Tổng quan thị trường cà phê nội địa tuần 36 (hết ngày 09-9-2016 )

Bảng giá cà phê nội địa và các sàn kỳ hạn trong tuần

Ngày Giá nội địa R11 Ice Ldn* A12 Ice N.Y*
02-9 38.900> 1865 151.40
05-9 39.000< 1877 151.40
06-9 39.500> 1889 153.75
07-9 40.000< 1912 155.10
08-9 40.300< 1927 154.90
09-9 40.300< 1909 151.15
Cuối tuần 39.500< +46 +6.55

*Giá tháng 11 trên London và 12 trên New York

Giá cà phê nguyên liệu một số nơi tại tỉnh Đắk Lắk trong tuần có khi lên mức 40.300 đồng/kg trong những ngày đầu tháng 9-2016, là tháng cuối cùng của niên vụ 2015/2016. Đây cũng chính là mức cao nhất tính từ 18 tháng nay.

Tại nhiều nơi, do thiếu nước tưới cà phê đã chín bói lác đác cho vụ mới bắt đầu từ 1-10-2016, có người đã hái để tranh thủ giá thị trường mức cao hiện nay. “Trong vườn có ít cà phê chín, thấy giá cao, mình tranh thủ hái bán,” Ma Roy, một chủ vườn người dân tộc Ê-đê ở Buôn Thá, cách trung tâm  thành phố Buôn Ma Thuột chừng 3 cây số đường bộ báo cho biết. Ma Roy có 5 sào cà phê, được anh cải tạo và tự thực hiện tái canh dần mà không chờ vốn vay của chương trình tái canh cây cà phê quốc gia. Đến nay tuy chưa qua vụ mới, nhiều cây đã có chừng 30% trái chín có thể hái tranh thủ bán ra thị trường. Giá trong vùng đến ngày 7-9-2016 quanh mức 40.000 đồng/kg, mức kỳ vọng của anh ta đã đạt!

Trên sàn kỳ hạn London, nơi cà phê Việt Nam thường dùng giá làm tham chiếu, trong ngày giao dịch 8-9 có lúc đạt mức 1927 đô la Mỹ/tấn, là mức cao nhất tính từ hơn 18 tháng nay tiếp sau tin cho rằng sản lượng cà phê vối robusta của ba nước hàng đầu thế giới là Việt Nam, Brazil và Indonesia có khả năng giảm trong niên vụ tới 2016/17 bắt đầu từ ngày 1-10-2016. Giá đóng cửa sàn kỳ hạn cà phê robusta London ngày thứ Sáu cuối tuần 09-9 đạt mức 1909 đô la/tấn, tuy mất đỉnh giá đóng cửa cao nhất niên vụ nhưng vẫn nằm ở mức cao.

Dù 40.300 đồng/kg là mức giá nội địa cao nhất trong niên vụ, một chuyên gia cà phê vẫn tiếc cho cà phê từ vườn của Ma Roy. “Đó là sản phẩm sạch, vườn chỉ sử dụng phân hữu cơ, không sử dụng bất kỳ một loại thuốc diệt cỏ hay trừ sâu nào, lại được anh hái chọn, nhưng vẫn chịu mức giá bán “hàng chợ” thì quá uổng,” vị chuyên gia nói.

Thật vậy, nếu như sản phẩm cà phê nguyên liệu từ khoảng vườn nhỏ của Ma Roy được các nhà rang xay nội địa quan tâm, chắc chắn họ sẽ có được loại cà phê sạch để chế biến thành ly cà phê ngon đặc thù của vùng Buôn Ma Thuột, chứ không phải bán “xá” trong đám hàng chợ với giá rẻ nhất của thị trường hàng hóa thương phẩm như hiện nay.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp chế biến cà phê rang xay và hòa tan trong nước chỉ quan tâm đến giá rẻ, tìm cà phê thải loại như hạt lỗi đen, nâu, sâu, vỡ để mua và chế biến, thậm chí còn tẩm nhiều loại hương liệu  độc hại không rõ xuất xứ với bắp và đậu nành…để hô biến thành “ly cà phê” mà chẳng có hạt cà phê chính hiệu nào, thì một mặt tự đánh mất uy tín và thương hiệu cà phê Việt Nam, mặt khác tự đánh mất những giá trị cốt lõi của hạt cà phê sạch từ người dân như Ma Roy làm ra.

“Đang cần một sự xông xáo từ các nhà rang xay và thị trường đang thiếu một sự liên kết,” vị chuyên gia nói.

Phạm Kỳ Anh

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng