Trong khi nông dân trồng cao su ở Đông Nam bộ, trồng lúa ở ĐBSCL hay một số loại nông sản khác đang lo sắm tết với mùa vụ bội thu thì nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên ăn tết không vui, vừa phải lo chống hạn tới sớm, vừa lo lắng cho số phận những tấn cà phê mà mình đang gửi ở đại lý bởi nguy cơ vỡ nợ dây chuyền.
Chống hạn
Năm nay, theo nhiều nông dân trồng cà phê, thời tiết khá bất thường, những cơn mưa cách nay 1 tháng được nhiều người ví như “cơn mưa vàng”, giúp nông dân tiết kiệm được tiền dầu bơm nước tưới cà phê. Thế nhưng, sau đợt mưa rầm rộ, trời lại nắng gắt bất thường, báo hiệu mùa khô hạn đến sớm hơn so với mọi năm.
Vét thêm giếng cho sâu để bơm nước chống hạn cho cà phê.
Qua điện thoại, một số chủ trang trại cà phê cho biết, mọi năm vào hôm nay (28 tết), lẽ ra đàn bà thì đi chợ lo mua đồ tết, đàn ông thì dọn dẹp nhà cửa hay rảo qua chợ hoa tết ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Vậy mà nhiều người lại phải tranh thủ vào rẫy cà phê tưới nước đợt cuối để chống hạn trước khi kéo máy bơm về nhà cất. Những gia đình có máy bơm còn dễ thở, những hộ tưới nước bằng máy bơm thuê mướn thì phải chờ người có máy bơm, bơm tưới xong rẫy của họ mới sang tới nhà mình; và như vậy, có khi tới 30 tết vẫn còn ở trong rẫy lo chống hạn. “Nếu để cà phê thiếu nước lâu, quả sẽ đẹt (nhỏ), giảm năng suất”, một hộ nông dân giải thích.
Dak Lak có gần 190.000 héc ta cà phê, những cơn mưa trái mùa trong đợt áp thấp nhiệt đới giúp người trồng đỡ đi một đợt tưới, nhưng nó cũng kéo đợt tưới tiếp theo nhằm thời điểm giáp tết. Một số hộ dân tưới bằng máy bơm điện nhưng do nhiều hộ trong một khu vực cùng tưới nên xảy ra tình trạng điện quá tải, mất liên tục. Do vậy, nhiều người không tưới được cà phê, chờ 29 hay 30 tết ít người tưới mới bơm được nước.
Chị Nguyễn Bảo Trân, trồng cà phê ở ngoại ô Buôn Ma Thuột cho biết bây giờ các vùng cà phê ở ngoại ô thành phố khá vui vẻ, ồn ã tiếng người, tiếng máy bơm mà chị nói đùa là “mọi người xúm nhau ăn tết ở rẫy cà phê”.
Tiền tiêu tết ở đâu?
Từ một vài đại lý nhận ký gửi cà phê của nông dân bị vỡ nợ nay lây lan dây chuyền, thậm chí có thông tin đã có một vài doanh nghiệp lớn vỡ nợ hàng trăm tỉ đồng tiền nhận ký gửi cà phê. Chuyện đại lý nhận ký gửi cà phê bị vỡ nợ, nông dân không bán được cà phê đã tạo tâm lý lo lắng cho số phận những tấn cà phê của mình đang ký gửi. Muốn bán cũng chẳng được vì đại lý không có tiền trả, mà nếu có thì giá cà phê đang rớt thê thảm nên nông dân cũng chẳng mấy vui.
Anh Nguyễn Duy, một người trồng cà phê, cho biết các đại lý thì đua nhau tuyên bố vỡ nợ khi năm hết tết đến, mọi người ai có cà phê gửi cũng hoang mang lo lắng, trong khi giá cà phê thì đang xuống thê thảm, bán đại lý chẳng dám chốt giá. Tâm lý hiện tại là gửi cũng lo mà bán thì giá thấp quá.
Với người trồng cà phê thì tiền cho con đi học, tiền tiêu tết, tiền mua dầu bơm nước… đều trông cậy vào những bao cà phê vừa thu hoạch, giờ bán chẳng được, mà có khi còn mất trắng chẳng biết bao giờ đòi được tiền.
Hồng Văn – SGTimes