Việc nhập khẩu hạt tiêu có thể gây hại đáng kể cho nông dân trồng tiêu trong nước, hiện đang phải đối mặt với một vụ mùa thất bát nặng nề do thời tiết bất lợi năm ngoái.
Lo ngại hạt tiêu được nhập khẩu thông qua việc khai man và không đúng với kế hoạch trong khi nhu cầu nội địa rất lớn và giá cao, các nhà trồng tiêu và thương buôn trong nước đã kêu gọi Thủ tướng Nagendra Modi và Bộ trưởng Thương mại Nirmala Sitharaman ấn định giá nhập khẩu tối thiểu (minimum import price – MIP) là 6.000 USD/tấn đối với tiêu đen nhập từ Việt Nam.
Ông Kishor Shamji, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Tiêu và Gia vị Ấn Độ (IPSTA) và cũng là một nhà xuất khẩu kỳ cựu đã cho Business Line biết, tổ chức này đã viết thư lên cho các ông Modi và Sitharaman về vấn đề này.
“Sản lượng hạt tiêu Việt Nam năm 2017 ước tính khoảng 200 nghìn tấn và các nhà xuất khẩu đã bắt đầu bán hạt tiêu với giá thấp hơn mặc dù họ không có đối thủ cạnh tranh nào trên thị trường thế giới”, ông K.Shamji nói.
Theo Hiệp định Thương mại ASEAN, Ấn Độ đã nhập khẩu tới 54% hạt tiêu từ Việt Nam, nhiều nhà nhập khẩu Ấn Độ đang mua thêm tiêu đen từ Việt Nam bằng cách đóng thuế. Được biết, thuế suất nhập khẩu hạt tiêu là 60%,
“Nhiều nhà nhập khẩu, bị thu hút bởi giá cả trong nước cao, trong khi giá nhập về dưới giá thành và do đó không chỉ gây thiệt hại cho chính phủ mà còn làm tổn hại lợi ích của nông dân trồng tiêu Ấn Độ”, trong thư viết. Tiêu của Việt Nam cũng có thể vào Ấn Độ thông qua Sri Lanka, ông Shamji nói thêm.
Trong khi đó, giá tiêu được báo cáo liên tục giảm.
Theo Cộng đồng Hồ Tiêu Quốc tế (IPC), giá tiêu trên thị trường quốc tế tiếp tục sụt giảm nhẹ do Việt Nam đang thu hoạch chính vụ, trong khi vụ mùa ở Ấn Độ, Brasil, Indonesia đã hoàn tất.
Bình quân trong tuần qua, giá tiêu đen Lampung Asta 6.750 USD/tấn, Kochi Asta 9.211 USD/tấn, Kuching Asta 7.650 USD/tấn. Trong khi tiêu đen HCM 500Gr/l-FAQ 5.150 USD/tấn và HCM 550 Gr/l-FAQ 5.750 USD/tấn.
Theo báo cáo của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 4/2017 đạt 11.551 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 66,37 triệu USD, tăng 9,62 % về lượng nhưng lại giảm 16,84 % về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 5.746 USD/tấn, giảm 2,3 % so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 3/2017.