Thị trường nội địa với hơn 80 triệu dân được đánh giá là tiềm năng cho bất cứ doanh nghiệp sản xuất nào trong nước; nhưng để chinh phục thì không phải là điều đơn giản. Ngay như cà phê, được xem là một trong những mặt hàng “tiên phong” nhưng cũng phải sau bao năm mải mê với xuất khẩu, các nhà sản xuất trong nước mới nhận ra rằng, bỏ ngỏ thị trường nội quá lâu cũng dẫn đến thiếu bền vững trong phát triển.
Thay đổi nhãn quan “viễn chinh”
Kim ngạch xuất khẩu của cà phê Việt Nam bình quân mỗi năm đạt từ 1,5 tỷ USD đến 2 tỷ USD với tổng sản lượng trên 1 triệu tấn, hiện đã có mặt ở gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều đó cho thấy, khả năng của ngành cà phê rất lớn, tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vẫn tiềm ẩn những rủi ro, giá cả bị chi phối bởi thị trường thế giới. Sau hơn mấy chục năm phát triển, chúng ta mới vỡ ra rằng dù được thừa nhận là một trong những “cường quốc cà phê thế giới” nhưng Việt Nam chỉ là “cường quốc” của sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân xô nên giá trị gia tăng mang lại vô cùng ít ỏi, bấp bênh.
Làm thế nào để ngành cà phê phát triển bền vững, nâng cao hình ảnh, vị thế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành vấn đề quan tâm từ nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đến các doanh nghiệp, người trồng cà phê và cũng là diễn đàn sôi nổi tại nhiều hội thảo, hội nghị. Không cách nào khác, để trở thành cường quốc cà phê theo đúng nghĩa, ngoài việc quan tâm nâng cao chất lượng, hướng đến các sản phẩm cà phê tinh chế…, cần có sự chủ động của các nhà sản xuất, kinh doanh tham gia vào phân phối, tiêu thụ chứ không đơn thuần chỉ là người làm vai trò cung cấp hàng thô như hiện nay.
Và như ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã trao đổi trong nhiều hội thảo về cà phê được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam không thể đủ uy tín để chinh phục thế giới một khi chưa thuyết phục được chính người dân của mình, có nghĩa là các doanh nghiệp trong nước cần phải xây dựng hình ảnh, thương hiệu chinh phục được người tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo ra hệ thống liên kết trong kinh doanh cà phê trên thị trường nội địa. Nếu lỗ hổng “sân nhà” quá lớn thì ngành cà phê khó có thể đọ sức, đứng vững ở những “sân chơi” khác trên thế giới.
Trung Nguyên là một trong những thương hiệu cà phê khá nhanh nhạy trong vấn đề này. Với thương hiệu cà phê rang xay có mặt ở khá nhiều nước: Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Mỹ, Đức…, Cà phê Trung Nguyên đã bước đầu khẳng định được vị thế trên thị trường. Không chỉ “vươn ra biển lớn”, đây còn là một thương hiệu mang tính cạnh tranh ở thị trường nội địa. Ngoài cà phê rang xay truyền thống, năm 2003, khi sản phẩm cà phê hòa tan G7 được tung ra thị trường, cùng với Vinacafé, thương hiệu cà phê Việt được người tiêu dùng nội địa chú ý đến bên cạnh các “đại gia” cà phê thế giới như Nescafe, King…
Kết quả khảo sát của các chuyên gia thị trường với tỷ lệ 70-30, trong đó 70% thị phần của những thương hiệu cà phê hòa tan Việt Nam là minh chứng thuyết phục nhất về khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa của những sản phẩm cà phê mang thương hiệu Việt. Mê Trang (Khánh Hòa) với sản phẩm cà phê pha phin truyền thống cũng đã từng bước chinh phục khách hàng sành uống và khó tính trên thị trường toàn quốc. Ngoài ra, hướng đến việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Mê Trang cũng vừa tung ra thị trường một dòng sản phẩm hoàn toàn mới đó là cà phê siêu sạch pha phin lần đầu tiên tại Việt Nam mang thương hiệu MC: không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tạp chất, chất bảo quản
Để có được thành công ấy là sự dày công của doanh nghiệp trong xây dựng hình ảnh, thương hiệu, đầu tư chiều sâu về nghiên cứu thị trường cũng như hệ thống phân phối hàng hóa, chiến lược đúng đắn trong chinh phục “Ta”, đọ sức với “Tây”. Đây cũng là một hướng đi mới mang tính bền vững không chỉ dành cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê mà còn cho các mặt hàng nông sản khác hướng tới.
Xây dựng nét văn hóa cà phê Việt
Những năm gần đây, khi đời sống được nâng cao, cà phê trở thành một nhu cầu tất yếu trong đời sống tinh thần của không ít người dân. Không đâu xa, ngay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, nhiều quán cà phê ra đời cũng nhằm phục vụ, đáp ứng cho nhu cầu ấy. Những phố cà phê Lê Thánh Tông, Ngô Quyền… đã góp phần mang đến sắc thái riêng và thú vị cho phố núi cao nguyên. Không riêng gì ở TP Buôn Ma Thuột, các TP như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… với sự “bùng nổ” các quán cà phê đa dạng về phong cách, không chỉ hình thành nên nét văn hóa cà phê Việt mà còn góp phần khơi dậy tiềm năng tiêu thụ cho ngành chế biến. Ngoài hệ thống cà phê nhượng quyền thương hiệu của Trung Nguyên, hiện một số doanh nghiệp chế biến cà phê cũng đang mở những quán cà phê kinh doanh theo chuỗi gắn với từng thương hiệu như An Thái, Inexim…
Tuy nhiên, sự đầu tư này còn hời hợt, chưa bài bản, định hình phong cách. Nỗ lực xây dựng thương hiệu gắn liền với việc tạo dựng nét văn hóa riêng trong thưởng thức cà phê cũng chính là cách mà doanh nghiệp chinh phục, khơi dậy tiềm năng của thị trường nội địa, đồng thời góp phần nâng cao giá trị, vị thế, hình ảnh của cà phê Việt Nam.
Trong một cuộc trò chuyện với báo giới tại Hội thảo Cây cà phê với sự phát triển bền vững được tổ chức vào năm 2007, tại TP. Buôn Ma Thuột, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã nói khá nhiều về một “Thủ phủ cà phê toàn cầu” trong tương lai. Tưởng chỉ là giấc mơ lãng mạn của một nhà kinh doanh nhưng đó cũng là tầm nhìn hướng đến việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia có sức hút, thị phần xứng đáng trong đời sống toàn cầu cho cà phê Việt Nam.
Dak Lak vừa là “vựa” cà phê của cả nước với tỷ lệ sản lượng xuất khẩu chiếm hơn 50%; Buôn Ma Thuột, khá độc đáo với những phố cà phê, “quê hương” của nhiều nhà rang xay nổi tiếng sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc hiện thực ý tưởng đó. Và xây dựng nét văn hóa cà phê không chỉ dừng lại ở cách thưởng lãm mà còn ở thái độ ứng xử với cà phê.
Theo Báo Đắk Lắk