Giá cà phê vối robusta nội địa sáng hôm nay 17-12-2015 tăng nhẹ không đáng kể ở quanh mức 33.050-33.100 đồng/kg dù giá kỳ hạn tháng giao dịch chính (nay đã chuyển sang tháng 3-2016) tăng 8 USD/tấn để đạt 1515 USD/tấn khi đóng cửa.
Khuya hôm qua, sau khi các sàn kỳ hạn cà phê đóng cửa, ngân hàng trung ương Mỹ hay thường được gọi là Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản đồng USD như dự kiến, lên khung từ 0,25% đến 0,50%. FED cũng đặt chỉ tiêu sao cho mức lãi suất Mỹ đến cuối năm tới 2016 đạt 1,40%. Biết rằng tăng lãi suất của một đồng tiền là chuyện bình thường, nhưng lãi suất đồng USD có mệnh hệ lớn đối với giá các sàn hàng hóa, trong đó các sàn kỳ hạn cà phê là hết sức quan trọng vì nó vốn rất cực kỳ nhạy cảm với các yếu tố tiền tệ.
Tuy giá nội địa tăng nhẹ theo mức tăng của giá kỳ hạn, mua bán trong nước còn lẽo đẽo, chưa sung vì hình như chưa ai định được hướng rõ ràng.
Nếu như tăng lãi suất đồng USD, khuynh hướng chung là giá hàng hóa (nông sản) giảm nhưng giá cổ phiếu các sàn chứng khoán tăng. Hôm qua, tình hình trên thị trường tài chính thế giới xảy ra đúng như thế . Tuy nhiên, giá robusta vẫn giữ được vị trí. Nhưng kỳ vọng giữ được lâu dài hay không, thì chỉ có người đang giữ vị thế mua hay có hàng trong tay mới dám đặt kỳ vọng lớn.
Chính vì vậy, các nhà kinh doanh hàng thực gồm đại lý thu mua, nhập khẩu và xuất khẩu đều lúng túng. Vì sao? Vì thị trường chưa có nhu cầu thực sự trong thời điểm này dù biết rằng đây là giai đoạn ăn hàng tốt nhất nhờ yếu tố giá thấp trên sàn kỳ hạn.
Người mua bán hàng thực chờ gì? Chờ giá xuống nữa mới mua chăng? Hoàn toàn không hẳn thế. Vì cứ khi có nhu cầu, giá cao mấy họ vẫn phải mua để giao hàng. Một số đại lý cho rằng giá càng tăng, mua hàng càng dễ và bán hàng cũng dễ. Giá xuống thế này, mua đã khó bán giá cao một chút để đảm bảo an toàn cũng chẳng ai mua.
“Tốt nhất, thu hái rồi, phơi phóng xong, để sẵn hàng trong bao xuất khẩu, tìm các đỉnh mà bán nếu như giá vẫn tiếp tục chuồi xuống như 2 năm vừa qua,” một chuyên gia nói.
Quan Di Sơn