Cẩn trọng với cơn sốt “cây vàng” cacao

Nhà vườn Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, ĐBSCL đang háo hức gọi cacao là “cây vàng” bởi thông tin: Giá cacao gấp 3 lần giá càphê; nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất chỉ đáp ứng 1/10; nhà vườn ĐBSCL nhiều năm liền ăn tết to vì chỉ trồng xen với cây dừa, nhưng cũng “kiếm thêm” 30-40 triệu đồng/ năm…

cay-ca-cao

Hiện đang là mùa thu hoạch cacao. Thường cứ vào mùa thu hoạch rộ tất giá giảm, nhưng giá cacao lại đi ngược quy luật này. Tại Đồng Nai, giá cacao lên gần 60.000 đồng/kg – tăng gấp đôi so với năm 2009 và cao gần gấp 3 so với giá càphê.

Theo Sở NNPTNT Đồng Nai, chỉ 3 năm trở lại đây, Đồng Nai đã có hơn 600ha cacao và dự kiến một – hai năm tới có thể tăng gấp đôi. Sự tự phát nhanh chóng cũng bởi giá cacao tiếp tục giữ ở mức cao trong nhiều năm qua và dự báo sẽ còn giữ nhiều năm nữa, bởi sản xuất hiện chỉ đáp ứng 1/10.

Đơn vị thu mua cacao hiện không chỉ độc quyền Cty Cargill (Đồng Nai) nữa, mà nhiều DN khác ở TPHCM cũng nhảy vào. Cũng bởi sự hấp dẫn trên, nên “hàng xóm” của Đồng Nai là BRVT hiện cũng phát triển trên 500ha.

Đặc biệt ở ĐBSCL, diện tích cacao phát triển đầy “phấn khích”. Tổng diện tích cacao cả nước hơn 12.000 ha thì Bến Tre chiếm 1/3 (4.000ha), Tiền Giang chiếm hơn 1/10 (hơn 1.500ha). Cây cacao còn vươn ra Tây Nguyên, cạnh tranh với cây chủ lực càphê, tiêu…

Ông Nguyễn Hoàng Hạnh – Phó GĐ Sở KHCN Tiền Giang, lạc quan nói: “Cacao là thời cơ vàng của VN. Vì vốn đầu tư ban đầu 11 triệu đồng/ha (600 cây), trồng xen, không tăng thêm đất mà công chăm sóc ít, chi phí vật tư thấp, khi đến năm thứ năm có trái sai, có thể thu nhập 30-40 triệu đồng/ha, trong khi 20 năm nữa, thế giới vẫn thiếu nguồn cung!”.

Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Minh Châu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam – dẫn tài liệu nghiên cứu của ĐH La Trobe (Úc) và nghiên cứu của TS Đặng Vũ Thị Thanh (Viện BVTV) cho hay, nếu trồng cacao xen dừa (đang phổ biến ở ĐBSCL) hoặc xen sầu riêng (ở Đông Nam Bộ) cần hết sức cẩn trọng. Bởi 2 cây này có chung bệnh xì mủ (nấm Phytophthora palmivora) và bệnh vàng lá (citrophthora) tấn công cây cacao. Nếu trồng đại trà, không kiểm soát có thể gây ra bệnh dịch lớn cho cả hai.

Ông Nguyễn Hoàng Hạnh cũng nói, phát triển cacao tốt nhất ở ĐBSCL bởi phù hợp với nhiệt độ nền (280C) và độ ẩm (80%) nên công chăm sóc ít, chi phí vật tư thấp nhưng cho năng suất cao. Còn ở Tây Nguyên, nơi nền nhiệt độ cao, chi phí xăng dầu bơm tưới sẽ làm giảm đáng kể lợi nhuận và dễ dẫn tới cảnh dân “luẩn quẩn” trong vòng chặt – trồng.

Một thực tế khác, nhiều cây trồng trước đây được dự báo cung không đủ cầu mà chưa thấy ai chịu trách nhiệm việc dự báo sai, khiến dân đổ tiền của đi trồng. Điển hình, cách đây 2 năm, khi giá củ mì tăng lên 1.500 đồng/kg, có nhiều nông dân đã ồ ạt chuyển sang trồng mì để rồi ứ hàng, rớt giá khiến nhiều hộ trắng tay. Vì vậy, sự tỉnh táo của chính quyền lúc này rất quan trọng.

Theo báo Lao Động

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng