Giá kỳ hạn trong tuần
Sàn kỳ hạn | Tuần/Tuần | +/- |
London9* | 1797-1819 | +22 |
NewYork9* | 144.10-147.55 | +3.45 |
*cơ sở giao dịch tháng 9-2016
Thị trường cà phê hàng thực
Cả 2 sàn kỳ hạn cà phê tuần qua đều tăng tốt. Thông tin các nước xuất khẩu giảm trong tháng 6-2016 làm mồi thêm cho đầu cơ tài chính tăng tốc mua khống trên sàn.
Trong tháng 6-2016, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 158.500 tấn, giảm 2,2% so với tháng 5-2016 (TC Hải quan). Một thăm dò thông qua các hãng kinh doanh cà phê tại Việt Nam của Wall Street Journal cho hay tại thời điểm này năm 2015, tồn kho cà phê tại Việt Nam cla2 20% , năm nay còn 10%.
Xuất khẩu Brazil tháng 6-2016 giảm 11,7% so với cùng kỳ 2015 chỉ đạt 2,38 triệu bao, nhưng arabica tăng 2,6% còn robusta giảm 79,5%.
Xuất khẩu cà phê Indonesia từ 1-2016 đến 5-2016 giảm 40% so với năm trước. Lý do: Đòi giá cao, các nhà nhập khẩu chuyển sang mua của Việt Nam.
Tài xế xe tải Colombia đang đình công. Nếu tuần tới còn tình trạng này, nhiều hàng cà phê sẽ không giao kịp cho khách.
Gía cà phê nội địa và giá xuất khẩu
Giá cà phê nội địa trong tuần chưa kịp dội lên 39.000 đồng/kg đã vội xuống do sức chốt giá bán quá mạnh khi giá London quanh mức 1835 trở lên. Thị trường cho rằng trước đây nhiều người bán xuất khẩu với giá cộng tới so với giá niêm yết, nhưng nay giá đã trừ lùi, nên các hợp đồng có giá cộng được đem ra chốt mạnh. Tuy vậy, cũng cần nhận thấy rằng sau này giá tăng lên, các nhà xuất khẩu mới chốt giá bán chứ không ào ạt như trước.
Giá xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen bể chuyển sang trừ. Có nơi thấy giá tăng bền nên đã bán trừ đến mức bất ngờ -50/-60 USD/tấn.
Vài nét kỹ thuật:
Các thông tin xuất khẩu giảm giúp đầu cơ vững tin mua khống khá mạnh trên cả 2 sàn. Tuy nhiên, ngày giao dịch cuối tuần hôm qua 15-6 hai sàn đồng thuận trút bán thanh lý các lô mua khống. Sàn London có vẻ mạnh hơn do đầu cơ mua hàng giấy trên sàn robusta và bán trên sàn arabica New York.
Thanh lý bán ra giai đoạn cuối phiên, giá New York mất các mốc chắn trên quan trọng 153.30 / 150.75 rồi không giữ nổi 149.15. Đường xuống 146.15/144.80 để khỏa lấp khoảng trống 145/144. Hướng tăng 153.30/154.80 và dài hơi hơn 160.90 khi đầu cơ thanh lý giảm bán dư mua.
Xin lưu ý sàn robusta London và arabica New York tuy giảm, vẫn đang trong tình trạng mua quá mức, đầu cơ sẽ phải tháo bớt bằng cách bán thanh lý nếu còn muốn tăng mạnh.
Với sàn London, từ mức này 1819, các chắn trên 1860 / 1862 xem ra dễ lấy lại. Mức cao hơn 1890 liệu cần New York hỗ trợ. Sàn này cũng trong tình trạng mua quá mức. Giá thụt lùi sẽ được hỗ trợ ở các mức 1797 / 1788.
Đầu cơ tài chính bơm tiền vào các sàn nông sản
Báo cáo tuần này xin được trình bày chuyên đề các quỹ đầu cơ đang chuyển luồng vốn mạnh vào các sàn nông sản tại Mỹ.
Nhiều người vẫn chưa tìm ra câu trả lời vì sao “Brexit” chỉ tạo nên một cú choáng trên thị trường tài chính mà không gây khủng hoảng lâu dài? Vì sao giá cổ phiếu và hàng hóa sau Brexit cứ tăng ngùn ngụt chứ không như người ta lo sợ?
Thật vậy, giá cổ phiếu trên nhiều sàn chứng khoán tăng mạnh, hàng hóa như cà phê, vàng cũng đua nhau tăng không ngớt. Đối với các nước phát triển, khi có biến động, người ta đưa ra nhiều kịch bản, từ xấu nhất đến tốt nhất, để đối phó với tình hình. Nên, đối với tổ chức lớn nhỏ, trình độ hơn thua nhau không phải anh giàu hay nghèo, làm ra tiền của nhiều hay súng ống nhiều…mà cách giải quyết khủng hoảng. Ở Trung quốc, trước đây khi giá chứng khoán sụt giảm trầm trọng, cách giải quyết của họ là ngưng giao dịch, “cắt cầu chì”. Đã mấy đợt như thế, nhưng rồi giá chứng khoán giảm vẫn cứ giảm. Ngay cả sau này, nhiều học giả Trung quốc cũng chê cách giải quyết này và người ra biện pháp ngưng giao dịch đã bị người trong nước phê bình gắt gao, đến nay không biết ông “ngắt điện” đã bị mất chức chưa.
