Vùng đất quả vàng

Bữa trưa hôm ấy ở nhà hàng Cheo Reo (ngã ba Cheo Reo, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) thật ấn tượng. Bởi thực khách không chỉ được tận hưởng một bữa ăn đậm chất dân dã, mà còn bởi những câu chuyện truyền miệng xung quanh những ”tỷ phú nông dân chân đất” ở vùng đất nguyên sơ, màu mỡ này.

Một tỷ phú Sài thành đi xe hơi trị giá hơn tỷ bạc đến Cheo Reo, tỷ phú nông dân hỏi, xe này bao nhiêu để sau vụ hồ tiêu mua 1 cái cho ”thằng cu” đang học dưới Sài Gòn. Còn tỷ phú hồ tiêu Chư Sê Bảo, có cái xe nào như thế này mà đắt hơn không? Đại loại, những câu chuyện thêu dệt kiểu vậy, khiến thực khách không biết đâu là thật, đâu là bịa. Nhưng việc nông dân trồng cà phê, cao su, hồ tiêu… mua được xe hơi đắt tiền ở vùng đất cao nguyên này từ lâu đã trở thành ”chuyện thường ngày”.

thu-hoach-ca-phe-chu-se
Thu hoạch cà phê tại huyện Chư Sê (Gia Lai).

Tỷ phú hồ tiêu cao nguyên

Vượt hơn 1.000km từ Hà Nội giữa trời đông lạnh giá, đến thành phố Pleiku chúng tôi bắt gặp không khí mát mẻ, lồng lộng của cao nguyên. Đang vào giữa mùa khô, Tây Nguyên dịp này trong một ngày hội đủ cả thời tiết 4 mùa: buổi sáng tiết xuân, giữa trưa nắng như mùa hè, chiều se se lạnh của mùa thu, còn buổi tối lại lạnh tựa mùa đông.

Thời đại @, cà phê giờ có mặt nhan nhản ở các thành phố lớn đến vùng sâu, vùng xa hoang dã. Nhưng chỉ có đến Tây Nguyên, người ta mới tận hưởng được cái hương vị thơm nồng nguyên sơ quyến rũ khi ngồi nhâm nhi một tách cà phê trong quán mái lá, điểm xuyết những vạt hoa cúc quỳ giữa phố núi Pleiku. Thời tiết thuận lợi, đất đai màu mỡ đã khiến Tây Nguyên trở thành điểm đến và là quê hương thứ hai của rất nhiều người đến từ mọi miền Tổ quốc. Họ đã hăng say lao động để biến vùng đất hoang sơ này trở thành miền đất quả vàng, làm nên những thương hiệu hàng nông sản nổi tiếng, chỉ có ở cao nguyên.

Thật tình cờ, trong chuyến công tác Tây Nguyên lần này, tôi được gặp một con người khá nổi tiếng, người đỡ đầu cho thương hiệu hồ tiêu Chư Sê. To lớn, kềnh càng với nước da nâu hồng như một người Ba Na chính hiệu, song ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê lại có giọng nói đặc trưng rất… Huế.

Sinh năm 1956 tại xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, đang học dở lớp 12 thì quê hương được giải phóng, chàng thanh niên Hoàng Phước Bính về tham gia hoạt động tại địa phương. Tính tình bộc trực, xốc vác ”miệng nói, tay làm”, nên Bính được tin cậy giao cho làm Xã đội phó, rồi Xã đội trưởng dân quân, tối ngày vận động nhân dân phá gỡ bom mìn, lao động khôi phục lại những ”vùng đất chết”.

Năm 1978, địa phương có phong trào di dân xây dựng vùng kinh tế mới, ông xung phong dẫn đầu 11 hộ gia đình của xã Thủy Bằng vào thành lập điểm kinh tế mới ở Ia Blang, huyện Chư Prông (nay thuộc huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Lúc bấy giờ đất Tây Nguyên chỉ có cây cỏ bạt ngàn và mịt mù bụi đỏ, nhưng chỉ sau một mùa rẫy, ông Bính thấy mê ngay. ”Quê mình trước ở thượng nguồn sông Hương, chưa mưa đã lụt. Nông dân cần cù nhưng cuộc sống bấp bênh. Nay vào đất Tây Nguyên, mưa thuận gió hòa, đất đai màu mỡ, còn lo gì đói”. Vượt qua mọi khó khăn của “thuở ban đầu”, kể cả nạn Fulro rình rập… Hoàng Phước Bính gan lỳ bám trụ tại vùng đất đỏ bazan, vận động bà con trồng mỳ, lạc, khoai lang, lúa rẫy, nuôi heo, gà… từng bước ổn định cuộc sống. Năm 1979, xã Ia Blang được thành lập, Hoàng Phước Bính được cử giữ chức Phó Chủ tịch, rồi làm Chủ tịch xã đến năm 2001.

