Thị trường cà phê theo cái nhìn của người môi giới (ngày 18-11-2015)

Trong báo cáo thị trường tháng 11-2015 mới ra của hãng môi giới Marex Spectron, họ đưa ra tổng kết rõ ràng và ngắn gọn như sau:

Niên vụ 2014-2015

Nói chung, giá xuống thấp. Riêng sàn kỳ hạn arabica New York sau một năm giảm 40%. Vì sao?

-Đồng nội tệ các nước xuất khẩu chính (chỉ trừ tiền đồng Việt Nam) phá giá chừng từ 60-75% so với đồng USD. Nên nếu kinh doanh dựa trên đồng Reais Brazil BRL, Peso Colombia COP và Rupiah Indonesia INR, thì năm 2014-2015 không phải là năm giá thấp.

-Trong niên vụ 2014-2015, các quỹ đầu tư bán 26,8 triệu bao gồm 20,7 triệu bao arabica và 6,1 triệu bao robusta. Con số liên hợp này có thể nói bằng chừng 17-18% sản lượng cà phê toàn cầu và nhiều hơn gấp 5 lần lượng cà phê được cho là thiếu hụt.

-Theo báo cáo, niên vụ 2014-2015, thế giới thiếu hụt chừng 5,2 triệu bao chứ không phải nhiều hơn như người ta tưởng. Tại sao? Lượng cà phê của Brazil và Colombia cuối cùng thấy ra nhiều hơn.

-Lượng xuất khẩu cà phê từ Brazil nhiều hơn so với dự kiến. Vì sao? Theo hãng này, do sản lượng vụ cũ lớn hơn và tồn kho gối vụ mang sang vụ mới nhiều hơn nên theo hãng này, bây giờ có thể nói niên vụ vừa qua 2014-2015 sản lượng Brazil có thể đạt đến 50 triệu bao. Dĩ nhiên, cũng nên hiểu rằng xuất bán càng nhiều, tồn kho gối vụ sẽ càng nhỏ trên thị trường trong nước.

-Giá thị trường kỳ hạn đi theo cách thấy hàng thiếu, giá tăng trước (đầu vụ). Tồn kho tại các nước tiêu thụ đầu và cuối phiên hầu như không thay đổi mấy.

Niên vụ 2015-2016 thế nào?

-Marex Spectron cho rằng niên vụ này 2015-2016 thế giới vẫn thiếu chừng 2,8 triệu bao. Nếu không tính tồn kho tại Việt Nam vì kẹt tỷ giá không bán được, tồn kho tại các nước tiêu thụ ước sẽ giảm từ 2-3 triệu bao.

-Tuy các đồng nội tệ có tăng lại, đây vẫn là yếu tố bất ngờ cần phải theo dõi vì nó liên hệ mật thiết với giá cà phê trên các sàn kỳ hạn.

-Cách bán mạnh năm ngoái của các quỹ đầu tư chắc không thể lặp lại trong niên vụ này. Đứng ở thời điểm này mà nói, nếu như đầu năm 2016 có chỉnh sổ và điều vốn, các quỹ đầu cơ phải mua lại chừng 2 triệu bao. Nhưng có thể họ đã thấy trước và mua dần, số lượng cuối năm sẽ nhỏ hơn nếu họ bắt tay mua từ từ. Hiện nay, đầu cơ bán ròng 9 triệu bao ở vị thế tổng hợp tức cả kỳ hạn và quyền chọn, còn vị thế bán trên kỳ hạn 16,75 triệu bao.

-Các hãng rang xay mua cũng đã bộn, nên tham gia trên sàn và thị trường sẽ có phần hạn chế nếu nhằm mục đích chốt mua hàng.

-CONAB vừa qua báo sẽ bán tồn kho dự trữ chiến lược. Nên hiểu đây chỉ bán cho rang xay nội địa. Nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, mở rộng đường cho hàng vụ mới được xuất khẩu. Tuy nhiên, hình như họ sẽ không xuất bán một lượt dồn dập. Nên có thể xuất khẩu từ tháng 1 đến 6-2016 sẽ giảm dần.

-Tồn kho đầu vụ tại Việt Nam còn nhiều. Nhưng hãng này ước rằng sản lượng niên vụ 2014-2015 của Việt Nam chừng 26,5 triệu bao và niên vụ 2015-2016 chừng 29 triệu bao. Các nhà xuất khẩu VN chắc đã thấm và vừa rồi khi giá lên 1675, hàng VN bán ra khá mạnh. Giá trần có thể chừng trong khung 1700-1750.

Đoán thử niên vụ 2016-2017. Mưa có trễ không?

-Xin nhớ rằng niên vụ cà phê các nước như sau:

Brazil tháng Sáu năm này đến tháng Bảy năm sau

Indonesia tháng Năm năm này đến tháng Sáu năm sau

Hai nước trên hoa đã ra. Vụ ra hoa Việt Nam phải đợi đến tháng 1-2016.

-El Nino trong năm 2015 đã gần đến đỉnh và dự kiến kéo dài đến quý 1-2016, thời tiết khô hạn và nhiều yếu tố thất thường khác đã và đang xảy ra tại Brazil, Colombia, Indonesia và Việt Nam.Tại Colombia, El Nino ảnh hưởng đến cả vụ chính lẫn vụ phụ.

-Tại Brazil, nhìn chung như sau: một số vùng trồng arabica không mấy “ngon” như Cerrado và Zona da Mata nhưng hầu hết các vùng khác đến bây giờ thì thấy được. Chỉ lo nhất là vùng trồng robusta tại Espirito Santo, nhưng đang được dự báo mưa sẽ về nhiều hơn và cây cà phê robusta vùng này sẽ đỡ hơn. Năng suất thấy có khả năng giảm rồi đó nhưng để biết rõ hơn phải đến giữa hay cuống tháng 12-2016 là sớm nhất.

-Tại Indonesia cũng vậy, ở Việt Nam cũng khô, nhưng để rõ hơn, phải đến tháng 1-2016 mới nói được.

– Ước lượng sản lượng niên vụ 2016-2017 bây giờ là quá sớm nhưng thị trường hiện nay đang làm giá cho niên vụ 2016-2017 mà sản lượng Brazil sẽ là yếu tố quyết định hướng giá chủ đạo hiện tại. Nói rằng thế giới sẽ thừa cà phê niên vụ 2016-2017 nhưng thời tiết thất thường đã xảy ra, El Nino còn đi đoạn khá dài, đáon bây giờ liệu có sớm quá?

Đóng cửa phiên giao dịch 17-11-2015, giá kỳ hạn robusta chốt mức 1554, âm 6 USD và arabica tăng 0.05 cts/lb chốt tại 118.25 cts/lb.

Dự kiến sàn robusta Ice robusta London tháng 1-2016  mở cửa chiều 18-11 giảm nhẹ.

Nguyễn Quang Bình (dịch) 

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. thaonguyen

    Mình thấy Chuyên gia môi giới này đưa ra các ý kiến tương đối tổng thể khách quan, không như các nhận định khác chủ yếu để gây áp lực làm giá thị trường.
    Có những người cho rằng năm vừa rồi chúng ta kháng giá làm mất thị phần vào tay các nước khác. Nhưng với việc đồng tiền các nước mất giá như vậy mà chúng ta đua theo để giành thị phần thì chắc năm vừa rồi giá phải xuống 15-17 ngàn mới dành thị phần được với người ta. Năm tới đây khi các nước không còn lợi thế đồng tiền mất giá khi đã phải đưa vào chi phí sản xuất từ đầu vụ cộng với việc đồng tiền các nước đó bắt đầu phục hồi lại dẫn tới giá cả sẽ đắt đỏ hơn vì chi phí sx bỏ ra cao tính trên đồng bản tệ của họ, lúc đó sẽ là lợi thế cho hàng Việt Nam chúng ta cạnh tranh.

  2. nguyen thuy

    hàng đang thiếu hụt là thực tế, năm 2014 và 2015 hạn hán, caffê nhân nhỏ và một nhân rất nhiều giảm khoảng 30% sản lượng thêm vào đó năm 2015 diện tích caffe giảm khoảng 10% cho trồng tiêu tại Tây Nguyên là có thật. Việt Nam thời gian qua xuất khẩu ít không phải là ghim hàng mà là không có hàng để xuất khẩu.

Tin đã đăng