Quay về cụ thể với sự chuẩn bị cho hậu Brexit, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và VQ Anh (BOE) đã lập kế hoạch đẩy lượng tiền mạnh ra thị trường như trường hợp của Mỹ với chương trình kích cầu, trong khi đó Fed hoãn binh không tăng lãi suất, thậm chí trước đó đã đưa lượng tiền mạnh ra ứng cứu trước để thị trường tài chính không bị hụt hẫng…và tất cả đều thành công! Giá chứng khoán tăng, các đồng tiền trước đây mất hay phá giá, muốn rớt cũng không được, giá vàng và đặc biệt giá cà phê mà chúng ta quan tâm lên “ngùn ngụt”. Như trường hợp đồng Real Brazil, ngân hàng trung ương Brazil can thiệp bán ra, phá giá nhiều lần, nhưng đồng BRL vẫn không thể yếu theo kỳ vọng.
Trường hợp thị trường hàng hóa hiện nay từa tựa như khủng hoảng 2008 và ngay sau đó Mỹ tung gói kích cầu hay ta hay gọi là “nới lỏng định lượng”. Tuy giá zíc zắc, có lên có xuống, nhưng khả năng nhờ lực tiền mà sẽ có đáy cao hơn. Giá cà phê và nhiều sàn kỳ hạn hàng hóa khác trong thời gian qua tăng theo chiều hướng này. Những phân tích cung cầu chẳng qua là cái lý do vay mượn để tạo sóng trên sàn. Nên hiểu sóng giá hiện nay đều do lực của đồng tiền, khi bơm tiền mạnh vào sàn giá tăng, khi rút tiền ra giá giảm. Nếu không nhìn cách như thế để ứng xử với thị trường, thì sẽ vuột mất những cơ hội mua bán. Nếu tin vào cung cầu quá nhiều, có thể dẫn đến thua lỗ lớn do chính nhận định của mình không chuẩn.
Thống đốc ngân hàng trung ương Anh quốc đã nói rõ như ban ngày rằng sẽ can thiệp mạnh, bung tiền kích cầu, dùng tiền để đẩy nền kinh tế thoát khỏi tăng trưởng chậm và suy thoái nếu hậu Brexit có xảy ra chuyện gì. Hiệu quả quyết định của các thống đốc ngân hàng gồm VQ Anh, châu Âu và Mỹ đến nay thấy rõ.
Theo tiếng gọi này, ba quỹ kinh doanh hàng hóa và chứng khoán chỉ ngay tuần đầu tiên sau Brexit đã bơm vào thị trường 4,6 tỉ USD. Khi thấy giá chứng khoán và hàng hóa tăng, người mua tại các nước trên đã ào ạt mua vào, lượng tiền từ dân chúng mua “ăn theo” không hề nhỏ, tăng 6 tỉ USD. Chỉ nhìn vào quỹ chỉ số của SPDR bộ phận kinh doanh chỉ số S&P500 tăng 4,6 tỉ USD, SPDR kinh doanh vàng tăng 1,4 tỉ USD, một hãng khác tên là iShares Core tăng 654 triệu USD! Tiền như nước thì sao giá không nổi!
Dự kiến mở cửa sàn kỳ hạn robusta London thứ Hai 18-7 cơ sở giao dịch tháng 9-2016 giảm khá đến mạnh.
Nguyễn Quang Bình
“Tiền như nước thì sao giá không nổi!” Nhưng tại sao “Dự kiến mở cửa sàn kỳ hạn robusta London thứ Hai 18-7 cơ sở giao dịch tháng 9-2016 giảm khá đến mạnh.” Thật khó hiểu quá!
Vì theo sàn NY đóng cửa giảm mạnh so với LD lúc đóng cửa nên 90% dự đoán LD mở cửa giảm từ 10 – 15.
Đọc xong bài viết không biết ý tác giả là như thế nào .
“Xin lưu ý sàn robusta London và arabica New York tuy giảm, vẫn đang trong tình trạng mua quá mức, đầu cơ sẽ phải tháo bớt bằng cách bán thanh lý nếu còn muốn tăng mạnh.” ===> ý muốn nói giá dễ điều chỉnh giảm trở lại do chốt lời .
“Với sàn London, từ mức này 1819, các chắn trên 1860 / 1862 xem ra dễ lấy lại.” ====> thiên về hướng tăng lại từ mức này .
Đọc xong thấy mâu thuẫn .
Có nghĩa là tác giả nói giá giảm là dâu cơ thanh lý bớt lượng mua khống sau khi thanh lý xong giá tăng là do dâu cơ mua khống
giá 38,7 vẫn còn nhiều người muốn mua , liệu cứ đà đấy tăng thì có ai bán không , nên là lúc này không thể tăng tiếp dc , mà như vậy mới là hợp lý .
Mình thấy nên đọc thêm bảng tin nóng hôm nay sẽ rõ ý tác giả hơn. Dù giá rớt, hướng đi vẫn lừng khừng vì chưa dứt khoát lên hay xuống cho ngày hôm nay. Mở cửa London thì dự kiến xuống nhưng vẫn không chắc xuống hẳn.
Thấy mọi người cứ bàn tán với nhau để đoán ý tác giả, sao không hỏi thẳng tác giả để Bác Bình giải thích cho nhanh gọn nhỉ? mình thấy tác giả là người rất ôn hòa, sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng ( mình đã từng được bác trả lời thắc mắc rất tận tình)
Còn chuyện khẳng định giá tăng hay giảm, theo mình nghĩ chẳng ai dám nói chắc, họ chỉ đưa ra các nhận định, các phân tích dựa trên các thông tin, dữ liệu họ có được. Theo mình, được đọc, học hỏi những thông tin bổ ích, miễn phí trên diễn đàn này đã là quý rồi, mọi người góp ý tích cực nhé.
Chúc mọi người an yên