Bài học từ các dự đoán giá
Thời điểm này năm ngoái, giá nội địa ở mức 41.000 đồng/tấn nhưng chẳng mấy ai chịu bán. Tin hạn hán tại Brazil dồn dập đã kích thích một bộ phận dân cư và doanh nghiệp trong nước rủ nhau cất trữ hàng, bán giao kho để đợi chốt giá cao kiếm lời (như đã biết đến nay có lô hàng còn chưa chốt được phải xin chuyển tháng – xin xem thêm phía dưới).
Có thì giờ nhìn lại, các dự đoán giá của nhiều đại gia thế giới đầu năm cho giá quý 4 cuối năm qua đến giờ này đều “trật lất”.
Lấy cơ sở ngày 07-01 năm ngoái, giá kỳ hạn robusta bấy giờ là 1980 USD/tấn và arabica quanh mức 180 cts/lb. Commerzbank đã dự đoán cuối năm 2015 arabica sẽ đạt 230 cts/lb và robusta 2300 USD/tấn, khuynh hướng tăng. Trong khi đó, Rabobank đoán bình quân quý 4-2015 arabica chừng 175 cts/lb khuynh hướng giảm.
Nhìn lại mức đóng cửa cuối năm tuần trước, nay mới thấy đáng nực cười. Hóa ra dự đoán dù của đại gia cũng chỉ là “nói cho vui” nếu như so với thực tế xảy ra. Tuy nhiên, theo người viết, khi nghe dự đoán, hãy chú trọng đến khuynh hướng tăng hay giảm so với thời điểm dự đoán để có những nhận định và trải nghiệm riêng cho bản thân và doanh nghiệp mình.
Nếu như có người tin quá vào các dự đoán trên đến nay phải lấy bài học kinh nghiệm, có lẽ nên luận thế này: khi các quỹ đầu cơ dấy tin lên, họ đã sẵn sàng một lượng vốn khổng lồ để mua hàng giấy từ thấp đến cao; nhờ vậy, giá tăng…Nhưng khi thấy các nhà đầu cơ mua một lượng hàng theo giá càng lúc càng cao, họ đã giật sập giá, cho người mua hàng giấy giá cao treo hàng và vốn trên ấy, và giảm giá dần bằng cách bán ra kiếm lời…Bán hàng giao kho chốt giá sau không khác gì mua hàng giấy như đã giải thích.
Nếu người tin dự báo có khuynh hướng tăng, họ sẽ bán giao kho chờ chốt giá. Còn ai theo khuynh hướng giảm, chắc chắn họ sẽ bán ngay và mua sau. Nên người đoán giá tăng về sau và đường dài, dù vô tình hay hữu ý, là ủng hộ cho việc bán hàng giao kho chờ chốt giá hay mua khống trên sàn kỳ hạn. Còn người đoán giá giảm sẽ làm theo kiểu bán đâu mua đó mua đâu bán đó, không treo hàng trên sàn, vì càng trữ giá càng xuống. Nên chẳng thể ai trách ai, chỉ tùy nhận định riêng để có hướng mua bán riêng. Thế thôi!
Giá thấp, vẫn bán
Đó là chuyện quá khứ.
Khác với năm ngoái vào tết dương lịch giá cà phê tăng thì nay giá giảm dù hai sàn kỳ hạn và giá trong nước đã ở mức rất thấp.
Tuần qua, sau khi rớt sâu xuống mức thấp nhất tronng tuần vào sáng thứ Sáu 08-01-2016 ở mức quanh 32.200-32.500 đồng/kg, giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây nguyên đã chững lại nhờ giá kỳ hạn robusta trên sàn London ngưng rớt.
Trước đó, ngày 07-01, giá kỳ hạn London có lúc đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất tính từ đầu niên vụ 2015-16 chạm mức 1463 USD/tấn. Hiện tượng này làm tăng thêm lo ngại cho những người bán hàng gởi kho nhưng chưa chốt giá, dù bán mới ở mức thấp và hợp đồng cũ chuyển tháng để chờ cơ hội. Nếu như gởi kho ở mức 33.500 – 34.000 đồng/kg với giá mới của niên vụ này, tuần qua chắc chắn không có cơ hội chốt vì giá xuống sâu. Còn giá bán gởi kho hàng “ngủ nướng” tính đến nay có khi giá đã thành mức 40.000-42.000 đồng/kg, và mức trừ lùi cũng dễ trên 100 USD/tấn dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn.
Trong tuần, tình hình mua bán được ghi nhận rằng tuy giá thấp, hãy nói bình quân 32.500 đồng/kg, vẫn đã có người bán dù lượng không nhiều.
Tâm lý thị trường hiện nay
Nếu như nhìn vào hoạt động giá trên sàn kỳ hạn, vẫn chưa thấy sức ép bán ra từ Việt Nam vì khi so với sàn arabica, giá qua một tuần rớt gần 8 cts/lb trong khi sàn robusta chỉ mất 45 USD/tấn. Mặt khác, tuần qua trên thị trường hàng thực, do mới vừa ăn tết dương lịch xong, thị trường tại các nước xuất khẩu lẫn nhập khẩu vẫn uể oải, nên hiện tượng giảm mạnh trên hai sàn kỳ hạn nên được nhìn nhận như hoạt động của đầu cơ tài chính sau khi giá cổ phiếu tại các sàn chứng khoán Trung quốc rớt tơi tả và ngân hàng nhà nước TQ phá giá thêm đồng nội tệ CNY.
Chính vì chưa thấy sức ép bán ra, tâm lý thị trường vẫn nghĩ lượng tồn kho từ vụ cũ còn nhiều theo nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp, tức gồm hàng treo chưa chốt và hàng chưa bán của vụ cũ còn nhiều. Cũng xin nói rõ rằng đấy là tâm lý thị trường chứ người viết xin miễn có ý kiến khẳng định tồn kho lớn hay nhỏ. Với ước báo xuất khẩu 130.000-140.000 tấn/tháng, lượng ấy vẫn chưa đủ để đánh tan tâm lý về lượng ở thị trường trong nước và trên thế giới. Bao lâu người gởi hàng trong kho chốt bớt và giá rớt thấy rõ, bấy lâu tâm lý này sẽ giảm dần.
Nguyễn Quang Bình
Nói thật là năm nay người dân bán khá nhiều rồi, nhưng hàng đến tay những người xuất khẩu thì còn lâu vì:
_Khi những người trữ cà nếu có lãi thì họ mới bán.
_Những hộ khá giả nếu giá này thì khó lòng họ mở kho.
_Không phải khi nào thì mất mùa cũng được giá nhưng những nhà đầu cơ cũng nên xem lại rằng người bán thì rất nhiều nhưng muốn mua được hàng với giá này thì không phải dễ. Đôi lời tâm sự.
1 năm trôi qua với bao niềm tin và hy vọng về giá cà phê tốt hơn đã tan biến thay vào đó là những lời than phiền “năm nay lấy gì ăn tết đây,tiền đâu mà nuôi con ăn học,giá cà phê thì rẽ trong khi giá phân bón giá công hái giá thuốc cứ tăng kiểu này làm cà phê chắc lỗ ……”ko biết khi nào nỗi lo của người dân mới hết đây?
Gần tết giá khó lên. Ra tết giá năm nay có thể lên nhẹ. Nhưng mức tăng không nhiều. Bác nào cần tiền cứ quất đi thôi :)