Đưa dân vào thành lập quê hương mới rồi làm Chủ tịch xã, Hoàng Phước Bính càng thấm thía trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Nhận thấy làm rẫy mãi thì chỉ hết đói, không thể làm giàu, ông thuyết phục vợ con bán bò, lận lưng mấy trăm đồng bạc làm lộ phí rồi cổ vũ khoảng chục người có ”máu” tiên phong ra Hà Nội, về Lộc Ninh… ”tầm sư học đạo”, dẫn dắt cả xã làm giàu. Năm 1986, cây hồ tiêu đã chính thức được trồng trên đất Chư Sê và trở thành loại cây hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho người sản xuất. Tuy vậy, cũng qua không ít thăng trầm, đến tháng 4-2007, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) mới cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền thương hiệu ”Hồ tiêu Chư Sê”.

Ngày 17-12-2007, tại thành phố Pleiku, UBND huyện Chư Sê phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức lễ công bố và chuyển giao Nhãn hiệu tập thể thương hiệu ”Hồ tiêu Chư Sê” cho UBND huyện Chư Sê quản lý. Đây là bước khởi đầu quan trọng để hồ tiêu Chư Sê vươn ra chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Dĩ nhiên, ông Hoàng Phước Bính, người đầu tiên đưa hồ tiêu về trồng trên đất Chư Sê có công đầu. ”Tiếng là Phó Chủ tịch Hội nhưng mình chủ yếu làm nhiệm vụ cầu nối, giúp bà con tiêu thụ hồ tiêu, còn gia đình mình chỉ trồng có non 1 héc, thu nhập không đáng kể. Hiện tại, số hộ trồng hồ tiêu của huyện đã lên tới 8 nghìn. Trong đó, riêng ”tỷ phú hồ tiêu” có khoảng vài trăm hộ. Điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khả, ông Võ Triệu (thị trấn Nhơn Hòa) ; ông Kpã Phái, làng Tel, ông Pok Y Sơn, làng Ngol (xã Ia Giai)…” – ông Bính chia sẻ.

Về nhiệm vụ của Hiệp hội trong những năm tới, ông Bính cho biết, trước mắt Hội tập hợp 1.450 hội viên, các nông hộ, trang trại trồng hồ tiêu tiêu biểu, các đơn vị dịch vụ, chuyên gia kỹ thuật và các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm hồ tiêu, thắt chặt mối liên kết ”4 nhà”, đầu tư chuyển giao công nghệ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để cùng nhau giữ vững và phát triển thương hiệu hồ tiêu Chư Sê.

Vùng kinh tế động lực

Cách thành phố Pleiku 9km về phía Nam, đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng huyền thoại, nhìn ra xa, một màu xanh ngút ngàn của cao su, cà phê, hồ tiêu… hiện ra trước mắt. Đó chính là huyện Chư Sê, vùng kinh tế động lực của tỉnh Gia Lai, một trong những địa phương năng động điển hình về phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đây cũng và là cái nôi phát triển cây công nghiệp nổi tiếng trên đất Tây Nguyên như cà phê UtzCertified, cà phê 4C, cao su đạt chứng chỉ ISO 9001-2000 và hồ tiêu Chư Sê được cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền, hiện đã được xuất sang 73 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt xa các nước có nghề trồng tiêu lâu đời như Ấn Độ, Inđônêxia, Malaixia…

rung-cao-su
Rừng cao su Tây Nguyên.

Khó có thể tưởng tượng nổi cảnh ngổn ngang 35 năm về trước, khi cũng chính tại nơi này vào tháng 3-1975, tại Ngã ba Mỹ Thạnh – Ngã ba Cheo Reo, từng đống quần áo, súng ống với hàng đoàn lính thất trận của quân ngụy tháo chạy khỏi Gia Lai. Hơn 20 năm xây dựng và phát triển (1981-2010), thị trấn Nhơn Hòa giờ đã ra dáng một phố thị sầm uất với các cửa hàng, cửa hiệu san sát, các trung tâm sơ chế hàng nông sản… phục vụ đủ mọi nhu cầu từ cao cấp đến bình dân của nhân dân các dân tộc huyện Chư Sê.

Ông Nguyễn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Sê, một người con của Quảng Nam trung dũng vào lập nghiệp ở nơi đây cho biết, với vị trí đặc thù, huyện Chư Sê có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Trong những năm gần đây, nhất là sau Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn đạt cao.

Việc huyện tạo các cơ chế, tăng cường đầu tư cho sản xuất hàng nông sản, khuyến khích làm giàu, thực hiện các chính sách kích cầu, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp về văn hóa, bảo đảm quốc phòng – an ninh để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, đã khiến Chư Sê trở thành vùng đất giàu tiềm năng, thu hút nhiều tổ chức kinh tế đầu tư kinh doanh với một lượng lao động lớn từ nơi khác đến sinh sống và làm việc, khiến tốc độ tăng dân số cơ học của huyện lên 0,8%.

Hơn 20 năm qua, kể từ khi phát triển các loại cây công nghiệp chủ lực trên đất bazan, đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc trên địa bàn huyện Chư Sê (trong đó trên 50% là người các dân tộc thiểu số như Gia Rai, Ba Na) đã đổi thay nhanh chóng. Năm 2009, riêng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp của huyện đã đạt trên 800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,9%, bình quân thu nhập đầu người đạt trên 9 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 11%… Chư Sê cũng là huyện có tỷ lệ thu ngân sách nhà nước cao, với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2009 đạt 244,139 tỷ đồng, đứng thứ 2 của tỉnh Gia Lai sau thành phố Pleiku.

Hiện tại, hằng năm huyện có 20 nghìn tấn cà phê nhân, 15 nghìn tấn hồ tiêu, trên 15 nghìn tấn cao su… doanh thu lên tới hơn 2 nghìn tỷ đồng. Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp chế biến với các loại cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su. Trong đó, riêng hồ tiêu Chư Sê đã có trên 3 nghìn hécta, chiếm 6% diện tích và 17% sản lượng hồ tiêu cả nước, là huyện đứng đầu về năng suất, sản lượng và chất lượng ngành hàng hồ tiêu Việt Nam.

Chư Sê cũng là nơi đầu tiên trong cả nước tìm ra quy trình chế biến tiêu đỏ từ những hạt chín bởi Công ty TNHH Hùng Hưng. Hạt tiêu đỏ của Chư Sê đã được đơn vị kiểm định đánh giá là đạt các tiêu chuẩn về ATVSTP, có mùi thơm và nồng độ cay đặc trưng, có giá trị xuất khẩu cao. Vào vụ thu hoạch chính hàng nông sản, dọc quốc lộ 14 đi Buôn Ma Thuột, hai bên đường đất đỏ, la liệt những cà phê, hồ tiêu… nông dân đem phơi dưới cái nắng của mùa khô Tây Nguyên, vẽ một bức tranh ấm no, trù phú của một vùng kinh tế động lực đang ngày càng khởi sắc.

Không chỉ có cao su, cà phê, hồ tiêu và bông vải… Chư Sê còn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, hấp dẫn không ít khách du lịch và các nhà đầu tư, nhà văn hóa đến khám phá và đem lòng yêu mến mảnh đất này. Như một cơ duyên, nhân chuyến đi thực tế tại huyện Chư Sê, chúng tôi đã được tặng một đĩa VCD do các nhạc sỹ nổi tiếng gắn bó với Tây Nguyên như Nguyễn Cường, Hoàng Lương, Cát Vận, Vũ Mạnh Cường, Lê Gia Hiếu, Tuấn Kiệt và Văn Chừng sáng tác, dành tặng riêng cho Chư Sê.

Những ca khúc trữ tình của người nghệ sỹ, đã cùng với những người con các dân tộc hiền hòa, bất khuất nơi đây thắp sáng lên ngọn lửa tình yêu Tây Nguyên cháy sáng mãi đến muôn đời. Trên đường tạm biệt Gia Lai về Hà Nội, chúng tôi không khỏi bồi hồi, nhung nhớ về vùng đất thân thương mới gặp mà như đã thân quen tự thuở nào: ”Chư Sê, Chư Sê/khi tôi trở về, rừng thay lá mới/khi tôi trở về, niềm vui cất cánh/tình tôi như bay lên – theo rừng cà phê xanh/tình tôi như bay lên – theo rừng cao su xanh…”(Chư Sê ngày tôi về – Cát Vận).

Một vùng kinh tế năng động, đầy sức sống đang ngày càng hiển hiện trên mảnh đất Tây Nguyên kiên cường và anh dũng trong chiến đấu, trong sản xuất, dựng xây và đi lên CNXH bằng chính sức trẻ của mình.

Hà Nội Mới

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng