Cà phê trồng một thời gian là chết, đất bỏ hoang, người dân được cho phép bỏ vốn đầu tư; đến khi thu hoạch thì công ty bắt ký hợp đồng nhận khoán…
Dù mới hẹn trước vài giờ nhưng khi chúng tôi đến, hàng chục người đã có mặt tại nhà ông Trần Văn Xanh (ngụ xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk). Theo ông Xanh, đây là những người đại diện cho hơn 700 hộ nhận khoán của Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur (Công ty Cà phê Ea Ktur).
“Phát canh thu tô”
Công ty Cà phê Ea Ktur quản lý 992 ha cà phê với hơn 1.500 hộ nhận khoán. Từ năm 1993 đến 2002, phần lớn diện tích cà phê bị sâu bệnh, già cỗi và chết hàng loạt khiến đời sống người lao động lâm vào cảnh khó khăn. Dù vậy, công ty không có động thái nào cải tạo lại vườn cây, phó mặc đất đai cho người nhận khoán suốt nhiều năm.
Sốt ruột, hàng trăm hộ dân phải bỏ tiền, công sức mua giống trồng lại vườn cà phê, cao su, hồ tiêu trong suốt thời gian dài nhưng không ai phản ứng gì. Khi các vườn cây bắt đầu cho thu hoạch, công ty đột ngột bắt người dân ký vào hợp đồng giao khoán với thời hạn 15 năm và đặt ra nhiều khoản phí rất cao, vô lý.
Ông Trần Văn Cảnh (ngụ xã Ea Bhốk) cho biết gia đình ông nhận gần 2 ha cà phê từ năm 1989. Sau khi vườn cà phê chết gần hết, gia đình ông đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng mới. Đến năm thứ 4, lúc bắt đầu thu hoạch thì người của Công ty Cà phê Ea Ktur xuất hiện, ép ký vào hợp đồng và buộc nộp sản lượng. Hiện vườn cà phê của ông Cảnh cho thu hoạch khoảng 20 tấn quả tươi/năm nhưng phải nộp 3,8 tấn cho công ty.
“Giá bán cà phê ở mức thấp suốt nhiều năm, trong khi chi phí phân bón, thuốc trừ sâu… tăng từng vụ nên nếu làm tốt, mỗi năm cũng chỉ dư khoảng 4 tấn cà phê tươi, đóng sản lượng xong coi như làm không công. Nhiều năm nay, chúng tôi vẫn cố gắng bám trụ với hy vọng cơ quan chức năng nhìn thấy vấn đề, cấp đất cho người dân; còn nếu kéo dài tình trạng này thì người trồng cà phê chẳng còn đường sống” – ông Cảnh chua chát.
Năm 1985, gia đình ông Hồ Sỹ Tùng (ngụ xã Ea Bhốk) nhận 1,5 ha đất trắng của Công ty Cà phê Ea Ktur và được công ty cho phép trồng lúa để tự túc lương thực theo chủ trương của nhà nước và hằng năm nộp thuế đất nông nghiệp. Năm 1992, gia đình ông Tùng tự đầu tư 100% vốn để trồng các loại cây công nghiệp nhưng đến năm 2009, người của công ty đến ép ký vào hợp đồng nhận khoán.
Dù vườn cây do gia đình ông Tùng bỏ vốn trồng nhưng trong hợp đồng ghi là vườn cây của công ty nên ông Tùng không chấp nhận mà yêu cầu thanh lý vườn cây. Ngay sau đó, lãnh đạo Công ty Cà phê Ea Ktur cho người tới thu hồi đất đem bán cho 3 người khác để họ tự ý chặt phá vườn cây. “Gia đình tôi mất nguồn sống, chính quyền địa phương phải cấp giấy chứng nhận hộ nghèo” – ông Tùng nói.
Ngang nhiên cắt đất bán
Tháng 9-2006, do không có nhu cầu sử dụng đất nên UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thu hồi hơn 857 ha đất (ngoài diện tích 992 ha nói trên) tại xã Ea Bhốk và Cư Ewi của Công ty Cà phê Ea Ktur để giao cho UBND huyện Krông Na (trước đây) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Dù vậy, từ năm 2006 đến 2012, Công ty Cà phê Ea Ktur vẫn thu sản lượng trên diện tích này, đến nay chưa hoàn trả cho người dân. Bên cạnh đó, cán bộ của công ty còn tự ý cắt bán hàng chục lô đất thu lợi nhiều tỉ đồng.
Theo ông Huỳnh Thanh Tùng (ngụ xã Ea B’hốk), dù đã có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Đắk Lắk nhưng Công ty Cà phê Ea Ktur không bàn giao mà tiếp tục thu sản lượng đến năm 2012, khi người dân phát hiện thì họ mới dừng lại. Đặc biệt, trong 2 năm 2007-2008, một số cán bộ của công ty đã tới các hộ dân có đất mặt tiền đường nói rằng nếu muốn chuyển đổi sang đất thổ cư thì phải chia theo tỉ lệ 4:6 (công ty 4 phần, chủ đất 6 phần). Gia đình ông Tùng có 60 m đất mặt đường bị người của công ty lừa lấy 20 m, sâu 40 m rồi bán cho người khác giá hàng trăm triệu đồng nhưng đến nay, phần đất còn lại của ông vẫn chưa được cấp quyền sử dụng như cam kết của cán bộ công ty.
Gia đình ông Nguyễn Trí Trí (ngụ xã Ea B’hốk) cũng bị cán bộ Công ty Cà phê Ea Ktur lừa cắt 20 m đất mặt đường bán cho người khác. Sau khi phát hiện, ông Trí nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong nên thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa gia đình ông và người mua đất.
Lắng nghe ý kiến người dân
Tại buổi thông báo kết luận thanh tra, ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Tôi có nghe bà con tố cáo hành vi tham nhũng, làm trái pháp luật, chiếm đoạt tài sản của Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur nên đã đề nghị đoàn thanh tra ở lại thêm một thời gian để tiếp tục tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo và lắng nghe ý kiến người dân”.
Đề nghị chuyển lên Thanh tra Chính phủ
Ngày 11-8, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức công bố kết luận thanh tra số 221/KL-TTr với các nội dung liên quan đến khiếu nại về việc giao đất nông nghiệp tại các doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam có trụ sở đóng trên địa bàn huyện Cư Kuin. Dù cơ quan chức năng chỉ mời 16 người đại diện nhưng hơn 500 người có mặt. Sau khi Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo kết luận, 16 người đại diện các hộ dân đã phát biểu về những thiếu sót, sai phạm của Công ty Cà phê Ea Ktur cũng như kết luận thanh tra. Trong khi đó, dù được mời “năm lần bảy lượt” nhưng đại diện các công ty cà phê không một ai đứng lên phát biểu.
Ông Trần Viết Hùng, một trong những người đại diện các hộ dân, cho biết đoàn thanh tra đã bỏ sót nhiều nội dung khiếu nại nhằm bao che những sai phạm của Công ty Cà phê Ea Ktur. Cụ thể, về số lượng người khiếu nại có tổng cộng 761 người có hồ sơ, danh sách, chữ ký kèm theo xác nhận của HĐND, Ủy ban MTTQ, Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhưng đoàn thanh tra đã “tước” quyền khiếu nại của gần 500 người, chỉ ghi nhận 264 người.
Ngoài ra, người dân yêu cầu Công ty Cà phê Ea Ktur trả lại số sản lượng họ đã nộp trên diện tích đất đã bàn giao về địa phương, mặc dù thanh tra xác minh đến cuối năm 2007, phần lớn diện tích cà phê đã chết nhưng lại cho rằng Công ty Cà phê Ea Ktur thu tài sản trên đất là đúng (?!). Đối với diện tích 857 ha đất năm 2006 tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi nhưng công ty vẫn thu sản lượng, đoàn thanh tra đã bỏ qua, không hề đề cập nội dung này…
Trước thực trạng trên, đại diện các hộ nhận khoán tại Công ty Cà phê Ea Ktur đã làm đơn đề nghị chuyển toàn bộ vụ việc khiếu nại của người trồng cà phê lên Thanh tra Chính phủ.
Kỳ trước: Hạt cà phê “cõng” 17 khoản thu!
Cám ơn các nhà báo đã vào cuộc, tôi cũng chỉ thắc mắc một điều là nhà nước ta luôn nêu cao vai trò của người dân lên hàng đầu và quyết tâm chống tham nhũng, quan liêu. Vậy mà những sự việc rõ ràng như ban ngày rồi mà mấy ông thanh tra còn bao che cho họ nữa. Mong những người có cái tâm thiện chí làm quyết liệt hơn nữa để lấy lại sự công bằng cho nhân dân.
Rất cảm ơn nhà báo của nhân dân, của công nhân trồng cà phê, của “tá điền”. Tình trạng “phát canh thu tô” đã diễn ra quá lâu ở hầu hết các Nông trường ngày nay là các Công ty cà phê trên vùng Tây Nguyên. Công nhân nhiều nơi đã rên xiết dưới “cơ chế quản lý đặc biệt này”, đã kêu nhiều nhưng chưa thấu trời xanh.
Lợi ích nhóm là đây. Hỏi người lao động chịu sao cho thấu
Đất nước chậm phát triển là do bộ máy cồng kềnh này đây. Ngồi mát ăn bát vàng sẽ không nên tồn tại trong thời hiện đai, “phát canh thu tô” chỉ có thời phong kiến. Mong nhà nước sớm cổ phần hóa hoặc chuyển đổi cách làm hiệu quả nhất để người dân càng yêu đất nước mình hơn.
Thiết nghĩ đã đến lúc phải giải thể các công ty trên địa bàn huyện cư kuin. giao trả đất về địa phương quản lý và thu thuế bởi những lý do sau:
1- Công ty cà phê trên địa bàn hiện tại chỉ còn hoạt động theo hình thức ” Thu sản lượng để trả lương, trả nợ ngân hàng. Mà khoản nợ của công ty thi không biết từ đâu ra khi công ty không đầu tư cho sư phát triển của công ty”
2 -Chính quyền địa phương quản lý, dân nộp thuế sẽ tăng tính hiệu quả sử dụng đất, dân được lợi, nha nước thu được thuế. còn hiện tại nộp cho các công ty tiền sẽ về đâu. Dân vẫn khổ, nhà nước thất thu.
3- Bộ máy các công ty cà phê chỉ làm nhiệm vụ thu sản lượng không giúp gì cho dân, vậy tại sao không để người dân tự nộp vào ngân sách nhà nước.
– Cảm ơn báo chí đã có những phản ánh sát thực. Mong nhận được sự đóng góp tích cực hơn nữa của cộng đồng báo chí.
Xin chân thành cảm ơn!
Hôm nay vào giá cà phê đọc bài báo như được tỉnh cả người sau cơn say. Có lẽ rằng người dân trông chờ bài báo như thế này từ rất lâu rồi, tôi có nhiều năm được hợp tác cùng các công ty cà phê, tôi nhận ra một điều không hiểu đến thời buổi này mà vẫn còn nạn phát canh thu tô như thế. Hầu hết những nơi có công ty cà phê đóng thì công nhân và nông dân vùng đó rất khổ, bên cạnh đó thì những vùng nông dân ở những nơi đã từng là công nhân công ty cà phê nhưng đã giải thể thì nông dân khá lên hẳn. một vài năm sau khi công ty giải thể thi nhà cửa xây khang trang, bộ mặt nông thôn đổi mới, thị trường cạnh tranh sôi động. còn những nơi công ty cà phê đang hoạt động thì nhìn bộ mặt bề ngoài thì khang trang còn phía trong thì nông dân trống rỗng. Đau lòng hơn có người sau khi nhận sổ hưu thì sức đã kiệt chưa kịp nhận tiền lương hưu thì đã quy tiên. Rất mong nhà báo hãy đến tìm hiểu nhiều công ty cà phê hơn nữa, tìm hiểu những nơi công ty cà phê đã giải thể trả đất về cho UBND huyện sở tại hơn nữa để hiểu những nỗi thống khổ của người dân. có lẽ rằng nhà báo cũng không thay đổi được gì nhưng dẫu sao cũng an ủi được phần nào người dân.
Xin thay mặt những công nhân khốn khổ cảm ơn nhà báo. chúc nhà báo dồi dào sức khỏe
Nhà báo Cao Nguyên dùng từ hay quá các bác ạ ! “Phát canh thu tô” sao mà bản chất việc làm của các Công Ty cà phê ở Đăk Lăk giống nhau quá. ĐỌC BÀI BÁO MÀ TÔI CỨ NGỠ NHƯ CHUYỆN CỦA MÌNH. Mới sáng nay các huynh đệ chúng tôi đã bị công ty cà phê BUÔN MA THUỘT làm phiền (kiện ra tòa), đã không làm gì được cho dân còn sách nhiễu.Tôi rất tán thành ý kiến của bác Trần Văn Hân -Hậu Hết Sức-Đỗ hà Giang…Xin cảm ơn nhà báo, rất mong nhà báo đến tìm hiểu tại công ty cà phê BUÔN MA THUỘT và giúp bà con nông dân tại khối 9- p.Tân lợi – TP BMT. Chúng tôi sẽ cung cấp chứng từ cần thiết cho nhà báo tác nghiệp. Chân thành cảm ơn nhà báo !!!
Không phải riêng công ty cà phê Ban Mê Thuột mà một loạt công ty cà phê thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam nhé các bạn. Vừa rồi tôi có đưa bài báo cho mấy nông dân là công nhân của các công ty tôi thấy họ đọc ngấu nghiến như là chưa được đọc bao giờ vậy. Mong chờ kỳ tiếp theo của nhà báo Cao Nguyên
Ko chỉ có ít công ty mà hầu hết như các công ty ở huyện Eakar mình cũng đang bị tình trạng như trên. Đặc biệt công ty TNHH MTV 721 đang ép người dân với lý do họ đầu tư thì fải bắt buộc người trồng cà fê fải bán, fải mua fân bón, kam kết bán cafê cho công ty nhưng thực tế họ mua giá cafê rẻ, bán fân bón giá cao. Ko biết đến khi nào người trồng cafê ở các công ty được làm chủ.
Như nông trường mình nè , những hộ chăm cà tốt còn đỡ. Các bạn đã thấy cảnh người lao động có những vườn cà xấu ,4 tấn sản lượng , đến cà gốc họ quét về còn bị đội trưởng lại tịch thu. Các bạn đã thấy cảnh ngày hái thì bị thu sạch, đêm tranh thủ hái lô nhà mà như hái trộm . Cà xấu thì vẫn phải mang về một ít để mà chăm sóc vườn cây, nuôi con họ chứ nộp hết cho nông trường thì lấy j mà ăn . ” Phát canh thu tô” là đúng cái bản chất của nông trường hiên nay . Không khác gi cái thời phong kiến .mong chính phủ mau mau vào cuộc cứu lấy những người dân nghèo đang làm cà phê cho nông trường như chúng tôi !