 22,01% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt tổng cộng là 2.377.000 bao. Liên đoàn các nhà trồng cà phê quốc gia Colombia cũng đã thông báo rằng xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 11 giảm 79.000 bao hoặc giảm 6,33% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng số 1.169.000 bao. Điều này đã góp phần vào xuất khẩu cà phê của Colombia trong hai tháng đầu niên vụ 2017/2018 là 173,000 bao hoặc thấp hơn 6,9% so với cùng kỳ niên vụ trước, với tổng số 2.324.000 bao.

Biểu đồ giá kỳ hạn tháng 1 sàn London cuối phiên 5/12/2017

Theo các kỹ thuật thì dù hôm qua giá tăng vào phiên chiều trên kỳ hạn tháng 1 sàn Robusta nhưng đáng tiếc nhất là giá không tăng phá qua mức 1780, mức mà bức tranh kỹ thuật sẽ hoàn toàn thay đổi theo hướng tăng hồi phục. Giá lúc này đang dao động sát biên trên của khung giá giảm, giá cần vượt qua thêm một lần nữa mức 1767-1769 để xác nhận hướng tăng trong ngăn hạn. Nếu không vượt qua được mức này thì giá dễ suy yếu và giảm về lại vùng 1730 – 1740.

Trong khi đó sàn Arabica đang đi theo “quy luật” cứ 2 phiên giảm có 1 phiên tăng – đánh giá của Comerzbank. Do vậy về mặt tâm lý giá sẽ có những ổn định lại sau hiệu chỉnh và mức dao động khu dưới lúc này vẫn là 125,5 cho kỳ hạn tháng 3 trong khi giá cần dao động trên 131,5 để trở thành xu thế tăng ngắn hạn.

Phạm Vỹ (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng