Thị trường cà phê: Bão tố lại bắt đầu?

Gãy khúc và dao động mạnh trên đồ thị giá của thị trường cà phê từ đầu vụ đến nay đang báo hiệu sẽ có sóng to gió dữ. Xuất hiện trên thương trường nhiều hiện tượng “khiêu chiến”, nhưng liệu hạt cà phê Việt Nam liều “xông trận” hay ẩn náu chờ cơ hội như năm trước?

Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa trên sàn kỳ hạn robusta London (tác giả tổng hợp)
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa trên sàn kỳ hạn robusta London (tác giả tổng hợp)

Dù mới ở tháng đầu tiên của niên vụ, thị trường cà phê đã vừa trải qua một cơn “bão tố” ngay ngày giao dịch cuối tuần, hôm qua 16-10 tức rạng sáng 17-10 giờ Việt Nam.

Giá hai sàn kỳ hạn cà phê tại châu Âu và Mỹ rớt thê thảm. Đóng cửa sàn kỳ hạn London, giá cà phê robusta giảm 42 đô la Mỹ/tấn trong ngày nhưng mất 15 đô la/tấn so với tuần trước (xin xem biểu đồ 1). Giá giao dịch arabica tại sàn Ice New York càng tệ hơn, mất 7,9 xu/cân Anh (cts/lb) trong ngày (tương đương gần 175 đô la/tấn) chốt tại 129,20 cts/lb và như vậy giảm 5,7 cts/lb so với cách đây 7 ngày.

Trong tuần qua, tin mưa chưa về để giúp hoa cà phê Brazil đậu trái loan truyền rất mạnh nên giúp giá đầu tuần trên các sàn kỳ hạn cà phê tăng tốt. Nhờ vậy, giá cà phê nguyên liệu nhiều nơi trên thị trường nội địa Việt Nam có cơ hội lên 36,5 triệu đồng/tấn. Nhưng chỉ trong hai ngày cuối, khi giá kỳ hạn yếu và sập mạnh, giá cà phê giao dịch sáng nay 17-10 chỉ còn ở mức 35 triệu đồng/tấn.

Yếu tố nào làm giá cà phê rớt?

Rất có thể người ta đưa tin hạn hán tại Brazil để kinh doanh tài chính vì “hạn hán đang xảy ra, nhưng sao hai sàn kỳ hạn cà phê vẫn sập?” Một chuyên gia ngành hàng thắc mắc.

Theo ông, thị trường chao đảo mạnh, khi tăng cao, khi xuống thấp rất bất ngờ và chóng vánh (xin theo dõi biểu đồ 1) cũng còn có dụng ý tạo rủi ro cho các nhà xuất khẩu ở các nước sản xuất, loại họ ra trong giai đoạn này vì yếu tố kinh doanh tài chính hơn là kinh doanh cà phê thực.

Tuy nhiên, giá kỳ hạn cà phê rớt mạnh còn chịu ảnh hưởng bởi đồng real Brazil mất giá sau khi nước này bị hạ mức tín nhiệm đầu tư cộng với tin Colombia, nước sản xuất cà phê arabica lớn thứ nhì thế giới, quyết định cho xuất khẩu cà phê thứ và phế phẩm. Quyết định này có hiệu lực ngay. Về lâu về dài, lượng arabica chất lượng xấu này sẽ giành thị phần của robusta là loại cà phê Việt Nam thường xuất bán để chế biến cà phê hòa tan.

Nhìn lại “thế” thị trường của hạt cà phê Việt Nam

Thống kê của Tổng cục Hải quan ước trong cả niên vụ 2014-15 Việt Nam chỉ xuất khẩu 21,02 triệu bao cà phê tương đương với 1,26 triệu tấn, giảm 21,6% so với niên vụ trước và cũng là năm có lượng cà phê xuất khẩu thấp nhất tính từ năm 2010.

