Giá kỳ hạn cà phê thế nào?
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9-10-2015, giá kỳ hạn robusta London cơ sở tháng 1-2016 chốt mức 1634 USD/tấn, tăng 38 đô la trong ngày, và tăng 51 USD so với tuần trước, đấy cũng là mức cao nhất tính từ đầu vụ đến nay.
Giá kỳ hạn arabica chốt mức 134.90 cts/lb, tăng 7.55 cts so với đóng cửa ngày 1-10 sau khi chạm 137.40 cts/lb để vượt lên 140 cts/lb nhưng không thành.
Nhìn chung, giá có một tuần hết sức tích cực dù giá trong tuần đã lội suối rồi lên đèo gây lo lắng nhiều cho người còn hàng.
Nhìn vào thị trường, có người nhận định rằng đây là đợt chỉnh tăng từ mức thấp 1497 USD để lên 1650 USD/tấn. Hôm qua, với mức giao dịch 1625 USD tháng 1-2016 và 1637 USD tháng 3-2016, đợt chỉnh giá theo kỹ thuật xem như hoàn tất. Đến khi đóng cửa phiên giao dịch 9-10, thấy rất rõ rằng đà tăng trên sàn kỳ hạn robusta London vẫn còn. Tuy nhiên, giá arabica khi đóng cửa xuống quá thấp dù cuối cùng vẫn dương 3.20 cts/lb trong ngày, nên cân đối giá giữa hai sàn khi mở cửa vào ngày thứ Hai 12-10 tới đây London rubusta sẽ giảm mạnh. Nếu như sức bán ra từ các nước sản xuất robusta như Việt Nam, Brazil, Indonesia…vào dịp cuối tuần quá mạnh, đầu phiên đầu tuần tới sẽ bị đem bán bảo vệ trên sàn, giá có thể trụy nhanh. Mức độ phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào lượng bán đầu phiên ấy. Ngược lại, nếu cuối tuần, cà phê vẫn “khan”, đó là cơ sở cho giá tăng mạnh về sau.
Các yếu tố nào giúp giá tăng vậy?
Trong trào lưu chung, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) “găm” quyết định nâng lãi suất đồng USD vừa qua đã giúp cho giá các sàn hàng hóa giao dịch bằng đồng tiền nay tăng. Biết rằng việc nâng lãi suất đồng USD chỉ là chuyện ngày một ngày hai, các quỹ đầu tư đang nhắm lấy cơ hội mua nhiều mua nhanh để bán nhiều bán nhanh nay mai. Như vậy, giai đoạn tích lũy giá hàng hóa nói chung và giá cà phê nói riêng lâu mau không cần biết, nhưng khi sập, dù đó có thể là một tiên đoán vô căn cứ, giá sẽ rớt rất nhanh và độ sâu tùy thuộc vào cường độ bán tháo trên các sàn hàng hóa.
Đồng Real Brazil tăng ngược lại, từ 1 USD ăn 4,2 BRL nay ăn 3,75 BRL trong khi đó tỷ giá đồng VND cũng tăng so với đồng USD là những yếu tố tiền tệ giúp giá 2 sàn cà phê vững trong mấy ngày qua. Chưa ai tin đồng BRL tăng bền vững vì tình hình kinh tế chính trị bất ổn của BRL, vì Brazil phụ thuộc nhiều về xuất khẩu với Trung quốc…nên nhiều người cho rằng thế nào đồng BRL cũng rớt lại gây nguy hại cho giá cà phê, đặc biệt trên sàn arabica.
