Ông Nesto Osorio, Giám đốc điều hành Tổ chức cà phê Thế giới (ICO), tuy đứng sau Braxin về sản lượng cà phê nói chung nhưng Việt Nam có lợi thế chính là có sản lượng cà phê robusta (cà phê vối) lớn nhất và giá thành sản xuất thấp nhất thế giới. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới ngày càng tăng cao, ngành cà phê Việt Nam đang tự tin hướng đến ngôi vị chi phối thị trường cà phê thế giới trong những năm tới.
Trong khi đó, với những tiến bộ được áp dụng trong khâu chế biến, cà phê robusta ngày càng được các nhà chế biến trên thế giới ưa chuộng vì góp phần giảm giá thành các sản phẩm cà phê hòa tan. Vì vậy, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng nhu cầu về cà phê robusta sẽ tiếp tục tăng với tốc độ 2 – 3%/năm.
Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) Lương Văn Tự dự báo nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thế giới trong thời gian tới sẽ tăng khoảng 2 triệu bao mỗi năm (60 kg/bao) và dự kiến đến năm 2018 thế giới cần tới 140 triệu bao. Bên cạnh đó, việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã mang lại cho ngành cà phê Việt Nam một sân chơi khổng lồ với hơn 5 tỷ người tiêu thụ và kim ngạch nhập khẩu trị giá 635 tỷ USD/năm.
Đây là cơ hội vàng đối với một quốc gia có trên 500.000 ha cà phê như Việt Nam. Với những thuận lợi sẵn có trên, theo đánh giá của các chuyên gia thị trường trong và ngoài nước, ngành cà phê Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển mạnh mẽ cả về giá và thị trường trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần khẳng định hoạt động sản xuất cà phê của Việt Nam đã và đang có những ảnh hưởng quan trọng đến thị trường cà phê thế giới. Vì vậy, cơ hội xuất khẩu và gia tăng xuất khẩu của cà phê Việt Nam là rất sáng sủa.
Hàng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 850.000 tấn cà phê sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó năm 2007 là hơn 1 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 1,6 tỷ USD. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh giá cà phê thế giới tăng theo chiều hướng tích cực,kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt trên 1 tỷ USD, vượt xa con số cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai cho Đức – một trong những thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất châu Âu.Trong năm 2007, Việt Nam đã cung cấp cho thị trường Đức 234.000 tấn, trong tổng số 1,1 triệu tấn cà phê nhập khẩu của nước này. Những năm gần đây, người Đức đã trở nên quen thuộc với hương vị đậm đà của cà phê Việt Nam nên trong tương lai Việt Nam có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu tới thị trường này.
Tại thị trường Marốc với nhu cầu nhập khẩu chỉ khoảng 28.000 tấn cà phê mỗi năm, Việt Nam cũng cung cấp tới gần 11.000 tấn trong năm 2007 và con số này đang tăng mạnh trong năm 2008, tiến tới chiếm một nửa số lượng cả phê nhập khẩu ở nước này (13.000 – 14.000 tấn).
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, ngành cà phê Việt Nam cần sớm có biện pháp khắc phục tình trạng chất lượng cà phê không ổn định, công nghệ thu hoạch và bảo quản lạc hậu và đầu tư chế biến để tăng giá trị thặng dư còn thấp. Đặc biệt, theo Thứ trướng Diệp Kỉnh Tần, việc Việt Nam chưa xây dựng được những thương hiệu mạnh gắn liền với vị trí của sản phẩm trên thị trường quốc tế đã khiến ngành cà phê Việt Nam chịu không ít thiệt thòi.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao cũng nhấn mạnh rằng đã đến lúc người trồng và đơn vị chế biến kinh doanh cà phê phải thống nhất quy chuẩn, đầu tư nâng cao chất lượng cà phê từ khâu thô đến khâu tinh chế. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có lộ trình liên kết, phát triển sàn giao dịch có kỳ hạn để chủ động về giá cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.