Nội dung chính: Nhận định giá trong tháng để xem ký hợp đồng kiểu nào an toàn và lợi hơn/Yếu tố tạo chiều tăng và chiều giảm giá cà phê sắp tới/Tỷ giá VNDUSD là trở lực cho xuất khẩu cà phê.
Giá cà phê kỳ hạn trong tháng
Sàn kỳ hạn | Đầu tháng | Cuối tháng | Cao nhất | Thấp nhất |
London | 1528 | 1382 | 1528 | 1366 |
New York | 123.90 | 116.35 | 123.90 | 111.60 |
Đặc điểm trong tháng: Ngày đầu tháng và ngày đầu năm 2016 cũng là ngày có giá đóng cửa cao nhất tại cả 2 sàn kỳ hạn. Cũng có nghĩa rằng ai mua trữ từ đầu tháng để bán cuối tháng phải chịu lỗ. Nếu kết hợp với tỷ giá đồng VND càng về sau càng cao, người bán xuất khẩu lỗ thêm một ngoai nữa khi đồng USD về tài khoản, người này sẽ bán USD giá thấp hơn khi bỏ tiền VND ra mua hàng xuất khẩu.
Với chiều hướng thế này trong tháng 01-2016 vừa qua, ai “bán trừ lùi cộng tới” hay bán gởi kho chờ chốt, giao hàng đầu tháng chốt giá cuối tháng, đều chịu lỗ. Ngược lại, bán trước mua sau, bán chốt giá ngay (outright) rõ ràng có lợi hơn trong tháng qua.
Giá kỳ hạn trong tuần
Sàn kỳ hạn | Tuần/Tuần | +/- |
London | 1395-1382 | -13 |
New York | 116.00-116.35 | +0.35 |
Giá nội địa và xuất khẩu:
Nhờ có một vài phiên dao động tăng, giá cà phê robusta nội địa đã vượt khỏi mức 30.000 đồng/kg để có khi lên trên 31.000 đồng/kg trong tuần này.
Giá xuất khẩu FOB tính trên mức chênh lệch với giá niêm yết sàn kỳ hạn robusta London quanh mức cộng 50 USD/tấn trên giá London cơ sở tháng 05-2016. Lượng bán ra trong tuần khá mạnh đủ để chặn các cơ hội tăng giá trên sàn kỳ hạn, vả lại giai đoạn trước tết nguyên đán, nhiều người cần tiền mặt để trang trải chi phí.
Dự kiến trong tuần 05, sức bán ra trước tết vẫn tiếp tục và có thể gây khó khăn cho giá kỳ hạn và thị trường nội địa.
Tuyết đừng rơi, tuyết ơi!
Những đợt bão tuyết đã vùi dập diện tích cà phê tại nhiều nơi ở miền Bắc Việt Nam và vùng Vân Nam, vùng cà phê chủ yếu của Trung quốc giáp biên giới nước ta. Trước mắt, vẫn chưa có báo cáo thiệt hại cụ thể và chưa thấy ảnh hưởng về giá trên thị trường. Dù sao, trong một vài năm tới, thị trường TQ lại phải cần nhập khẩu cà phê để sản xuất do thiếu cà phê vì hậu quả bão tuyết năm nay đem lại. Cửa xuất khẩu vào thị trường này lại mở sau một thời gian khép lại do TQ phát triển mạnh diện tích cà phê vùng này. Ước tại Vân Nam (TQ) có chừng 150.000 ha cà phê, chủ yếu cà phê catimor.
Dự báo thời tiết mới đưa tin có thể có rét đậm rét hại trong tuần 05-2016, thậm chí tuyết lại rơi tại Hà nội và các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, nếu vậy chắc chắn Vân Nam tuyết rơi, ơi hời tuyết ơi! Ai vui? Ai buồn?
Giá dầu thô diễn biến phức tạp
Sau khi giao dịch xuống mức 27 USD/thùng, giá dầu thô trên sàn Chicago tăng lại quanh mức 35 USD/thùng. Do khó khăn về ngân sách vì giá dầu thô giảm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế các nước xuất khẩu, Nga và Ả rập Xê út đang muốn giảm khai thác để nâng giá dầu thô lên.