Hoa cà phê tại các vùng trồng ở Brazil đang chờ mưa để kết trái, giai đoạn quan trọng vì chưng nếu thiếu nước hoa sẽ khó lòng đậu trái. Lo lắng này làm cho giá tăng. Nhưng xin bạn đọc lưu ý rằng lo toan này, giao dịch giá tăng hiện nay trên các sàn giao dịch là cho 6 tháng sau hay xa hơn. Đó là điểm mà ít ai lưu ý và cứ tưởng giá nháy nhó hiện nay trên sàn là giá của thị trường hiện nay. Cần lưu ý điểm này: nếu giá tăng các hãng kinh doanh và rang xay không mua nhanh mua mạnh tay ngay trong giai đoạn này, thì trong cung-cầu có cái gì đó cần xét lại và giá nay mai trên sàn kỳ hạn và nội địa sẽ có vấn đề. Nếu có cái nhìn tinh tường một chút nữa, nếu họ mua mạnh thời gian này, tức là họ có thể nghĩ giá các tháng tới giá sẽ cao. Hãy đặt thử câu hỏi này: nếu bạn là nhà kinh doanh, bạn biết rằng vài tháng tới giá sẽ tăng, dại gì bạn không mua ngay mà để đến đấy rồi mua vào? Đấy là một phần vừa câu hỏi vừa trả lời và mong quý bạn có những suy nghĩ tiếp và đóng góp thêm ý kiến của mình cho diễn đàn cuối tuần này.
Cà phê “dư” đang ở đâu?
Đang nằm trên hai sàn kỳ hạn mà ta thường gọi là cà phê đạt chuẩn.
Tính đến 9-10 trước khi mở cửa, tồn kho đạt chuẩn trên sàn arabica đạt 116.383 tấn với tổng trị giá thời điểm (tạm tính) trên 346 triệu USD, trên sàn robusta có 203.120 tấn giá trị gần 332 triệu USD hay tổng cộng 678 triệu USD.
Riêng trên sàn robusta, lượng tồn kho ngày càng tăng chủ yếu do hàng xuất khẩu từ cảng Sao Paolo (Brazil). Số lượng này tương đương với lượng hàng xuất khẩu 2 tháng của Việt Nam.
Lượng hàng này đang được sử dụng làm “con tin” để làm giá trên sàn robusta.
Có người sẽ hỏi giá tăng hiện nay thực hay ảo? Là thực chứ sao lại ảo vì giá tăng rõ trên các thị trường kia mà! Nhưng nếu cần có một lời khuyên cho người còn cà hàng thực trong giai đoạn giá tăng này nhưng rất căng thẳng trong quyết định bán hay giữ lại, thì nên chia nhỏ ra thành từng phân lô hàng mình có để bán dần. Nếu bạn tin giá còn tăng nữa, cũng nên chia nhỏ thật nhỏ lô hàng đang có để bán một ít.
Đối với người có hàng trong tay, lưu ý hàng và tiền là của bạn, quyền quyết định trong tay bạn. Đừng tin ai, đừng mong có tư vấn tốt vì thường tư vấn là những người không có kinh nghiệm kinh doanh hàng thực, không có “tấc sắt” trong tay. Họ cứ phán, nếu bạn thua, mất tiền của bạn; còn bạn thắng, họ nói nhờ trí tuệ đĩnh ngộ và công lao miệt mài nghiên cứu của họ. Nhưng nhiều người bảo rằng càng nghe tư vấn kinh doanh, càng mất của mất nhà.
Nguyễn Quang Bình
Cám ơn bác Nguyễn Quang Bình
Lời khuyên chí lý chí tình làm sao!
Ai cũng mong bán giá cao
Thị trường xuôi ngược, thấp cao khó lường
Thôi thì ta tự chọn đường
Lời ăn lỗ chịu lẽ thường bạn ơi !
Chia năm xẻ bảy cho rồi
Ôm rơm rậm bụng…thói đời: thắng thua…
Một năm MẤT…thật như đùa
Khóc khô nước mắt, cười chua chát lòng.
Cho phép tôi được nói mấy lời ở trang này: Cảm ơn bạn Oanh nhé. Nhưng mình tìm mãi mà không thấy bài thơ ấy ở đâu nữa. Bâm vào tìm thì hiển thị : Nội dung bạn tìm kiếm không tồn tai . Không biết lỗi ở đâu nữa. hi…
Hình như bài đó bị… trục trặc gì chăng nên BQT không muốn tồn tại thì phải ĐUCKT ạ. Sẽ còn gặp nhau nhiều mà, thân mến chào bạn.
Đoc xong bai nay cua bác tra biết thê nào mà lần
Tác giả đem thông tin cho bạn nhận định và quyết. Nếu bạn cần tác giả nói rõ cho bạn và nhiều người khác quyết cho khỏe thì chẳng bằng bạn đưa cho không caphe bạn có rồi sau ra sao thì sao cho rồi.