Đak Lak là tỉnh hiện có khoảng 184.500 ha cà phê, trong đó có khoảng 90% là do người dân quản lý, số còn lại thuộc về các doanh nghiệp nhà nước quản lý nhưng chủ yếu theo hình thức giao khoán.
Có nhiều loại khoán như: khoán có đầu tư và nộp sản phẩm, khoán không có đầu tư, nhưng thu hồi vốn ban đầu, khoán không đầu tư và liên kết, khoán gọn theo chu kỳ vườn cây, khoán thầu và giao đất liên kết, hợp đồng phân chia sản phẩm theo tỷ lệ góp vốn…
Hiện nay, tỉnh Đak Lak có 8 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê do tỉnh quản lý đang thực hiện các loại khoán trên với tổng diện tích khoảng 6.770 ha.
Nhiều hộ nhận khoán cà phê của Công ty cà phê Ea Pôk (Cư M’Gar), Công ty TNHH 1 thành viên cà phê Thắng Lợi, Công ty cà phê Tháng 10 (Krông Pắk)…cho biết, do năng suất cà phê năm nay giảm khoảng 30% so với năm trước, nhưng mức khoán của công ty đề ra bình quân khỏang 15 tấn quả tươi/ha thì rất khó đạt được.
Chị N.P.S cho biết, gia đình chị nhận khóan 1,5 ha cà phê, thu hoạch vụ này chỉ có khoảng 21 tấn cà tươi, trong khi số cà phê phải nộp theo mức khoán lên tới trên 23 tấn. Sản lượng coi như chưa đủ nộp thì lấy gì trang trả nợ tiền công thu hoạch, các chi phí khác và tái đầu tư cho vườn cà phê trong trong năm nay.
Một số hộ nhận khoán rồi tự bỏ vốn đầu tư tới gần 50 triệu đồng/ha, sau khi thu hoạch xong coi như lỗ nặng vì năng suất giảm quá mạnh.
Bên cạnh năng suất giảm thì việc nhập hàng vào công ty, cà phê phải đạt độ chín 97%, nếu không đạt tỷ lệ này, mỗi tấn sẽ bị trừ mất 50 kg cà phê tươi làm cho người nhận khoán cà phê lỗ đơn, lỗ kép.
Theo Nhân Dân
Các Cty cà phê trên địa bàn tỉnh Đak Lak có diện tích cà phê hầu hết được trồng từ những năm 80 của thế kỷ trước, bây giờ cây cà phê đã đứng vào hàng ” Cụ ” rồi. Ấy thế mà các Cty vẫn giao khoán cho người lao động với mức khoán cao ngất ngưởng, làm cho nhiều gia đình lao đao, lâm vào cảnh nghèo đói nợ nần chồng chất, vì đủ thứ thua lỗ. Đến ngày thu hái giao nộp sản phẩm khi nhập hàng vào công ty, cà phê phải đạt độ chín 97%, nếu không đạt tỷ lệ này, mỗi tấn sẽ bị trừ mất 50 kg cà phê tươi ( 1ha nhập 15 tấn x 50kg = 750 kg tính ra khoảng 180 kg cà phê nhân, giá hiện nay 33 000 đồng/ kg như vậy người lao động lại mất toi gần 6 triệu đồng ). Mà cà phê đâu phải chín vài đợt là xong, có khi một cây cà phê phải trải bạt hái ba, bốn đợt mới hái hết được.
Nhưng đó là gặp Cty còn cho trải bạt hái, chứ như Cty cà phê Chư quynh còn ” hà khắc ” hơn, đầu mùa không cho dân trải bạt hái mà bắt buộc bê rổ đi hái. Khi nào có lệnh của Giám đốc lúc đó mới được trải bạt, nếu ai trái lệnh thì giám đốc cho phép bảo vệ tịch thu số cà và bao bạt, nếu còn lôi thôi xử phạt, thẳng tay trừng trị. Như vậy người dân làm cà phê nhận khoán của các CTy ngày càng nghèo đi, chỉ có Giám đốc ngày càng bụng bự, đúng là phép vua thua lệ làng, trong khi phương án khoán đã có Nghị định 135/2005/NĐ – CP của Chính phủ, thông tư số 102/2006/TT – BNN của Bộ NN&PTNT về việc giao khoán đất, rừng, mặt nước tại các nông – lâm trường quốc doanh. Ấy thế mà chẳng có giám đốc nào thèm áp dụng đâu, rồi nhà nước cũng chẳng làm gì được các ông giám đốc. Bụng họ bự ngày càng bự thêm, nhưng to vòng bụng sẽ giảm vòng đời. Đời cha ăn mặn, đời con sẽ khát nước, thôi điều chắc chắn cha ông ta nói cấm có sai đâu. Các bác nông dân ơi ta cứ tin tưởng rồi có ngày trời sẽ quang, mưa sẽ tạnh.