Thời gian gần đây, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, xuất hiện nhan nhản các loại phân bón trung, vi lượng với tên gọi, thành phần dinh dưỡng được ghi rất nhập nhèm, đội lốt phân lân.
Chưa cần phải đem đi xét nghiệm mà thông qua nhãn mác bao bì cũng có thể khẳng định các sản phẩm phân bón đó có vấn đề.
Tên một đằng, thành phần một nẻo
Trong chuyến công tác Tây Nguyên cuối tháng 11 vừa qua, nếu không tận mắt chứng kiến chúng tôi không thể hình dung được việc DN đặt tên phân bón lại liều lĩnh và bát nháo đến như vậy, điển hình là tại Đăk Lăk, nơi được coi trung tâm kinh tế của Tây Nguyên.
Khảo sát tại đại lý phân bón và vật tư nông nghiệp Phương Cương (thôn 6, xã Ea M’Nang), đại lý Hằng Anh (thôn Quảng Hòa, xã Quảng Hiệp), đại lý Đức Đảm (thôn 2, xã Cư Mgar) đều thuộc huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk, chúng tôi thấy bày bán những sản phẩm phân bón với tên gọi hết sức kỳ cục.
Đó là sản phẩm phân bón rễ cao cấp Vôi – Lân – Canxi được SX tại Nhà máy Phân bón Hoa cương Đất Việt có địa chỉ tại cụm công nghiệp Krông Buk 1, xã Pơng Drang, huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk. Mặc dù tên gọi là Vôi – Lân – Canxi, song thành phần P2O5 trên bao bì chỉ là 0,2%, tức là xúc một nắm đất bất kỳ nào tại một vườn cà phê ở Tây Nguyên đem xét nghiệm cũng cho ra kết quả P2O5 cao hơn con số 0,2% DN này công bố.
Tiếp đến, sản phẩm Lân super canxi của Cty Công nghệ sinh học Đại Nghĩa có địa chỉ tại 90 Nguyễn Trường Tộ, phường 12, quận 4, TP.HCM, nhưng lại được sản xuất tại D14/21 Nguyễn Cửu Phú, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM, có hàm lượng P2O5 = 0,1%, không hiểu với 0,1% này thì cây trồng hút được gì?
Rồi sản phẩm Lân – Canxi – Magie – Silic của Cty CP Phân bón và Hóa chất Ba Miền, địa chỉ tại B2/22 Mai Bá Hương, ấp 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM, khá hơn một tí là hàm lượng P2O5 được những 1,16%, song giá bán ngang ngửa, thậm chí cao hơn rất nhiều các sản phẩm lân uy tín của các DN lớn có hàm lượng P2O5 lên tới 15 – 17%.
Đặc biệt, còn có sản phẩm Lân vôi canxi của Cty CP Phân bón Đại Phát, địa chỉ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chỉ ghi thành phần vừa đủ là P2O5 mà không biết hàm lượng bao nhiêu?
Tiếp tục khảo sát tại đại lý Phân bón – Nông sản Thành Hưng ở 115 Hùng Vương, phường Đạt Hiếu, TX Buôn Hồ, Đăk Lăk, chúng tôi tiếp tục bắt gặp những loại phân trung vi lượng còn bát nháo hơn.
Đó là sản phẩm Lân – Vôi Việt Úc của Cty TNHH Sinh hóa Cần Thơ, có địa chỉ 9/23 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, với thành phần P2O5 = 0,1%. Buồn cười hơn, cũng tại đại lý này còn bày bán sản phẩm Vôi lân Thành Lợi Ninh Bình của Cty TNHH Thành Lợi có địa chỉ tại xã Ninh An, huyện Hoa Lư, Ninh Bình còn viết sai cả tên công thức hóa học của canxi (CaO) thành CA.
Cơ quan chức năng ở đâu?
Khảo sát thêm hàng loạt đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp khác tại TP Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk, chúng tôi tiếp tục chứng kiến hầu như chỗ nào cũng bày bán các sản phẩm phân bón trung vi lượng với tên gọi và thành phần nhập nhèm phân lân.
Tại Cty TNHH MTV Thùy Lan số 336 Giải Phóng, thị trấn EA Drăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk, bày bán sản phẩm Phân trung lượng bón rễ Viet Han của Cty TNHH Phân bón Việt Hàn có địa chỉ tại 68/2P, đường Lê Văn Thọ, phường 9, quận Gò Vấp, TP.HCM có bao bì ghi như đánh lừa nông dân. Cụ thể nguyên liệu để SX đơn vị này ghi Lân super (P2O5) = 16%… nhưng trong thành phần dinh dưỡng lại không có tí lân (P2O5) nào.
Chủ đại lý phân bón Bảo Liên ở xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột đang bày bán sản phẩm Phân trung lượng Rồng Xanh của Cty TNHH Thuận Long ở phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.HCM, có thành phần nguyên liệu và hàm lượng không đúng, tâm sự thật rằng, bản thân anh bán các loại phân bón trên vì thực tế không thấy cơ quan chức năng xử phạt hay nhắc nhở gì?
Hơn nữa, lợi nhuận khi bán các loại phân bón trung vi lượng đó cao gấp 5 – 7 lần so với bán các loại phân lân bình thường.
