Nông dân Phú Yên ồ ạt phá mía, sắn để trồng tiêu

Việc tự phát chuyển đổi sẽ làm cho người nông dân phải đối mặt nhiều rủi ro tiềm ẩn như sâu bệnh, thị trường tiêu thụ… Chính quyền khó quản lý.

Liên quan: Giá cao su lao dốc: Trồng nhiều, lỗ nặng, chặt bỏ

Những ngày này, đi khắp các vườn rẫy ở xã Sơn Long, huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên đều nhận thấy cảnh nông dân tất bật đào hố, dựng trụ để trồng hồ tiêu.

Giá hồ tiêu có thời điểm lên tới 230.000 đồng/kg. Trong khi đất đai ngày càng cằn cỗi; mía, sắn có năng suất thấp khiến cho nhiều hộ dân ở Sơn Long ồ ạt chuyển sang trồng tiêu, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

nong dan phu yen trong tieu
Tiêu là loại cây đòi hỏi kỹ thuật cao

Ông Nguyễn Văn Quyến (46 tuổi) ở thôn Suối Phèn, xã Sơn Long, huyện Sơn Hoà cho biết ông đã phá bỏ 7 sào mía để trồng 1500 trụ tiêu với tổng kinh phí là 285 triệu đồng. Hỏi sao lại phá bỏ mía để trồng tiêu, vợ ông cho hay: “Đất ở đây rất xấu lại xa nguồn nước nên vợ chồng tôi phá mía. Hơn nữa giá tiêu cao như vậy nên chúng tôi cũng ham”.

Vì rớt giá nên ông Phạm Văn Thành (45 tuổi) ngụ cùng địa chỉ trên đã chặt bỏ 7 sào cà phê để trồng 1300 trụ tiêu với kinh phí 260 triệu đồng. Ông khẳng định: “Tiêu có rớt giá xuống 50.000 đồng/kg vẫn có lời hơn. Vì đất ở đây không hợp, cà phê không đạt năng suất để lại chỉ phí đất”.

Bà Lê Thị Tâm Loan (58 tuổi) chia sẻ: “Người trồng tiêu tiên phong và có thu nhập cao tại địa phương là hộ ông Đào Văn Toàn. Năm vừa rồi gia đình ông thu hoạch 2 tấn hồ tiêu đạt 400 triệu đồng. Chúng tôi thấy vậy nên trồng theo, nhưng kinh phí đầu tư cao nên chỉ trồng với qui mô nhỏ rồi từ từ mở rộng ra. Hiện tại nhà tôi trồng 700 trụ. Trong đó, trồng mới 500 trụ”.

Báo cáo tại Hội nghị Thường niên của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam ngày 8/5/2015, Chủ tịch Hiệp hội ông Đỗ Hà Nam cho biết: Giá hồ tiêu trong nước và xuất khẩu còn tiếp tục cao trong vài năm tới do nguồn cung thấp hơn nhu cầu, nhưng sau đó thị trường có thể sụp đổ nếu nông dân tiếp tục ồ ạt trồng tiêu như hiện nay. Theo ông Nam, diện tích trồng tiêu cả nước hiện đã trên 80.000ha, vượt 30.000ha theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Nguyên nhân do giá hồ tiêu tăng liên tục kể từ năm 2007 đến nay đem về mức lợi nhuận “trong mơ” cho người trồng tiêu dẫn đến hiện tượng nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu. Tuy nhiên, với tốc độ tăng diện tích quá nhanh như thời gian qua, kèm với đó là việc mất kiểm soát trong quản lý chất lượng trồng trọt đang tiềm ẩn rủi ro rất lớn với ngành hồ tiêu của Việt Nam.

> Xem giá tiêu cập nhật hằng ngày

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Cà

    Trong điều kiện bình thường biểu đồ giá cả lượn sóng lặp lại theo hình Sin:
    – Khi cung thiếu, giá cả tăng cao, dẫn đến kích thích đầu tư sản xuất làm nguồn cung tăng thừa.
    – Khi cung thừa, giá cả hạ thấp, sản xuất thua lỗ khiến giảm sản xuất dẫn đến nguồn cung thiếu.
    – Khi cung thiếu …
    Như thế chu kỳ giá cứ lặp đi lặp lại trong nền kinh tế thị trường … tự phát..!

  2. Đỗ Đình Ngọc Vũ

    Bạn Nông Cà nói đúng phải. Nhưng vấn đề về tiêu thì các bạn không cần thiết phải quan tâm đến giá cả nhiều.
    Chủ yếu là để ý tới kĩ thật chăm sóc và trồng. Vì cây hồ tiêu rất hay bị chết đồng loạt hay tuổi thọ khai thác trung bình thấp cho nên sẽ tạo ra nhiều rủi ro hơn là vấn đề giá cả.
    Bà con nên tích lũy nhiều kinh nghiệm từ bản thân lẫn học hỏi để có thể bớt lo hơn.

Tin đã đăng