Bất chấp lượng dư mua hàng giấy trên hai sàn còn nhiều, các quỹ đầu cơ tài chính vẫn chưa hết “khát”, đặc biệt trên sàn kỳ hạn arabica New York, lượng dư mua theo dữ liệu của chủ sàn kỳ hạn đến hết ngày 8-11 vẫn đạt mức kỷ lục mọi kỷ lục với 58.960 lô, tương đương với gần 17 triệu bao, London cũng còn 329.270 tấn dư mua hàng giấy.
Qua mấy ngày gần đây, các quỹ đầu cơ mua không ngớt giúp giá tăng mạnh lại sau đợt tháo chạy tuần trước. Chính điều này đã làm mọi phán đoán về giá trên hai thị trường cà phê càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, do hai sàn cà phê từ lâu đã vào trong tay một chủ, nên việc làm giá và điều tiết, hay khi cần mua bên này bán bên kia (và ngược lại) nhưng vẫn giữ được vốn trên sàn, có thể giúp giá hai sàn còn đường tích cực nhưng rủi ro rất lớn vì dao động trong phiên mạnh và cách làm này phá hủy mọi phân tích kỹ thuật lẫn cung cầu.
Hôm qua 15-11 trên sàn robusta London, ngay đầu phiên giá vẫn tiếp tục tăng theo đà đóng cửa trước đó. Nhờ giá tháng 1-2017 có lúc cao hơn tháng 3-2017 đến 15 USD/tấn trong chiều hướng vắt giá, đã làm ngòi nổ cho giá London tăng về sau. Phải nói rằng cứ một lần giá xuống là có sức đỡ của bên mua, sàn London lại tăng lại mà không hề chứng tỏ mình yếu.
Giá kỳ hạn cà phê London đóng cửa cơ sở tháng 1-2017 tăng 37 USD/tấn đạt 2137 USD trong khi giá arabica New York giảm 0.15 cts/lb đạt 165.30 cts/lb cơ sở giao dịch tháng 3-2017.
Tin xuất khẩu cà phê Việt Nam tháng 10-2016 giảm 9,1% so với tháng 9-2016 cũng giúp thị trường giật mình trong khi lượng bán ra trên sàn từ Việt Nam rất ít.
Dự kiến sàn kỳ hạn London mở cửa chiều 16-11 cơ sở tháng 1-2017 từ không đổi đến giảm nhẹ.
Nguyễn Quang Bình