Nếu như lợi nhuận bán 1 bao lân nung chảy hay supe 50 kg chỉ được 3.000 – 5.000 đồng thì bán 1 bao phân trung vi lượng lợi nhuận trên dưới 20.000 đồng nên chủ đại lý không ngần ngại cho biết đã tư vấn để nông dân mua các loại phân bón có lợi nhuận cao hơn, nếu người dân không đồng ý mới bán các sản phẩm phân lân truyền thống.
Còn theo chia sẻ của đại lý phân bón Tiến Lợi, tại thôn Nam Hồng, phường Bình Tân, TX Buôn Hồ (hiện đang bày bán sản phẩm Supe Lân – Vôi – Magie mang thương hiệu Trâu Vàng của Cty CP SX – TM – DV Thiên Minh VN tại quận Tân Bình, TP.HCM với nguyên liệu chính supe lân lên tới 15%, song trên thành phần công bố lại không có P2O5 mà chỉ có CaO và MgO) các sản phẩm trên do DN ký gửi hàng, đại lý bán được bao nhiêu thì hưởng % chứ không mất vốn mua lưu kho như các thương hiệu phân lân uy tín khác. Nhìn chung, chủ yếu các sản phẩm trên được bày bán trực tiếp tại đại lý, cửa hàng cấp 2, cấp 3 còn những DN đại lý cấp 1 lớn gần như không tiêu thụ các sản phẩm này.
Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng quản lí thị trường vốn “khét tiếng” trong việc thanh, kiểm tra xử phạt trong lĩnh vực phân bón như tỉnh Đăk Lăk ở đâu mà lại để các loại phân bón với tên gọi, bao bì nhãn mác lôm côm nhái phân lân tồn tại công khai trên thị trường suốt thời gian dài như vậy?
Thứ nhất, đã mang tên là phân lân (lân nung chảy, lân caxi magie hay supe lân…) chiếu theo quy định tại Phụ lục 13, Thông tư 29/2014/TT-BCT của Bộ Công thương ban hành ngày 30/9/2014 quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ, hướng dẫn việc cấp phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời SX phân bón hữu cơ và phân bón khác tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón thì hàm lượng tối thiểu P2O5 phải ≥ 13,5%. Vậy nên những sản phẩm gọi là lân ở trên mà thành phần P2O5 chỉ vỏn vẹn có 1% có đủ điều kiện để được dùng chữ lân trên bao bì hay không?
Thứ 2, theo quy hoạch của ngành hóa chất, hiện trong nước chỉ có mấy nhà máy có công nghệ gốc được Chính phủ cấp phép SX phân lân là: Cty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển, Cty CP Phân lân Ninh Bình, Cty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Nhà máy Supe Long Thành (Cty CP Phân bón miền Nam), Nhà máy Supe Lào Cai, Nhà máy Supe Đức Giang và hai nhà máy phân bón phức hợp chứa lân là DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai.
Ngoài các nhà máy trên, không có cơ sở nào được cấp phép SX phân lân, nếu là lân nhập khẩu phải ghi rõ trên bao bì. Vì vậy, việc các DN chúng tôi nêu tên ở trên lấy tên sản phẩm là Lân canxi – Magie – Silic, Lân vôi canxi hay Supe lân canxi… là có dấu hiệu vi phạm Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lí phân bón và Nghị định 89/2006/NĐ-CP năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa nên đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc nhanh chóng thanh kiểm tra và có biện pháp xử lý mạnh tay để chấn chỉnh.
+ Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi nhận thấy rất nhiều sản phẩm phân bón trung vi lượng nhãn mác, tên gọi, thành phần nhập nhèm phân lân thậm chí còn in cả dấu hợp chuẩn, hợp quy trên bao bì. Không biết dấu hợp quy đó có chính xác hay không, nếu chính xác cần phải xem lại năng lực và trách nhiệm của đơn vị nào đã cấp chứng nhận hợp quy cho những loại phân bón kỳ quặc như vậy.
+ Theo một số chuyên gia, nguyên nhân của sự hỗn loạn trong sản xuất, kinh doanh phân bón trên có phần do Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lí phân bón vừa thiếu chặt chẽ lại phải mất hai năm mới chính thức có hiệu lực đã tạo khoảng trống, kẽ hở rất lớn khiến các DN ồ ạt cho ra đời những loại phân bón “nửa dơi nửa chuột” có nguy cơ gây ngộ độc và suy thoái đất đai nặng nề.
đúng rồi, phân bón giờ ra toàn nhãn hiệu mới thì gần 100 % là phân giả, không đúng thành phần. đến người hiểu biết còn lo lắng chứ là nông dân.
Kính mong các cơ quan chức năng vì dân dệp loạn, Kính mong các công ty phân bón uy tín luôn cử chuyên gia của mình xuống để kiểm tra hàng giả hàng nhái để bảo vệ nông dân, bảo vệ nhãn hiệu của mình, giúp đỡ các cơ quan chức năng sử phạt.
Theo tôi thì cơ quan quản lý nhà nước chưa tròn phận sự
quá tệ. Tại sao nhà báo thì biết và phát hiện chuyện nàyđi làm cái chuyện “phanh phui”trong khi ngườiôngcó trách nhiệm thì lại im re vậy?