Đó là thắc mắc chờ câu trả lời không chỉ của nông dân trồng cà phê mà cả giới kinh doanh, nhà rang xay và cả các quỹ đầu cơ trên các sàn kỳ hạn.
Khỏi cần phải nói, năm 2015 là năm đại hạn của thị trường cà phê. Tổng kết năm, giá kỳ hạn arabica New York giảm 24% và robusta London mất 21%.
Bây giờ người ta có câu trả lời dứt khoát vì sao già cà phê rớt mà không chút lờ mờ nào nữa: do đồng nội tệ của hai nước xuất khẩu arabica đứng đầu thế giới Brazil (BRL) và Colombia (COP) phá giá tệ hại, dân bán ra mạnh vì không lỗ trên thị trường nội địa, nhưng làm giá kỳ hạn xuống và các nước cạnh tranh, kể cả các nước xuất khẩu robusta, phải “chết khiếp”.
Nhưng cũng cần phải nói rằng mưa đều tại Brazil và chương trình tái canh của Colombia thành công rực rỡ đã góp thêm phần tiêu cực trên thị trường cà phê thế giới.
Dĩ nhiên, xuất khẩu nhiều thì tồn kho giảm. Nhưng nếu như thấy trước đồng tiền phá giá, Brazil và Colombia không ngại bán tiếp dù cho đó là “lúa non”.
Sau đây ta hãy nghe ý kiến bình luận của một số “đại gia” ngân hàng trên thị trường cà phê hiện nay:
ABN Amro
“Mấy tháng nữa, những dữ liệu về vụ mùa Brazil sẽ quyết định phần lớn hướng giá thị trường. Nhu cầu tiêu thụ cà phê từ 15 năm qua tăng trên 40% trong khi sản lượng cùng kỳ chỉ tăng 25%,” ABN Amro trích dẫn dữ liệu của ICO và cho biết như vậy.
“Tồn kho tăng hay giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thị trường vì bản thân tồn kho khi quá mỏng lại phụ thuộc vào sản lượng. Tuy nhiên, cũng cần nhìn vào sản lượng của Colombia, Việt Nam và Indonesia chứ không thể dựa vào sản lượng Brazil một mình. Nếu như sản lượng Brazil yếu, có Colombia bù nhờ cà phê từ chương trình tái canh. ABN Amro cho rằng do tình hình thời tiết và tồn kho giảm, giá arabica vài tháng tới có thể tăng. Nhưng mức độ tăng không mạnh vì các quỹ đầu cơ hình như chưa muốn mua bù những lô án khống và giá trị đồng USD tăng mạnh.
Ngân hàng | Citigroup | Commerzbank | Rabobank | SocGen |
Quý 1-2016 | 130 | 130 | 131 | 128.58 |
Quý 2-2016 | 130 | 120 | 128 | 128.59 |
Quý 3-2016 | 135 | 110 | 123 | 131.17 |
Quý 4-2016 | 135 | 110 | 122 | 129.67 |
Tính bằng cts/lb – cơ sở so sánh với ngày 04-01-2016 đóng cửa 123.90 cts/lb
Citigroup
Đồng nội tệ các nước Mỹ La tin yếu ảnh hưởng đến thị trường cà phê thế giới qua nhiều kênh như nông dân bán ra có lời trên thị trường nội địa nước họ; ảnh hưởng của chương trình tái canh và tăng lượng xuất khẩu.
Tuy đồng USD vẫn tiếp tục mạnh, giá trị các đồng nội tệ khác như BRL và COP xem như đã xuống đáy. Nếu như đồng tiền các nước sản xuất Nam Mỹ ổn định, giá cà phê arabica nhờ thế cũng ổn định. Vai trò của tồn kho tỏ ra quan trọng trong quyết định giá thị trường.
Goldman Sachs
Sau khi tăng lên 135 cts/lb vào giữa tháng 10-2015 nhờ hơi của dự báo sản lượng từ Conab nói Brazil chỉ đạt 42,15 triệu bao trong niên vụ 2015-16, gía kỳ hạn arabica xuống mức sâu nhất tính từ 2 năm nay.
Giá xuống còn do Colombia nới lỏng qui định chất lượng xuất khẩu cà phê cho phép xuất khẩu chất lượng thấp, mưa về đều tại Brazil và FED tăng lãi suất và còn tăng nữa, các nước xuất khẩu phải tính chuyện giảm giá đồng nội tệ (mở đường cho cà phê xuất khẩu).
Hiện nay, thị trường vẫn mập mờ các số liệu sản lượng nên ngân hàng này tin rằng giá cà phê arabica thời gian tới đây sẽ dao động thất thường.
Rabobank
Giá arabica vẫn chịu nhiều áp lực trong năm 2016 do đồng nội tệ các nước sản xuất yếu.
Các nước xuất khẩu cà phê lại là các nước chuyên xuất khẩu nguyên liệu như Colombia, Brazil, Trung Mỹ, Burundi và Indonesia, nên đồng tiền yếu sẽ vẫn cứ yếu. Tuy nhiên, sản lượng thế giới có thể thiếu.Thị trường đang đợi con số dự báo sản lượng Brazil cho niên vụ 2016-17. Nếu không đạt 60 triệu bao, chắc thị trường sẽ không đến nỗi.
Societe Generale
Tồn kho đang vơi cộng với thời tiết thất thường El Nino sẽ giúp giá arabica vững chưa không đến nỗi tệ. Giá nội địa Brazil đang về gần giá thành sản xuất nên khó giữ được sản lượng như cũ. Nên giá năm 2016 sẽ vững, thậm chí cho đến năm 2017.
Nguyễn Quang Bình