Tuy nhiên, nhiều nước sản xuất nguyên liệu định hướng xuất khẩu theo lẽ thường vẫn phải tăng khai thác và xuất khẩu để “cứu” ngân sách. Các nước sản xuất sẽ khó tìm con đường nào khác ngoài việc tìm cách “sống chung với lũ”, như tìm ra các biện pháp tự khắc phục như phá giá đồng nội tệ như các nước Nam Mỹ hiện nay. Nhiều người tin giá dầu thô tăng lại nhưng sẽ không bền. Dầu thô thường là sàn có lượng giao dịch mạnh nhất và hàng hóa nói chung thường lấy giá dầu làm mặt bằng cân đối giá cho các loại hàng hóa khác.
Dự báo giá kỳ hạn cà phê của Rabobank: không phải màu hồng
Một dự đoán giá cà phê sàn kỳ hạn robusta London trong tuần không mấy “hồng”. Rabobank, ngân hàng thương mại Hà Lan đoán giá bình quân cà phê robusta của sàn London trong quý 1-2016 này chỉ chừng 1480 USD/tấn, giảm 240 USD/tấn so với dự đoán trước của họ. Họ cũng đoán rằng giá quý 2-2016 của London bình quân chừng 1560 USD/tấn so với giá đóng cửa tháng 05-2016 hôm 27-01 là 1441 USD/tấn.
Theo Rabobank, giá kỳ hạn robusta từ đầu năm đến ngày dự đoán giá giảm hết 9%, theo họ đó là do áp lực hàng tồn kho từ vụ cũ và sức bán hàng vụ cũ của Việt Nam trước tết nguyên đán. Giá London xuống, đó là chứng cứ và chẳng còn phải là chuyện “bí mật với ai” nữa. Cũng theo ngân hàng Rabobank, năm ngoái giá cao, nông dân VN chê giá, giá hiện nay thấp lẽ nào không chê. Đó là cơ sở để họ đoán giá tăng so với giá hiện nay. Rabobank tin sau tết nông dân VN sẽ giảm bán ra.
Tỷ giá USD/VND, trở lực của xuất khẩu cà phê Việt Nam
Tỷ giá giữa tiền VND và USD hôm 28-01 được niêm yết tại các ngân hàng nằm ở mức thấp nhất trong hơn 3 tháng qua. Theo đó, VND đang liên tiếp tăng so với USD.
Ghi nhận được sáng 28-01 giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào phổ biến ở mức 22.210-22.260 VND/ 1 USD, mức bán ra 22.300-22.340 VND/ 1 USD. Nhìn chung tỷ giá USD/VND hiện nay đang nằm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10-2015. Trong khi đồng Real Brazil BRL mất giá, nếu như giữa tháng 11-2015 1 USD ăn 3,71 BRL thì nay 4,07 BRL; đồng Peso Colombia COP đầu tháng 10-2015 1 USD ăn 2,86 COP thì nay ăn 3,35 COP; đồng Rupiah Indonesia IDR đầu tháng 10-2015 1 USD ăn 13.420 IDR thì nay ăn 13.767 IDR. Có thể kết luận rằng tỷ giá VND hiện là trở lực cho xuất khẩu cà phê và hàng hóa nguyên liệu nói chung, không thể cạnh tranh kịp với các nước khác.
Qua so sánh tỷ giá đồng nội tệ các nước xuất khẩu cà phê với USD, VND là mạnh nhất nhưng nông dân Việt Nam phải chấp nhận thiệt thòi khi bán ra và các nhà xuất khẩu bán ra bằng tiền USD khi nhận tiền về lỗ trên tỷ giá vì VND càng lúc càng mạnh.
Tình hình thị trường cà phê hàng thực
Khối lượng cà phê hàng thực tại các nước sản xuất ra thị trường nhìn chung không dồi dào. Do giá xuất khẩu tính trên mức trừ lùi cộng tới (differentials) cao, có nơi rất cao như tại Indonesia và Brazil, chỉ một vài người mua thật cần hàng lắm để giao mới mua, dĩ nhiên lượng giao dịch rất nhỏ. Đồng nội tệ các nước Brazil và Colombia lại mất giá, đáng ra giá kỳ hạn arabica New York giảm nhưng may giá dầu thô cương lên lại, cứu “đội hình” hàng hóa nói chung và sàn cà phê New York nói riêng.
Nhìn vào thị trường cà phê sắp tới, những nét chính sau đây có thể gây ảnh hưởng giá cà phê trong nước và trên sàn kỳ hạn:
-Chiều xuống (bearish): Đồng USD mạnh hơn các đồng nội tệ BRL, COP, IDR chỉ trừ VND; dự kiến cà phê vụ 2016/17 Brazil thu hoạch sớm hơn; số liệu xuất khẩu cà phê các nước to hơn như từ Brazil, Colombia và Việt Nam; lượng hàng tồn kho robusta đạt chuẩn ít sây sứt dù có tin các hãng kinh doanh châu Âu sẽ lấy hàng sàn London đưa qua Mỹ; bức tranh kinh tế vĩ mô thế giới bất ổn…
-Chiều tăng (bullish): nông dân chê giá kỳ hạn thấp, giảm bán ra, mặc dù giá xuất khẩu cao tính trên “differentials”; thiếu cà phê có chất lượng tốt bên phía arabica; nếu như có một tin rằng Brazil mất mùa, sản lượng giảm sâu so với con số 60 triệu bao như thị trường đã “nhập tâm”.
Hiện nay, nếu như giá cà phê có tăng chăng, phải nhờ liệu pháp “sốc” về phía kỹ thuật mới mong đẩy giá hai sàn lên. Liệu pháp ấy có thể làm sao để kích cho các quỹ đầu cơ mua bù khống vì lượng bán ròng của họ nay khá lớn.
Vị thế của đầu cơ: thiên bán ròng
Tính đến hết ngày 19-01, vị thế kinh doanh tổng hợp gồm cả kỳ hạn và quyền chọn của các quỹ đầu cơ trên hai sàn kỳ hạn như sau:
Sàn arabica Ice New York tăng lượng bán ròng thêm 3734 lô lên thành 25319 lô.
Sàn robusta Ice London cũng tăng lượng bán ròng thêm 1002 lô. Vậy đến ngày khóa sổ 19-01, lượng bán ròng trên sàn này đạt 29625 lô.
Lượng bán khống mạnh như thế có khả năng là một trong những nguyên nhân giúp giá hai sàn robusta và arabica không xuống sâu hơn và tạo cơ hôi đảo chiều tăng trong các phiên gần đây.
Trong tuần, các cú nhớm trên sàn arabica có lúc trên 118.25 cts/lb và sàn robusta 1414 USD/tấn tưởng sẽ tạo cơ hội, tiếc thay đã bị lực bán mạnh từ các nước sản xuất làm trôi giạt đi. Giá arabica phải cắm chặt trên 122.60 cts/lb và robusta 1414 USD/tấn mới có cơ hội hấp dẫn cho đầu cơ vào mua bù, giảm lượng bán ròng để có thể lên 126.80 ở sàn arabica New York và 1463 USD/tấn ở sàn robusta London. Phiên cuối tuần làm tan tác hy vọng. Đóng cửa hai sàn không giữ được các mức như đã nói xác lập trong tuần. Các mức 111 cts/lb cho arabica và 1350/1339 USD/tấn cho robusta không khéo lại phải làm nhiều người lo lắng.
Khuynh hướng chung tuần tới: Yếu đến trung tính.
Dự kiến mở cửa ngày thứ Hai 01-02-2016 sàn robusta London từ không đổi đến giảm nhẹ.
Nguyễn Quang Bình
sáng nay trên VTV1 quay mấy tỉnh phía bắc cà chết khô nhìn thảm quá, Vân Nam Trung Quốc gần đó chắc củng vậy mà thôi. Nông dân tây nguyên đã buồn nhưng bà con phía bắc còn buồn hơn. Xin chia buồn cùng nông dân cà phê
cà phê Sơn La đang thu hái lứa cuối ,giá hiện giờ 4,5-5 ngàn/kg quả tươi thuê công hái hết 1,8-2 ngàn/kg . Qua đơt rét hại này nhiều vườn chắc phải cưa tận gốc, vườn nào may mắn hơn còn giữ lại đc cái thân xác xơ . giá cả thế này sang năm bà con lấy j mà sống đây
Tết năm nay khác tết năm xưa.
Năm nay áp lực bán trong tết vẫn mạnh làm giá khó lòng có đột phá .