Dựa trên ước báo ấy, xuất khẩu hàng tháng của Việt Nam năm vừa qua chỉ dừng ở mức 105.000 tấn/tháng, giảm bình quân từ 20-30.000 tấn/tháng. Nhiều người cho rằng sở dĩ xuất khẩu giảm là do giá kỳ hạn và thị trường thấp, đặc biệt trên thị trường nội địa, giá đỉnh cao nhất trong niên vụ cũ cũng chỉ đạt 41 triệu đồng/tấn so với trước là 45-46 triệu đồng/tấn và giá thấp nhất chỉ quanh mức 34-35 triệu đồng/tấn. Một nguyên nhân quan trọng khác là giá cà phê của Việt Nam mất tính cạnh tranh do đồng tiền của các nước cạnh tranh bị phá giá mạnh khiến cà phê của họ có giá rẻ hơn trên thị trường quốc tế.

Đồng nội tệ của ba nước xuất khẩu cà phê cạnh tranh với nước ta là Brazil, Colombia và Indonesia mất giá mạnh so với đồng đô la Mỹ, có nước phá giá đến 50-70%/năm trong khi đồng tiền Việt Nam chỉ mất giá chừng 5%. Đồng nội tệ các nước sản xuất cà phê mất giá so với đồng đô la Mỹ đã kích thích nông dân các nước này bán mạnh dù giá kỳ hạn rớt nhưng thu hồi bằng đồng nội tệ của họ trên giá bán cà phê vẫn cao, thậm chí còn có lời.

Điều này được ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê&Ca cao Việt Nam (Vicofa) xác nhận trong hội nghị giao ban xuất khẩu tại TPHCM ngày 12-10-2015 khi ông báo rằng “tỷ giá đồng real của Brazil giảm đến 70% so với đồng đô la Mỹ nên họ bán hàng ra ồ ạt khiến cà phê Việt Nam chịu ảnh hưởng không bán được”. Theo ông Nam, cà phê Việt Nam đang vào vụ mới nhưng tồn kho vẫn còn 400.000-500.000 tấn cà phê nhân.

Tồn kho tại các nước tiêu thụ

Biểu đồ 2: Tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ 1988 đến nay (nguồn: GCA/Societe Generale)
Biểu đồ 2: Tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ 1988 đến nay (nguồn: GCA/Societe Generale)

Báo cáo ra định kỳ mới nhất của Hiệp hội Cà phê Nhân Mỹ (Green Coffee Association-GCA) cho biết rằng tính đến hết tháng 9-2015, tồn kho cà phê nhân tại các kho vùng Bắc Mỹ đạt 6.117.108 bao (60 kg x bao) hay 367.027 tấn, không tính khoảng 100.000 tấn đang trung chuyển hay đã nằm tại các xưởng chế biến, tăng gần 5.400 tấn so với cùng kỳ năm 2014. Đây cũng là mức tồn kho cao nhất tại vùng Bắc Mỹ tính từ cuối năm 2003 đến nay (xin xem biểu đồ 2).

Tồn kho cà phê tại châu Âu tính đến hết tháng 7-2015 đạt 714.566 tấn, tăng 19.392 tấn so với cùng kỳ năm 2014 và chưa tính chừng 200.000 tấn đang trung chuyển hay nằm tại các cơ sở chế biến, báo cáo của Hiệp hội Cà phê Châu Âu (European Coffee Federation – ECF) cho biết trong tuần qua.

Tại Nhật Bản, tồn kho cà phê nhân đến cuối tháng 8-2015 tăng lên mức kỷ lục, đạt 202.411 tấn, cao hơn 7% so với cùng kỳ năm 2014.

Như vậy, tổng cộng tồn kho tại các nước tiêu thụ theo thống kê thị trường biết được là 1.283.994 tấn, nếu cộng thêm 300.000 tấn đang trên đường tới các cơ sở chế biến và tại xưởng chế biến không được tính gộp vào các báo cáo trên, ta có chừng 1.600.000 triệu tấn.

Cũng cần lưu ý rằng, trong lượng tồn kho ấy, hiện có 114.000 tấn cà phê đạt chuẩn arabica thuộc sàn kỳ hạn Ice New York và 204.150 tấn đạt chuẩn thuộc sàn robusta Ice London với giá trị hàng hóa thời điểm tính trên giá niêm yết các sàn kỳ hạn ngày 15-10-2015 đạt chừng 700 triệu đô la Mỹ.

Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản là ba vùng tiêu thụ cà phê truyền thống. Các thống kê tồn kho có ảnh hưởng nhất định giá cả trên thị trường và các sàn kỳ hạn.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. dinhnhi

    Những bài của tác giả NGUYỄN QUANG BÌNH viết nếu không đăng nhập thì có bài đọc được có bài không ??? tại sao ???
    Tôi là nông dân cà phê thứ thiệt 100% mổi sáng uống cà phê bên chiếc máy tính cũng lật lật những trang thời sự tin tức … xong mới đi làm ! gần đây xem tin ở trang y5caphe này lại phải đăng nhập … (ngán nhất là cái này do làm biếng) lại thấy rằng lâu lâu cũng có những trang gọi là cho không “free tin” …. xem lại những” free tin” này hình như có vấn đề thì phải ??? có ai nghĩ như tôi không ?
    cũng biết rằng chẳng có gì người ta cho không cả .

  2. Nguyễn Quang Bình

    Cám ơn bạn dinhnhi đã có thắc mắc cần thiết.
    Đúng. Một số bài viết của tác giả Nguyễn Quang Bình trên trang giacaphe.com nếu được trích từ nguồn khác như bài này, đặc điểm có ghi dưới cùng là “theo TBKTSG online” hay từ nguồn khác đều không khóa. Những bài tác giả viết riêng cho giacaphe.com đều được khóa.
    Các tin không khóa thường được xuất bản trước nên vấn đề bạn nghĩ là do hồ nghi vì chưa biết từ nguồn nào. Rất cảm ơn bạn nếu bạn thả lỏng cuối tuần và đọc tin không khóa lẫn khóa.
    Các bài được khóa có luật đi vào của chúng mà bản thân tác giả không thể can thiệp vì đó là quyền của BQT.

  3. lê minh

    Sao chưa có giá cf 18/10/2015 ạ. E mua cà 40.5. Nay cần tiền nhưng cứ đợi cà lên thêm chút xíu cho bớt lỗ. Sốt hết cả ruột.

  4. Nguyễn Quang Bình

    Các bạn trên diễn đàn thân mến,
    Vừa qua, các bạn thấy tôi xuất hiện trên diễn đàn khá nhiều để phúc đáp về một số vấn đề được nhiều người quan tâm.
    Xin xem đấy là những tìm hiểu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau chứ đừng nghĩ rằng ấy là những bàn cãi, tranh nhau ăn thua, đua khoe kiến thức.
    Tôi tin các bạn quan tâm đến vấn đề đang trao đổi trên diễn đàn chắc chắn hiểu rằng chúng ta không vì tranh ăn thua, vì tôi có tranh ăn với ai để mà thua với không thua, khoe lòe kiến thức thì trẻ không khoe, nay về hưu rồi còn khoe mẽ với ai!
    Lấy những câu hỏi, tra vấn của một vài bạn để làm đề tài viết như những giải bày, những kinh nghiệm đã nhận qua thời gian làm việc, để mong cùng xây dựng một diễn đàn thực sự có chiều sâu và biết lắng nghe nhau.
    Với mục đích ấy, với những trăn trở như trong những bình luận, những trao đổi trả lời trước ở những mục bài khác, mong các bạn tiếp tục đóng góp cho diễn đàn để cùng đào sâu thêm kinh nghiệm và hiểu biết lẫn nhau.
    Được như thế thì quí lắm thay!
    Nguyễn Quang Bình

