(21-01-2016) Thị trường cà phê quá nghiệt ngã

Giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn “tuôn chạy” trong một ngày giao dịch mà người tham gia ai cũng đòi bán ra hơn mua vào. Tưởng sàn kỳ hạn robusta London tạo điều kiện để arabica New York tăng giúp hai sàn vượt qua chỗ “nguy nan”, không ngờ sàn robusta giật mạnh làm arabica rớt theo, dù sàn này vẫn còn hết sức “chững chạc”.

Mở cửa sàn kỳ hạn robusta lúng túng ngay, rớt 7 USD/tấn nhưng rồi sau đó rớt theo từng đợt, có lúc chạm 1359 USD/tấn.  Đóng cửa cơ sở tháng 3-2016 sàn kỳ hạn robusta London đóng cửa âm 46 USD/tấn chốt 1366 USD/tấn và kỳ hạn arabica New York về 112.20 cts/lb rớt 4.05 cts/lb. Giá tính theo kỹ thuật trở nên yếu hẳn.

Conab báo năm nay Brazil được mùa kỷ lục

Giá rớt do các yếu tố từ bên trong lẫn bên ngoài. Về bên trong, tin sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2016/17 dự kiến thu hoạch vào khoảng tháng 4 và 5 năm nay ước tăng 58%, đạt mức cao kỷ lục nhờ mưa thuận gió hòa tại các vùng trồng cà phê Brazil, báo cáo mới ra của Conab, đơn vị chuyên đánh giá sản lượng cà phê thuộc bộ nông nghiệp Brazil cho biết.

Theo dự báo đó, Conab ước Brazil có thể đạt từ 49,1 đến 51,9 triệu bao. Nếu so với 2012 bấy giờ sản lượng Brazil đạt mức kỷ lục (theo Conab) là 50,8 triệu bao.

Kịch bản xấu nhất là 49,1 triệu bao, nhưng nếu đạt theo kịch bản tốt, niên vụ sau sẽ là năm vô địch.

Xuất khẩu cà phê đạt nhiều kỷ lục

Mặt khác, thống kê xuất khẩu Brazil năm 2015 và lượng bán ra từ Việt Nam ngày càng tăng cũng làm giá thị trường chịu áp lực. Trong khi đó, Colombia xuất khẩu mạnh và đạt kỷ lục chẳng thua ai.

Xuất khẩu cà phê Brazil dự kiến sẽ giảm nhẹ vể giữa năm 2016 do tồn kho bị rút nhiều nhưng nhìn chung khối lượng xuất khẩu cà phê 2016 của Brazil cũng tương đương với 2015 nếu như vụ mùa tới to như dự kiến, chủ tịch Ủy hội Các nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) nói với phóng viên Reuters hôm 19-1-2016.

Xuất khẩu cà phê Brazil năm 2015 đạt mức kỷ lục với 33,33 triệu bao, nếu công chung với lượng cà phê chế biến qui ra cà phê nhân, phải lên đến 36,89 triệu bao, là năm thứ hai liên tiếp có khối lượng xuất khẩu cao nhất trong lịch sử xuất khẩu Brazil, cao hơn năm 2014 được tính là 32,94 triệu bao chưa gộp cà phê chế biến.

Nelson Carvalhaes, chủ tịch Ủy hội nói còn quá sớm để đoán khối lượng xuất khẩu năm này nhưng nếu như năm 2016 không có gì thay đổi, xuất khẩu năm này vẫn đạt như năm ngoái.

Xuất khẩu arabica năm 2015 đạt 29,16 triệu bao, giảm nhẹ so với 2014 là 29,49 triệu bao. Nhưng xuất khẩu robusta tăng mạnh và đạt kỷ lục với 4,17 triệu bao, tăng sao với năm 2014 chỉ 3,45 triệu bao.

Bán gì được là bán

Brazil thường giữ lại robusta để tiêu thụ trong nước và chế biến cà phê hòa tan. Nhưng năm 2015, do Việt Nam trữ lại không bán với lượng trên 400.000 tấn, Brazil đã tranh thủ bán robusta để giành thị phần và mặt khác nhờ robusta giá cứng hơn arabica trên thị trường cà phê thế giới.

Tiêu thụ nội địa Brazil ước chừng 20,5 đến 21 triệu bao năm 2015, là nước tiêu thụ cà phê lớn thứ hai sau Hoa Kỳ.

Vị chủ tịch Cacafe còn cho biết thu hoạch vụ mới của  Brazil năm nay dự kiến bắt đầu từ cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Do xuất khẩu nhiều, dự kiến tồn kho cà phê tại Brazil sẽ giảm trong nửa đầu năm 2016 nhưng chắc sau đó được cà phê vụ mới bù vào.

Với trên 36 triệu bao xuất khẩu, bạn đọc cứ tính bình quân lượng xuất khẩu hàng tháng của Brazil chừng 3 triệu bao.Dưới mức này chừng 3 hay 4 tháng liền, sản lượng và chính sách chắc có chuyện, còn cứ xuất khẩu đều đều 3 triệu bao hay giảm nhẹ tăng nhẹ đôi chút, thì dù ai có nói gì, cũng nên hiểu rằng Brazil không hề mất mùa như ai đó nói.

Yếu tố bên ngoài

Chắc bạn đọc để ý từ đầu năm 2016, thị trường tài chính từ cổ phiếu đến kỳ hạn hàng hóa đề một nhịp điệu như nhau, nhá lên rồi lại chìm xuống, chỉ riêng thị trường chứng khoán Việt Nam bé tẻo teo đã mất 5 tỷ USD chứ đừng nói ở đâu. Hôm qua 20-1 giá cổ phiếu sàn chứng khoán Hongkong và Tokyo đều sụp. Dầu thô, cà phê…đều rớt. Chiến lược “mua khi giá xuống đáy” hình như hiện nay không còn hiệu nghiệm.

Giá dầu thô hết thủng đáy này đến đáy khác, xuống giao dịch mức quanh 27 USD/thùng, thấp nhất từ hơn 13 năm nay. Nhưng Viện Năng lượng Quốc tế vẫn còn cảnh báo coi chừng giá dầu xuống nữa!

Mới vài năm trước đây, nhóm có tên BRICS gồm các nước mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn độ, Trung quốc, Nam Phi còn làm mưa làm gió, tăng trưởng kinh tế TQ hàng năm trên 10% có năm tăng 14% như năm 2007. Ấn độ tăng 8%, Nga 5%, Brazil và Nam Phi 4%, nên các nước phát triển tự tin nhắm con số tăng trưởng kinh tế lên 1,4%. Bây giờ thì chỉ có mơ! Các nước cung ứng nguyên liệu và phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu nay đang điêu đứng với nhu cầu càng lúc càng xuống. Nhiều nước lâm cảnh nợ nần, chính trị hỗn loạn và dân tình khốn đốn.

Dự kiến sàn robusta Ice London tháng 3-2016  mở cửa chiều 21-01 từ không đổi đến tăng nhẹ.

Khuynh hướng chung: Trung tính đến Yếu.   

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. TRẦN VĂN KHƯƠNG

    Bây giờ mới thấy rõ cơ chế của ta còn quá yếu kém ,nên doanh nghiệp và nông dân không thể cạnh tranh với các nước khác được.thật buồn ,đến bao giờ thì họ mới nhận ra những yếu kém đó có lẽ nông dân mới bớt khổ được

Tin đã đăng