Giá hai sàn đi ngang khi bức tranh kỹ thuật chưa thay đổi (11/10/2017)

Giá đóng cửa cả hai sàn “đi ngang” trong một phiên giao dịch mà các thương nhân vừa mua bán vừa “hóng” các tin tức từ thị trường tài chính, đặc biệt là sự biến đổi thất thường của USD và Real cũng như đồng Euro theo các diễn biến chính trị của các khu vực liên quan. Các hoạt động trên cả hai sàn thuần về kỹ thuật hơn là các tác động đến từ các tin cơ bản.

Chốt phiên ngày 10/10 giá kỳ hạn tháng 11 sàn London +4$ tại mức 2.007 USD/tấn trong khi đó sàn Arabica kỳ hạn tháng 12 tăng nhẹ +0,05 cent đóng cửa tại mức 131 cents/lb. Dù giá đóng cửa chỉ tăng nhẹ nhưng lượng giao dịch khá hơn hẳn các ngày giao dịch trước đó và tâm điểm là các giao dịch chuyển tháng. Cần lưu ý 2 mốc dưới đây, đặc biệt là chỉ còn có 6 phiên giao dịch cho đến ngày đáo hạn “quyền chọn” kỳ hạn tháng 11 của sàn Robusta và theo ghi nhận thì các quỹ bảo hiểm (Hedging Funds) đang tăng vị thế bán ròng của mình. Sàn New York thì các nguồn quỹ phi thương mại (Non-comercial) và đầu cơ thương mại đều tăng lượng bán ròng (vị thế SHORT) của mình trong khi các quỹ chỉ số (Index Funds) thì lại tăng vị thế mua ròng (Vị thế LONG) của mình.

* Ngày 18/10 : hợp đồng kỳ hạn Robusta tháng 11 quyền chọn hết hạn.
* Ngày 01/11 : hợp đồng kỳ hạn Robusta tháng 11 thông báo đầu tiên.

Theo các dự báo thời tiết mới nhất thì các vùng trồng cà phê tại Brazil nhiệt độ đang tăng dần lên, mưa ít đi và đợt ra hoa lần 2 bắt đầu ồ ạt và đồng nhất. Dù Brazil vừa thu hoạch xong vụ 2016/2017 nhưng tình hình xuất khẩu của họ giảm rõ rệt. Theo số liệu từ Hội đồng các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), xuất khẩu cà phê Brazil đạt 2,29 triệu bao loại 60 kg trong tháng 9, kim ngạch đạt 381,4 triệu USD, giảm 12,9% về khối lượng so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu năm 2017 của Brazil đạt hơn 21,9 triệu bao. Tổng cục Hải quan Việt Nam báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 9 của Việt Nam cũng giảm, chỉ đạt 1.325.000 bao. Lũy kế xuất khẩu cà phê niên vụ 2016/17 của Việt Nam giảm 14,9% so với niên vụ trước, đạt 24,7 triệu bao.

Đồng USD tiếp tục giảm so với các đồng tiền chủ chốt khi các vấn đề chính trị liên quan đến khu vực bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Catalonia (Tây Ban Nha) đang chi phối “niềm tin” của các thương nhân. Cho dù USD và Real của Brazil biến động khá mạnh trong ngày hôm qua nhưng có vẻ như các nhà đầu tư vẫn đang thận trọng và “chờ đợi” thêm các tin tức rõ ràng hơn . Chỉ số CRB ngày hôm qua cũng ghi nhận tăng giá nhưng ít gây biến động trên các sàn hàng hóa.

Biểu đồ giá kỳ hạn tháng 11 sàn London cuối phiên 10/10/2017

Theo các nhà phân tích kỹ thuật thì do phiên hôm qua tiếp tục là một phiên “đi ngang” nên kỳ hạn tháng 11 sàn Robusta chưa có nhiều thay đổi về bức tranh kỹ thuật và khung dao động vẫn chốt khung 1980 – 2025. Cần lưu ý về mặt kỹ thuật khi giá có xu hướng đi ngang tích lũy và khi kết thúc chu kỳ giá thường biến động rất mạnh theo cả 2 chiều. Thêm vào đó ngày đáo hạn quyền chọn đang đến gần (còn 6 phiên giao dịch) nên sức ép tất toán cũng tăng dần lên và đó chính là điều cần lưu ý lúc này.

Trên sàn Arabica kỳ hạn tháng 12 hiện tại được hỗ trợ bởi các tin cơ bản là thời tiết Brazil lúc này khô nóng trở lại và nông dân Brazil lúc này đang bán ra dưới mức kỳ vọng của các thương nhân quốc tế, dù tình hình là như vậy nhưng xét trên khía cạnh kỹ thuật thì mức cản “cứng” tại 132 khá chắc chắn và giá thật sự sẽ chuyển sang 1 bức tranh khác nếu như giá có thể vượt trên cản này. Trong khi đó mức 128 lại được xem như mức sàn đáy vào lúc này. Do vậy khả năng giá vẫn sẽ chủ yếu dao động trong khung 129.45 -131.5 trước khi có các biến động tiếp theo.

Phạm Vỹ (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nongdancun

    “mức 128 lại được xem như mức sàn đáy vào lúc này”. Bài viết nói thế nhưng đến đêm thì giá lại rớt thê thảm – chỉ còn 126,8. Thật chẳng biết đâu mà lường !

Tin đã đăng