  5. thaonguyen

    Theo em thì thị trường luôn tồn tại và xuất hiện nhiều luồng thông tin với nhiều dụng ý khác nhau. Đặc biệt giới đầu cơ và nhà buôn quốc tế họ nắm lợi thế này khi họ thông qua các phương tiện truyền thông uy tín để đưa ra các bài viết, phân tích nghe có vẻ rất khoa học để lái dư luận theo mục đích của họ, trên các trang mạng cũng không hiếm bài viết phân tích, nhận định rất hay hưng ngược lại với. Vì vậy, quan trọng là BQT, tác giả với tiêu chí “vì một diễn đàn vì người nông dân lớn mạnh” hãy chọn những bài viết nào chúng ta xem xét thấy và khẳng định có lợi cho người nông dân thì hãy đưa lên.
    Trong kinh doanh ngày nay người ta vẫn nói rằng ngưới có được thông tin sớm nhất thì người đó chiến thắng. Nói vậy để thấy được tầm quan trọng của thông tin.
    Nhu cầu cà phê của thế giới một năm tương đương 150 triệu bao trong khi sản lượng của chúng ta đạt tương đương 30 triệu bao chiếm 1/5 nhu cầu thế giới. Với sản lượng 30 triệu bao và là nhà xuất khẩu cà Robusta hàng đầu thế giới liệu mọi hành động của chúng ta có tác động lên thị trường thế giới không? thế mạnh ta là gì? điểm yếu ta là gì? tại sao chỉ một thông tin sương giá hay hạn hán một vùng nào đó ở Brazi có thể ảnh hưởng tức thì lên thị trường ? còn nhân dân chúg ta sản xuất ra 30 triệu bao lại chẳng cs ảnh hưởng gì cả? Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi đây là những số liệu đưa ra để lòe chúng ta không?
    Nếu theo dõi nhiều năm chúng ta đã thấy dù cho nền kinh tế khó khăn đến mấy, đồng USD có như thế nào đi nữa, nhưng khi nghe thông tin hạn hán, mất mùa thì giá cà phê sẵn sàng bật tăng, thậm chí tăng rất ạnh mà hầu như ít quan tâm tới các yếu tố khác.
    Nói vậy để chúng ta thấy cung cầu, sản lượng mùa vụ và đặc biết yếu tố thời tiết luôn là 3 yếu tố vô cùng quan trọng để giới đầu cơ đưa ra để làm giá.
    Vậy, cung cầu ta cũng được nghe nói rồi, sản lượnng mùa vụ 3 năm lại đây so sánh cho kết quả xu hướng giảm, sắp tới khi El nino kỷ lục của 50 năm xảy ra dẫn tới bên thì mưa to lũ lụt bên thì hạn hán khốc lệt không có nước tưới thì điều sẽ xảy ra trong mùa vụ tới khi hiện tại nước ta tới thờ điểm này sắp kết thúc mùa mưa nhưng các hồ thủy điện vùng tây nguyên hầu như vẫn chưa tích đủ nước, chưa nghe thấy chuyện hồ phải xả lũ, mạch nước ngầm tụt xuống sâu vậy mùa khô tới cũng là lúc cao điểm El nino nắng nóng ở các nước Đông Nam Á thì liệu Việt Nam chúng ta khi đó có đào đáy sông tìm nước thì có còn nước để tưới cà phê hay không? Phản ứng của thị trường trong trường hợp đó như thế nào?
    Một số cho rằng khi ra năm FED tăng lãi suất thì giá sẽ giảm, nhưng mình cho rằng không ai cho rằng vì tăng lãi suất nên bỏ kinh doanh, cũng chẳng có ai cho rằng vì tăng lãi suất nên bỏ dùng cà phê, việc đó nó chỉ có phản ứng tức thì rồi sẽ trở lại bình thường. Một lần nữa rất mong BQT tác giả hãy vì một cộng đồng người nông dân cà phê lớn mạnh, cái nào có lợi cho người nông dân thì chúng ta làm.
    Xin cảm ơn!

  6. Phan Thảo

    Anh Bình à , chúng ta luôn là bạn bè tốt và dành cho nhau sự. Tôn trọng .Nhưng điều đó không có nghĩa anh em ta đồng thuận mọi cái nhìn phải không anh ?

Tin đã đăng