Tổng quan thị trường cà phê nội địa tuần 31 (hết ngày 6-8-2016 )

Bảng giá cà phê nội địa và các sàn kỳ hạn trong tuần

Ngày Giá nội địa R9 Ice Ldn* A9 Ice N.Y*
29-7 38.800> 1848 146.20
1-8 38.900> 1818 143.45
2-8 38.800> 1826 141.25
3-8 38.900> 1827 140.40
4-8 38.200> 1817 142.10
5-8 38.500> 1823 142.50
Cuối tuần 38.500> -25 -3.70

 

Chỉ mới qua mấy ngày đầu của tháng 8-2016, giá cà phê đã có những biến động phức tạp.

Ngày giao dịch cuối tháng 7-2016, giá cà phê nội địa tại nhiều nơi ở Tây nguyên có lúc vượt khỏi mức 39 triệu đồng/tấn, là mức cao nhất trong niên vụ 2015/16. Tuy nhiên, vào ngày đầu tháng 8-2016, giá giảm ngay trên nửa triệu đồng mỗi tấn để chỉ còn 38,4 triệu đồng/tấn. Nhưng giá nội địa không chịu đứng yên để đến ngày 3-8 lại lên xấp xỉ 38,8 triệu đồng/tấn.

Trên sàn kỳ hạn cà phê robusta London, giá đóng cửa ngày cuối cùng của tháng 7-2016 lại lập kỷ lục mới với đỉnh 1848 đô la Mỹ/tấn nhưng ngay khi vào tháng mới tức tháng 8-2016, giảm ngay 30 đô la/tấn chỉ còn 1818 đô la/tấn. Những ngày còn lại, giá kỳ hạn dao động trong phiên khá thất thường nhưng đóng cửa chênh nhau giữa các ngày không mấy để cuối tuần chốt mức 1823 USD/tấn, vẫn nằm trong tốp giá cao nhất niên vụ này. Cả tuần giảm 25 USD/tấn.

Sàn kỳ hạn arabica New York cũng có tuần giảm sau một đợt bán thanh lý các lô dư mua của giới đầu cơ. Giá cuối tuần sàn này chốt mức 142.50 cts/lb, giảm 3,70 cts/lb so với cuối tuần trước là 146.20 cts/lb.

“Tuy trả giá cao, hàng bán ra không mấy,” chủ một đại lý thu mua tại huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết. “Có thể do nhà vườn tin giá còn tăng, cũng có thể người bán muốn chào thử giá cao để thăm dò thị trường,” người thu mua nói tiếp.

Nhiều nhà kinh doanh cà phê cho rằng giá cà phê tăng là do có tin xuất khẩu cà phê từ các nước đều giảm. Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho hay xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 6-2016 giảm 11% so cùng kỳ năm 2015, chỉ đạt chừng 9,03 triệu bao. Trong khi đó, Indonesia, nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ ba thế giới cũng có lượng xuất khẩu giảm. Số liệu của chính phủ Indonesia cho biết khối lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 7-2016 của nước này chỉ đạt 205.828 bao (60 kg x bao), giảm 66,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 10 tháng đầu niên vụ này, Indonesia chỉ xuất khẩu chừng 50% so với niên vụ trước, đạt 1,92 triệu bao.

Một số nhà phân tích còn cho rằng giá cà phê tăng khá bền vững từ cuối tháng 3-2016 đến nay nhờ các quỹ đầu tư tài chính bơm tiền đặt cược vào các sàn cà phê, nhất là tiền từ các chương trình kích cầu đã làm cho các quỹ này có nhiều vốn hơn để tăng cường mua mạnh trên các sàn này giúp giá tăng tốt. Để tăng cường tính cạnh tranh, nhiều nước đổ lượng tiền mặt ra thị trường để ủng hộ tăng sức mua nội địa và hỗ trợ xuất khẩu, từ Nhật Bản, Trung quốc, khối EU đến ngay cả Mỹ. Khi lượng tiền nhiều, nhu cầu mua thường không xuất phát từ cung-cầu mà do sức mua đẩy giá hàng hóa tăng.

Với cà phê, tháng Tám hàng năm là tháng nghỉ hè của các hãng kinh doanh cà phê, nên có thể mua bán trong thời gian này sẽ chậm lại. Nếu thật là đợt tăng giá cà phê vừa qua do lực đẩy từ tài chính, thì rủi ro sẽ lớn vì các nhà kinh doanh rút ít nhiều vốn khỏi sàn làm giá cà phê yếu đi.

Phạm Kỳ Anh

Nên xem thêm>>Giá cà phê tuần tới sẽ ra sao?Giá kỳ hạn cà phê ở đỉnh hay nằm đáy?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng