Mô hình chế biến cà phê ướt ở Đắk Lắk – công nghệ mới cần được nhân rộng

Với 162.000 ha diện tích đất trồng cà phê (lớn nhất Tây Nguyên và cả nước), trung bình mỗi năm, sản lượng cà phê của Đắc Lắc thu được khoảng 320.000 tấn.

Cả tỉnh hiện có trên 100 doanh nghiệp tham gia chế biến cà phê, nhưng chỉ có hơn 20 doanh nghiệp có vườn cây và có quy trình chế biến tương đối đồng bộ và khép kín (tương đương khoảng 20% sản lượng), còn lại 80% sản lượng vẫn do nhân dân tự thu hái, chế biến, bảo quản theo cách truyền thống rất thô sơ, đơn giản, nên không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, số lượng thất thoát rất lớn và sản phẩm kém chất lượng chiếm tỷ lệ cao.

Trong khi ngành cà phê Đắc Lắc nói riêng và ngành cà phê cả nước nói chung còn chưa có lời giải cho bài toán này, thì việc thực hiện một dự án để trình diễn mô hình, từ đó giới thiệu, phổ biến và khuyến khích các hộ nông dân (cụm hộ) đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản cà phê là rất cần thiết.

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Chương trình khuyến công quốc gia, mà đầu mối là Cục Công nghiệp Địa phương, Sở Công nghiệp Đắc Lắc và một số cơ quan khác, từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2005, Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ Điện năng EaTút, xã PơngĐrang, huyện KrôngBúk, tỉnh Đắc Lắc đã được thụ hưởng nguồn kinh phí 310 triệu đồng (gồm 150 triệu đồng từ nguồn kinh phí KCQG và 160 triệu đồng từ các nguồn khác), để thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến cà phê ướt cụm hộ tại huyện KrôngBúk”, với qui mô công suất 01 tấn/giờ (tương đương 500 – 700 tấn cà phê tươi/năm). Dự án đã thành công và đang được nhân rộng sang các cụm hộ nông dân trồng cà phê ở Đắc Lắc.

Khác với cách làm truyền thống, quy trình chế biến cà phê ướt được bắt đầu từ khâu thu nhận quả tươi, sau đó dùng băng tải chuyển qua máy tách tạp chất và rửa quả. Tiếp đó, gầu tải chuyển những quả cà phê tốt, nặng chìm phía dưới vào máy xát vỏ, là một máy xát hàm vấu (có cả công đoạn thô và tinh). Cà phê xát vỏ xong, được bơm nước để đánh, rửa nhớt (từ vỏ tươi), sau đó chuyển sang máy sấy tĩnh. Sản phẩm đã được sấy khô này gọi là cà phê thóc. Chính vì được tróc sạch vỏ và nhớt, lại được sấy khô bằng máy, nên sản phẩm làm ra có chất lượng cao, dễ bảo quản và thuận tiện khi bán ra thị trường.

Một dây chuyền công nghệ như vậy, mỗi năm có thể đảm bảo chế biến từ 500 – 700 tấn cà phê tươi, được trồng trên diện tích 40 – 50 ha, của 10 hộ xã viên và giải quyết việc làm cho 15 – 20 lao động. Xã viên có vườn cây được hướng dẫn quy trình chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật, được tham gia mua bán với HTX theo 3 hình thức: bán thẳng, ký gửi hoặc gia công chế biến; Đặc biệt, với những hộ đồng bào là dân tộc thiểu số, kinh tế còn khó khăn, sẽ không phải đầu tư riêng lẻ thiết bị, sân phơi hay kho chứa nếu chọn hình thức ký gửi. Việc chế biến cà phê theo công nghệ ướt, mô hình cụm hộ còn giải quyết được vấn đề xử lý môi trường, vì nước thải trong quá trình chế biến không nhiều, lại được tận dụng để tưới hoặc làm phân bón cho cây trồng.

Trong thời gian thực hiện dự án, đã tổ chức được 1 lớp dạy nghề chế biến cà phê và chuyển giao công nghệ, 2 lần hội thảo để giới thiệu với bà con mô hình chế biến và trình diễn sản xuất thử tại địa bàn, với sự quan sát, chứng kiến của gần 200 đại biểu và hàng trăm lượt nông dân trong huyện KrôngBúk.

Các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản được nghiệm thu như sau: Tổng công suất điện 19,5 mã lực; Tiêu hao nước từ 5 -5m3/tấn cà phê tươi; Tỷ lệ tróc vỏ thóc và vỡ đạt mức dưới 4%, đồng thời đảm bảo độ sạch nhớt. Về mặt hiệu quả kinh tế, với công nghệ chế biến cà phê ướt, cứ khoảng 4,5 kg cà phê tươi, sẽ cho 1,28 kg cà phê thóc khô, trong khi giá mua cà phê quả tươi là 2.500 đồng/kg, thì giá bán cà phê thóc khô là 10.000 đồng/kg, cao hơn mặt bằng chung của thị trường
Nguồn: Tạp chí Công nghiệp Tiếp thị ngày 11 tháng 12 năm 2006

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng