So với lần ước đoán giá trước đây của ngân hàng Commerzbank, lần này Commerzbank đoán giá cà phê sẽ cao hơn lần trước nhưng lại không cao như giá hiện nay trên sàn.
Ngân hàng này ước trong giai đoạn tháng 10-12 năm nay giá kỳ hạn arabica đạt mức bình quân 135 cts/lb tăng 5 cts/lb so với ước đoán cũ (mức thời điểm ước báo cuối tuần trước quanh 141.65 cts/lb cơ sở tháng 12-2016); giá kỳ hạn robusta cũng bình quân chừng 1800 tăng 100 USD/tấn nhưng thấp hơn giá thời điểm dự đoán (1840 USD/tấn cơ sở tháng 11-2016).
Giá arabica còn chịu các ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như đồng Real Brazil mạnh hơn còn ảnh hưởng robusta thì do sản lượng robusta yếu hơn.
Commerzbank cho rằng sản lượng tới đây của các nước sản xuất robusta chính là Việt Nam, Brazil và Indonesia đều giảm do khô hạn.
Tuy nhiên, ngân hàng này cũng nghĩ rằng giá cao hiện nay sẽ chùng xuống khi Việt Nam ra mùa ở thời điểm đó. “Vào năm 2017, chúng tôi vẫn tin rằng cung ứng cà phê sẽ khá hơn và đồng BRL yếu hơn làm giá cà phê năm tới không cao. Ước đoán trước đây của ngân hàng này đưa ra vào cuối tháng 6-2016 bấy giờ cho rằng giá bình quân arabica chừng 120 cts/lb và robusta chừng 1650 USD/tấn.
Ngân hàng này cũng cho rằng lý do để nâng giá ước đoán lần này của họ lên là còn một nguồn lo ngại nữa: La Nina ảnh hưởng đến sản lượng arabica của Colombia vốn đã bị El Nino hành hạ rồi. Hợp tác xã Cooxupe Brazil cũng đưa ra ước báo năm 2017 sản lượng cà phê Brazil giảm chừng 5% so với niên vụ này.
Giá cà phê nội địa vào ngày 10-8 tại Brazil chỉ còn 471.52 BRL so với giữa tháng 7-2016 là 510,12 BRL. Như vậy, giá nội địa trong giai đoạn ấy giảm đến 7,5% do sức ép đầu vụ và đồng BRL mạnh lên so với đồng USD.
Trong khi đó giá robusta trên thị trường nội địa ngày 10-8 ở mức 421.91 BRL, là mức cao kỷ lục tại Brazil nhờ tin sản lượng robusta tại các nước cạnh tranh ở Đông Nam Á giảm.
Như vậy, giá cách biệt giữa arabica và robusta trên thị trường nội địa Brazil chỉ 50 BRL/bao, là mức cách biệt thấp nhất tính từ nhiều năm nay. Do tình hình này, chủ tịch hiệp hội cà phê chế biến Brazil ABIC Nathan Herszkowics đang giục các nhà chế biến cà phê tăng cường sử dụng arabica giá rẻ.
Ông ta ước năm nay lượng robusta sử dụng trong chế biến tại Brazil chừng 4 triệu bao, giảm so với năm 2015 là từ 6-7 triệu bao.
Phạm Kỳ Anh