Trong tuần 38, giá cà phê Robusta tăng 4 USD/tấn, tương đương tăng 0,26 %, giá cà phê nhân xô tăng 100 đồng/kg, tương đương tăng 0,29 %, trong khi giá cà phê Arabica tăng 1,8 cent/lb, tức tăng 1,54 %, mức tăng nhiều nhất.
Chốt phiên cuối tuần, giá cà phê thế giới điều chỉnh theo xu hướng giảm trên cả hai sàn giao dịch kỳ hạn.
Trên sàn kỳ hạn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11 giảm thêm 8 USD, tương đương giảm 0,51 %, xuống 1.556 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 1/2016 giảm thêm 9 USD, tương đương giảm 0,57 %, còn 1.569 USD/tấn, và kỳ hạn giao tháng 3/2016 giảm thêm 8 USD, tương đương giảm 0,5 %, còn 1.585 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Tương tự, trên sàn kỳ hạn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao tháng 12 giảm 0,2 cent, tức giảm 0,17 %, xuống 118,35 cent/lb, kỳ hạn giao tháng 3/2016 giảm 0,15 cent, tức giảm 0,12 %, còn 121,8 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2016 cũng giảm 0,15 cent, tức giảm 0,12 %, còn 124,05 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 200 đồng, xuống ở mức 34.600 – 35.400 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, xuống ở mức 1.616 USD/tấn, FOB – HCM, duy trì mức chênh lệch cộng 50 – 60 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn tăng 4 USD/tấn, tương đương tăng 0,26 %, giá cà phê nhân xô trong nước tăng 100 đồng/kg, tương đương tăng 0,29 %, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tăng 1,8 cent/lb, tức tăng 1,54 %, mức tăng nhiều nhất.
Đồng Reais Brasil giảm xuống mức thấp mới sau tuyên bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tạm thời chưa tăng lãi suất USD khiến cho giá cà phê suy yếu trở lại trên các thị trường.
Thông tin từ Liên Đoàn Cà phê Colombia (Fedecafe) cho biết hiện đang vào cao điểm nhưng họ đang thiếu khoảng 30% số nhân công cần thiết để thu hái. Do cà phê Arabica chất lượng cao chế biến ướt nên cần nhiều nhân công để chỉ chọn hái những quả chín. Áp lực này sẽ khiến một số trang trại thương mại lớn có thể phải hái một phần sản lượng có tỷ lệ quả chưa chín cao hơn, chắc chắn sẽ tác động đến chất lượng chung của cà phê vụ mới.
Colombia chỉ cho phép xuất khẩu cà phê chế biến ướt chất lượng cao. Ngay cả cà phê Arabica trồng ở vùng thấp chỉ để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu dưới dạng cà phê giá trị gia tăng. Vấn đề này có thể ngày càng nghiêm trọng hơn khi Fedecafe đã nghĩ tới con số 13,7 triệu bao cho vụ sau. Thông tin này sẽ khiến các nhà kinh doanh cà phê Nam Mỹ lo tìm kiếm nguồn hàng đảm bảo cung ứng đầy đủ nguyên liệu cho các thương hiệu nổi tiếng.
Thị trường suy đoán áp lực bán hàng cà phê Robusta vụ cũ tại thị trường nội địa Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục trong khi thu hoạch vụ mới bắt đầu trong khoảng 4 – 5 tuần tới. Tuy nhiên giá tham khảo trên thị trường kỳ hạn London còn suy yếu khiến nhà xuất khẩu đòi hỏi mức giá chênh lệch cao hơn cho các thương vụ mới.
Điều này cũng xảy ra tương tự từ các nguồn cung thay thế khác do thị trường nội địa ở các nước sản xuất này cũng phản ứng trước yêu cầu ngày càng tăng của các nhà xuất khẩu nước mình cho nhu cầu của các thị trường tiêu thụ vào mùa đông và cuối năm.
Vấn đề là nông dân và thương nhân tại thị trường nội địa Việt Nam sẽ rất cần nhu cầu tài chính lớn cho thu hoạch và tồn kho vụ mới nên cần phải thanh lý bớt một số hàng vụ cũ chứ không hoàn toàn vì vấn đề giá cả. Trong khi về phía các ngân hàng thương mại cũng đang tìm các biện pháp thích ứng đẻ hỗ trợ, đặc biệt khi vào cao điểm thu hoạch vụ mùa mới, khoảng cuối tháng Mười Một.
Anh Văn (giacaphe.com)
Xin chào bà con, năm nay lại một năm nữa mất mùa lại mất cả giá, vào thời điểm cuối tháng năm đến cuối tháng 7 thời điểm cây cà phê cần nước và phân để làm nhân thì hơn hai tháng ròng không có mưa phân không bón được. Hôm nay đã thể hiện rõ cà phê một nhân chiếm đa số và qủa nhỏ rõ rệt năm nay chắc vào mùa nhân cũng lọt sàng nhiều không đạt như kỳ vọng. Giá cà phê thế này chắc vào mùa cũng không đủ tiền thuê người thu hái buồn qúa bà con ơi.
Có kêu mấy thì cũng vậy mà thôi, năm ngoái cũng mất mùa mà. khó đoán quá, đầu mùa giá cao ai cũng nghĩ chắc qua tết giá sẽ lên nữa, chính vì vậy có người mượn ngân hàng mua nhân trữ chắc năm nay hoảng rồi. Quả tươi 8500 – 9000đ/ kg không bán bây giờ có người trông 38 nhân là bán. tôi thì không thể chấp nhận được giá này.
Số em thì may và không quá hẩm hiu, lúc giá cà phê ở mức 36 khi mà ai cũng nghĩ FED tăng lãi xuất thì nhà em bán hết, bây giờ USD giảm giá thì lại mua vào được chút ngoại tệ.