Cà phê là một cây công nghiệp lâu năm. Do đó để bảo đảm cho việc sản xuất kinh doanh thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao thì việc chọn giống cũng như kỹ thuật nhân giống thích hợp có tính quyết định.
Từ lâu, ngành cà phê Việt Nam thường ứng dụng công nghệ nhân giống truyền thống bằng hạt là chủ yếu (nhân giống hữu tính). Nhưng trong những năm gần đây nhân giống cà phê vô tính bằng nhiều phương pháp như ghép, giâm cành, nuôi cấy mô… đang dần phổ biến và ứng dụng rộng rãi.
Những kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn cho thấy phương pháp ghép nối ngọn là phương pháp thích hợp cho cả hai loại cà phê chè và vối. Ðặc biệt là với cà phê vối, phương pháp ghép nối ngọn mà chồi ghép là một đoạn ngọn thu từ vườn nhân chồi ghép, còn gốc ghép là cây trồng ngoài đồng (để cải tạo vườn cây), hoặc cây trong vườn ươm (sản xuất cây con để trồng mới) đã được ứng dụng rộng rãi tại các vùng thâm canh cà phê nhằm tạo ra một vườn cây đồng đều và năng suất cao, chất lượng tốt.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là hệ số nhân không cao (số cây nhân giống được không nhiều, bởi từ mỗi chồi ghép + gốc ghép chỉ nhân được một cây giống); hơn nữa cũng còn có hiện tượng tiếp hợp kém giữa chồi ghép và gốc ghép làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của cây ghép. Trong khi đó thực tiễn sản xuất cà phê hiện nay đòi hỏi về nhu cầu cây giống là rất lớn. Mặc dù Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đơn vị trực thuộc của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã thiết lập một số vườn nhân chồi giống cao sản như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, nhưng bằng phương pháp ghép không đáp ứng đủ lượng cây giống tốt vì hệ số nhân thấp, chất lượng cây giống không đồng đều.
Tình trạng nhà ươm cây giống cà phê ghép để bán với chồi ghép không rõ xuất xứ sẽ là nguyên nhân làm giảm sản lượng cà phê của cả nước trong tương lai. Vì vậy một phương pháp nhân giống khác có hệ số nhân cao và bảo đảm chất lượng cây giống là điều vô cùng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của sản xuất.
Hiện nay, trên thế giới việc sử dụng kỹ thuật nuôi cấy in vi-trô để nhân nhanh các loại cây trồng đã trở thành một công cụ nhân giống chủ yếu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, với cây công nghiệp dài ngày như cà phê, ca-cao… kỹ thuật này còn chưa được nghiên cứu và ứng dụng nhiều, mặc dù cũng đã có một số kết quả nhất định. Từ năm 1993 đã có công trình nghiên cứu tạo và nhân phôi vô tính từ mô lá cho cà phê lai A-ra-bu-sta của Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng lượng cây tái sinh trực tiếp từ phôi là không cao và chưa được ứng dụng rộng rãi cho sản xuất.
Kỹ thuật nhân in vi-trô bằng phương pháp nuôi cấy phôi vô tính trong môi trường lỏng khắc phục nhược điểm trên, có thể nhân số lượng lớn và giữ nguyên các đặc điểm tốt của các dòng vô tính cà phê vối ưu tú đã được tuyển chọn có năng suất cao, chất lượng và khả năng kháng bệnh tốt. Phôi vô tính có thể bảo quản lâu dài và cho nảy mầm vào thời vụ thích hợp. Từ phôi vô tính có thể tạo hạt nhân tạo, đây là yếu tố thuận lợi cho cơ giới hóa và tự động hóa nhân giống công nghiệp. Với cây cà phê, từ 1gr sinh khối, trong vài tháng người ta có thể tạo được 60 vạn phôi vô tính có tỷ lệ tái sinh đến 47%.
Ðây chính là việc ứng dụng công nghệ sinh học (công nghệ tế bào) để nhân nhanh các giống cây trồng có chất lượng cao, phù hợp với nhiệm vụ của “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020” đã được Thủ tướng phê duyệt. Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đang tập trung vào việc nghiên cứu sản xuất giống cà phê theo hướng hiện đại này.
Theo Nhân Dân
Bài viết này hơi cực đoan, mặc dù công nghệ nuôi cấy mô cà phê được xem như một lĩnh vực tiến bộ có tiềm năng trong nhân giống nhưng thực tế không thể nào thay thế đươc phương pháp nhân giống cà phê bằng phương pháp ghép. Vấn đề chồi ghép gốc ghép cùng là cà phê thì không có lo chuyện tiếp hợp giũa chồi và gốc ghép cà phê. Vấn đề lưu tâm là tay nghề của các kỹ thuật viên hoặc công nhân ghép.
Chưa có công trình nghiên cứu nào công bố về chuyện khó tiếp hợp của cây cà phê ghép mà tác giả bài viết này tự lý luận “suông” là không có cơ sở khoa học. Sao dám nói chuyện chất lượng cây giống ghép không đảm bảo, không đồng đều, thì ai dám đến Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây nguyên mua giống cây cà phê ghép ???
thế bạn ngọc lan kia căn cứ trên cái gì mà đưa ra câu “mặc dù công nghệ nuôi cấy mô cà phê được xem như một lĩnh vực tiến bộ có tiềm năng trong nhân giống nhưng thực tế không thể nào thay thế đươc phương pháp nhân giống cà phê bằng phương pháp ghép”. Thế bạn lan đã trồng và so sánh hai phương pháp nuôi cấy mô và nhân giống cà phê rùi àh? Hay là chỉ nói suông thôi? Trong bình luận này, bạn lan mâu thuẩn ở đoạn trên về đoạn dưới đấy. vì khoa học thì là phải qua kiểm chứng, nếu chưa kiểm chứng thì đường khẳng định quá sớm, bạn lan ạh.