Mức giá cách biệt giữa hai sàn cà phê kỳ hạn được tiếp tục nới rộng trong khi giá cà phê Robusta London vẫn tương đối ổn định.
Chốt phiên cuối tuần, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 12 USD, xuống ở 2.129 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 11 giảm 8 USD, còn 2.117 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2018 giảm 5 USD, còn 2.092 USD/tấn , các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo được thu hẹp khoảng cách.
Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica tăng lien tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 1,9 cent, lên 137,85 cent/lb . Kỳ hạn giao tháng 12 cũng tăng 1,9 cent, lên 141,4 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2018 cũng tăng 1,9 cent, lên 144,95 cent/lb, các mức tăng cũng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 200 đồng/kg, xuống dao động ở mức 45.200 – 45.900 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, đứng ở mức 2.029 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch trừ lùi 85 – 100 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9 giảm 14 USD/tấn, giá cà phê nhân xô trong nước giảm 200 đồng/kg trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 1,3 cent/lb.
Giá cà phê Arabica có tuần thứ 4 tăng liên tiếp, gia tăng cách biệt, trong khi giá cà phê Robusta tiếp tục có thêm một tuần biến động không đáng kể.
Theo giới quan sát, sức tăng trên thị trường thị trường Arabica New York hầu như đã được trông thấy khi đầu cơ liên tục rót vốn “khủng” vào thị trường này lúc giá xuống quá thấp, cho dù trước đó ICO đã khẳng định toàn cầu thiếu hụt cà phê liên tiếp năm thứ ba.
Nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới Brasil đang thu hoạch vụ mùa mới nhưng không vì thế làm thị trường giảm bớt mối lo cung do đang ở năm giảm của chu kỳ “hai năm một”. Đặc biệt, nhà đầu tư Commerzbank vừa cho biết ở một số vùng sản xuất cà phê Arabica trọng điểm còn bị mất mùa “đáng quan ngại” vì sâu bệnh gây hại và dự báo giá cà phê này sẽ còn tăng,
Thông tin Việt Nam xuất khẩu cà phê Robusta tháng 7 sụt giảm, kết hợp với cấu trúc giá đảo trên sàn kỳ hạn London tiếp tục duy trì mối lo thiếu hụt nguồn cung, đã gây sức ép ngăn cản giá giảm trong khi thị trường cần điều chỉnh mức giá cách biệt giữa hai sàn.
Nổi bật trong tuần là thông tin kết quả phiên họp chính sách của Fed. Qua đó cho thấy lần họp này Fed chưa tăng lãi suất USD, do lạm phát chưa đạt mức kỳ vọng, đã giúp thị trường hàng hóa nói chung khởi sắc trở lại khi nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm lợi nhuận trên các thị trường này.
Sự trì trệ trên thị trường Robusta thế giới đã thúc đẩy sự kháng giá tiếp diễn tại thị trường Việt Nam, trong khi thời gian “giáp hạt” thường cho thấy nguồn cung Robusta từ nhà sản xuất hàng đầu không còn dồi dào. Thậm chí, thị trường càng lo ngại hơn nữa khi dự báo lượng hàng gối vụ hầu như không đáng kể.
Anh Văn (giacaphe.com)