Việt Nam chỉ đứng sau Brazil về sản lượng cà phê nhưng tỉ lệ cà phê không đạt chuẩn lại quá cao làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín giao dịch. Đây cũng là cái cớ để giới kinh doanh ép cấp, ép giá cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ngày 4-12, tại TP Đà Lạt, Hiệp hội 4C Quốc tế phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam. Tiến sĩ Phan Huy Thông – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhận định Việt Nam đang chiếm vị trí thứ hai về sản lượng cà phê trên thế giới “nhưng chất lượng không cao và giá rẻ”.
Nguyên nhân là do cây giống không đảm bảo. Trong ba tỉnh có diện cà phê lớn nhất nước ta, Đắk Lắk và Đắk Nông có từ 25 – 35% diện tích được trồng bằng giống chọn lọc, Lâm Đồng chỉ khoảng 4 – 5%. Cà phê ghép đã bước vào kinh doanh hiện nay mới chiếm khoảng 1,7% diện tích cà phê ở Tây Nguyên.
Việc canh tác cà phê còn thiếu bền vững do đầu tư cao, bón phân và tưới nước nhiều để tăng nhanh năng suất. Khi gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi thì cà phê nhanh chóng suy kiệt.
Nông dân không chú trọng việc trồng cây che bóng cho cà phê; chi phí đầu tư phân bón cao hơn qui trình khuyến cáo từ 10 – 23%; bón phân hóa học cho cà phê chưa cân đối, vượt liều lượng; còn nhiều hạn chế trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Quy trình kỹ thuật hái cà phê hầu như không được tuân thủ (thu hoạch đồng thời cả quả xanh và quả chín); kỹ năng chế biến còn kém; khi xuất khẩu không cần thủ tục chứng nhận chất lượng; doanh nghiệp xuất khẩu cà phê thường không quan tâm tiêu chuẩn chất lượng trong thu mua cà phê.
Chương trình phát triển cà phê bền vững
Ông Đoàn Triệu Nhạn (chuyên gia cao cấp Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam) cho rằng để lấy lại uy tín của cà phê Việt Nam, các đơn vị sản xuất kinh doanh cần nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất cà phê theo chuẩn và quy tắc quốc tế…
Việt Nam nên tiến tới sự phát triển bền vững cho ngành cà phê theo định hướng sáng kiến quốc tế của bộ quy tắc chung cho Cộng đồng Cà phê (Hiệp hội 4C).
Theo bà Melanie Rutten – Suelz (giám đốc điều hành Hiệp hội 4C), đây là chương trình hợp tác hành động giữa các nhà sản xuất, kinh doanh, chế biến và các tổ chức dân sự có trách nhiệm về kinh tế, xã hội và môi trường nhằm mở rộng nhận thức chung về sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê bền vững.
4C hiện có 127 thành viên từ hàng chục quốc gia và các thành viên này phải cam kết loại bỏ mười hoạt động như sử dụng thuốc trừ sâu đã bị cấm, phá rừng nguyên sinh hoặc phá hoại những tài nguyên thiên nhiên khác, giao dịch trái đạo đức trong quan hệ kinh doanh theo các công ước quốc tế, luật pháp…
4C thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ đối với bộ qui tắc và cấp phép cho các thành viên đạt tiêu chuẩn.
Mạng lưới dịch vụ hỗ trợ toàn cầu của 4C tạo điều kiện để các thành viên tiếp cận với các công cụ, thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để thực hành sản xuất và quản lý tốt nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động.
Các thành viên thuộc lĩnh vực chế biến cam kết mua ngày càng nhiều sản phẩm của những thành viên trồng cà phê đã tuân thủ 4C…