Tư thương thời đổi mới

Lâu nay, dường như mỗi khi nhắc đến tư thương người ta thường nghĩ ngay đến những người chuyên ép giá nông dân để kiếm lời.

Nhưng chuyện chúng tôi ghi được trong mùa cà phê Tây Nguyên 2009 – 2010 lại minh chứng cho một cuộc “hôn nhân” tốt đẹp và bền lâu giữa tư thương và nông dân trồng cà phê nơi đây.

Khoảng 95% lượng cà phê của người dân tại Tây Nguyên được thu mua qua tư thương, các doanh nghiệp mua lại từ chính những tư thương này.

Con số này được ông Phan Tiến Thu, Giám đốc Agribank chi nhánh Gia Lai đúc rút ra từ dư nợ cho thu mua cà phê hàng năm của ngân hàng và phần lớn là cho tư thương vay.

Theo ông Thu, tư thương là những người có quan hệ gắn bó với người nông dân trồng cà phê nên họ hiểu rõ nông dân, trong khi các công ty thu mua không thể vào tận trong dân để thu mua nên phải qua trung gian là tư thương.

Gắn bó khăng khít

Chúng tôi về huyện Chư Sê, vùng trồng nhiều cà phê nhất Gia Lai. Có lẽ cả huyện này không ai không biết chị Tạ Thị Hương, một tư thương thu mua cà phê lớn nhất trong vùng.

Người phụ nữ gốc Bắc nhỏ bé tiếp chúng tôi trong kho thu mua cà phê rộng lớn của mình tại thôn Ple Đung, xã Ia Gru. Chị đưa chúng tôi đi xem khu vực phơi, phân loại, đóng bao quy mô như một doanh nghiệp lớn. Vào mùa thu hoạch, hàng chục chuyến xe nông dụng tấp nập chở cà phê từ rẫy về. Trung bình mỗi vụ gia đình chị thu mua khoảng 3.000 tấn, nguồn vốn chủ yếu vay từ Agribank.

Chị Hương làm nghề thu mua cà phê đã hơn 10 năm nay và là một trong những người thu mua nhiều nhất tỉnh Gia Lai. Hầu như công ty nào bước chân vào Gia Lai cũng tìm đến chị đặt hàng. Chị có gần 700 hộ trồng cà phê chọn làm địa chỉ tiêu thụ thường xuyên, còn những hộ vãng lai theo từng thời điểm, mùa vụ thì phải lên đến hơn 1.000 hộ.

Để thiết lập được mối quan hệ với hàng trăm hộ nông dân, chị Hương đã gắn bó, giúp đỡ họ tận tình. Chị lấy trong tủ ra hai cuốn số dày ghi dày đặc những khoản chị cho nông dân trồng cà phê vay. Có ghi ngày giờ cụ thể và cả chữ ký.

Chị nói, nông dân còn nghèo, mọi thứ sinh hoạt, con cái học hành, gạo ăn hàng ngày đều trông vào cây cà phê. Những ngày chưa vào vụ, nếu thiếu tiền chi tiêu, thiếu vốn chăm bón cà phê, nông dân đều tìm đến chị và chỉ cần ký vào cuốn sổ là có tiền.

Trang mới nhất của còn sổ còn ghi: tối qua, lúc 11 giờ một hộ dân vay chị 10 triệu đồng để đưa người nhà đi bệnh viện. Đó là chuyện thường hàng ngày, nông dân xem gia đình chị như địa chỉ tin cậy mỗi khi gặp khó khăn. Mỗi hộ dân vay nợ chỉ cần cam kết bán cà phê cho chị và sẽ trừ nợ. Chính việc làm này nên chị Hương đã tạo được một mạng lưới thu mua rộng lớn mà ngay các doanh nghiệp lớn cũng không thể làm được.

“Giở lại cuốn sổ, có thể biết được gia đình nào đang gặp khó khăn cần giúp đỡ, gia đình nào có người ốm đau. Tạo được tình cảm với nông dân, nên họ luôn bán hàng cho mình”, chị Hương nói.

Hiện nay ngân hàng chỉ cho nông dân vay có 7 triệu đồng/ha cà phê để chăm sóc, nhưng thực tế để chăm sóc 1 ha cà phê phải cần tới khoảng 20 triệu đồng. Nếu vay ngoài lãi suất lại quá cao, trong khi giá cà phê bấp bênh nên người nông dân chỉ chọn phương án vay vốn của tư thương, vừa an toàn lại không phải lo giá đầu ra khi thu hoạch.

Đa số tư thương thu mua cà phê ở Tây Nguyên đều là người địa phương, xuất thân từ nông dân trồng cà phê hay từ những người buôn bán nhỏ nên họ hiểu rất rõ nông dân như hiểu chất lượng cà phê, ông Hà Ban, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhận xét.

Không ai có thể thay thế được các tư thương khi họ vào tận hang cùng ngõ hẻm các buôn làng để giao dịch với nông dân. Hơn nữa, các tư thương lại rất nhanh nhạy với thị trường, cập nhật giá cà phê trên thế giới từng ngày.

Cầu nối giữa nông dân – doanh nghiệp

Chúng tôi sang huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc, nơi được xem là vựa cà phê lớn nhất của Tây Nguyên. Năm 2009 Cư M’gar trở thành trọng điểm cà phê khi sản lượng thu hoạch của cả huyện lên tới 82.000 tấn mà cả tỉnh chỉ được gần 400.000 tấn.

Ông Hoàng Kim Luyện, Giám đốc Agribank của huyện dẫn chúng tôi đến nhà anh Huỳnh Văn Hiến, hộ tư thương thu mua cà phê lớn nhất huyện. Đó là căn nhà khang trang, kề bên là hệ thống nhà kho, bãi thu mua cà phê đang tấp nập người vào ra.

Anh Hiến cho biết, mỗi năm gia đình anh thu mua khoảng 5.000 tấn cà phê từ hơn 500 hộ nông dân từng có quan hệ mua bán hàng chục năm nay. Anh Hiến gắn bó với các hộ bằng những quan hệ tín dụng thông thường. Họ thiếu vốn chăm sóc cà phê, thiếu tiền chi tiêu sinh hoạt lại tìm đến gia đình anh, chỉ cần một chữ ký vào sổ là được đáp ứng.

Chị Dung, vợ anh cho biết vừa mang tiền vào cho một nông dân để mua thuốc cho người ốm. Nhà họ có 6 ha cà phê và hàng chục năm nay chỉ bán cho anh Hiến.

Tư thương là mắt xích không thể thiếu ở các vùng nông thôn như Tây Nguyên. Các doanh nghiệp khi thu mua cà phê phải có quan hệ tốt với tư thương bởi họ không có đủ nhân lực và cũng không thể đi đến từng hộ. Chưa nói đến hệ thống kho chứa. Tư thương chính là cầu nối đưa sản phẩm của nông dân đến với doanh nghiệp.

Anh Hiến nói, ngày trước các doanh nghiệp ở Tp.HCM lên thu mua trực tiếp thường đưa ra mức giá thấp hơn so với giá cà phê thế giới, nông dân không nắm được nên chịu thiệt nhiều. Hiện nay các doanh nghiệp thu mua qua tư thương không thể gian dối về giá. Mỗi tháng tư thương bỏ ra hàng triệu đồng để cập nhật thông tin giá cà phê trên thế giới.

“Với nông dân, nếu mất chữ tín một lần thì họ sẽ không bao giờ bán nữa nên chúng tôi luôn đưa ra giá hàng ngày khi thu mua”, anh Hiến tâm sự. “Đã có những tư thương nói dối, ép giá nông dân, sau này bị phát hiện nông dân không bán cà phê cho thế là phải phá sản. Làm ăn với nông dân an tâm lắm, họ có tiền là trả liền, thiếu lại vay chứ không dây dưa bao giờ”.

Hơn 10 năm là nghề thu mua cà phê, anh Hiến chưa gặp ai quỵt nợ hay khất lần. Có những năm cà phê mất mùa, rớt giá, nông dân thua lỗ không có tiền trả nợ tư thương phải giãn nợ cho họ. Hơn thế, còn phải vay ngân hàng để đầu tư tiếp cho nông dân nếu không họ không có nguồn trả nợ.

Quan hệ tư thương – nhà nông dựa trên chữ tín, đôi khi chuyện vay mượn chỉ bằng lời, không hợp đồng, không khế ước hay tài sản bảo đảm. Tư thương gắn bó với nông dân nên đôi khi cũng bếp bênh theo mùa màng. Năm nào được mùa đồng vốn quay vòng nhanh tư thương còn có lời. Gặp năm mất mùa, thiên tai nông dân không có khả năng trả nợ, vốn đọng lại thì tư thương cũng là người chịu thiệt bởi đồng vốn đầu tư vào dân vay từ ngân hàng.

Trong khi đó, chỉ có nông dân là được ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ khi có thiên tai, mất mùa còn tư thương thì “ngoài rìa”. Anh Hiến thở dài: “Giới tư thương chúng tôi gắn bó với người nông dân, chia sẻ biến động của thị trường với bà con, vậy mà đôi khi bị những người tư duy thời bao cấp gọi là “con buôn” ép giá. Nghĩ mà buồn”.

>> Sự hình thành các đại lý cà phê

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng