Hạt cà phê “cõng” 17 khoản thu!

BQT Giacaphe.com xin giới thiệu đến bà con loạt bài viết của Báo Người Lao Động về hoàn cảnh sản xuất cà phê và mức đóng sản lượng thực tế hiện nay của Bà con trồng cà phê đang được cho như là “phát canh thu tô” – Điều lạ lùng là phía “người thu tô” vẫn đang than lỗ, nợ nần chồng chất.

Quần quật quanh năm mới làm ra hạt cà phê nhưng đến mùa thu hoạch, sau khi trừ chi phí, nộp các khoản thu cho công ty, người trồng cà phê chẳng còn chút lãi nào

Nhiều năm qua, hàng ngàn nông dân nhận khoán và công nhân các công ty cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk “gõ cửa” cơ quan chức năng để khiếu nại, tố cáo hành vi sai trái của các công ty cà phê để đòi quyền lợi. Điển hình tại huyện Cư Kuin, hàng trăm người nhận khoán, công nhân các công ty cà phê liên tục kéo nhau lên tỉnh, ra tận trung ương khiếu nại, tố cáo 6 công ty “phát canh thu tô”.

Tận thu

Xí nghiệp cà phê Việt Đức được hình thành vào cuối những năm 70 thế kỷ trước bằng nguồn vốn hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức, quản lý phần lớn diện tích cà phê trên địa bàn huyện Cư Kuin và một số vùng lân cận. Đến năm 1984, xí nghiệp này tách thành 6 nông trường rồi chuyển thành Công ty TNHH MTV trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam.

Qua thời gian, hiện chỉ còn chưa đầy 1/3 diện tích có cây cà phê của nhà nước đầu tư nhưng đã già cỗi, năng suất thấp; số còn lại do người dân phục hóa đất đai và đầu tư 100% vốn trồng, chăm sóc nhưng họ phải nộp sản lượng rất cao, thậm chí có nhiều khoản thu vô lý.

Công ty TNHH MTV Cà phê Ea H’nin (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) – một trong 6 công ty nói trên hiện quản lý 667 ha cà phê (chủ yếu do người dân đầu tư 100% vốn) với 1.118 hộ nhận khoán. Trong đó chỉ có 162 hộ nhận khoán là công nhân của công ty, còn lại là người lao động bình thường liên kết sản xuất. Bức xúc trước việc thu sản lượng cao, nhiều khoản không hợp lý, thu cả những diện tích nằm ngoài diện tích của công ty nên nhiều năm qua, hàng chục hộ nhận khoán đã gửi đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng.

Trong số đó, theo phản ánh của 17 hộ dân có đất tại tờ bản đồ số 34 và 49 thì đây là diện tích nằm ngoài ranh giới quản lý của công ty theo Quyết định cho thuê đất số 311/QĐ-UBND ngày 23-1-2003 của UBND tỉnh Đắk Lắk. Số diện tích này do các hộ tự đầu tư 100% vốn trồng cà phê từ năm 1992-1995 nhưng từ năm 1997-2013, công ty vẫn áp đặt thu sản lượng từ 1,9 – 3,4 tấn cà phê tươi/ha/năm và thu tiền thuê đất từ năm 2011 đến nay.

cham soc ca phe
Phần lớn diện tích cây cà phê ở các công ty do người dân bỏ vốn trồng, chăm sóc nhưng vẫn phải nộp sản lượng cao

Tương tự, Công TNHH MTV Cà phê Chư Quynh (xã Ea Ning), hiện quản lý gần 1.000 ha đất với hơn 1.200 hộ nhận khoán. Trong thời gian qua, nhiều hộ đã khiếu nại rất nhiều vấn đề, trong đó đối với những người tự đầu tư 100% vốn từ khâu trồng, chăm sóc và không phải là công nhân của công ty (không đóng bảo hiểm) nhưng công ty vẫn thu các khoản như tiền đi phép của cán bộ, tiền lãi vay trả lương, trợ cấp mất việc làm…

Ông Lê Thành Châu (ngụ thôn 21, xã Ea Ning) cho biết gia đình ông tự đầu tư 100% vốn và công sức để chăm sóc vườn cà phê nhưng công ty bắt ký hợp đồng với nội dung vườn cây của công ty và thu nhiều khoản vô lý nên gia đình ông không chấp nhận. Lập tức, công ty khởi kiện ra tòa án đòi sản lượng và thu hồi đất.

Các hộ Trần Văn Đình, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Đỏ… cho rằng họ là những hộ dân tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới, các vườn cây cà phê của họ tự trồng và đầu tư nhưng nếu không giao nộp sản lượng thì bảo vệ công ty không cho thu hoạch và sẽ thu hồi lại diện tích đất vườn cà phê…

Thu phí cao vẫn lỗ

Tiếp chuyện với phóng viên, ông Dương Quang Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Ea H’nin, tỏ ra khó chịu: “Tôi là cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, vừa được phân công tiếp quản công ty nên hiện đang đau đầu với sổ sách, nợ nần”. Ông Cường cho biết hiện công ty chỉ còn khoảng 1/3 diện tích vườn cây, số còn lại cho người dân tự trồng, chăm sóc.

Phần diện tích người dân tự đầu tư, công ty thu 1,8 tấn cà phê tươi/ha/năm, còn vườn cây của công ty thì thu hơn 2,5 tấn cà phê tươi/ha/năm. Công ty đang rất khó khăn, ngân hàng không cho vay vì nợ quá hạn nên không có vốn để kinh doanh các lĩnh vực ngoài ngành như thu mua nông sản, buôn bán phân bón. “Hiện công ty đang nợ hơn 23 tỉ đồng, tất cả đã đến hạn trả nợ nhưng không có nguồn, thậm chí nhiều tháng qua, công ty không có tiền để trả lương cho cán bộ” – ông Cường thừa nhận.

Còn tại Công ty TNHH MTV Cà phê Chư Quynh, doanh nghiệp này thu 16 khoản phí với gần 2,7 tấn quả tươi/ha/năm; vườn cây của người dân đầu tư thu hơn 2,2 tấn cà phê tươi/ha/năm. Ông Hồ Phúc Long, giám đốc công ty, cho rằng có người phản ánh đối với vườn cây do người dân tự trồng, chăm sóc mà thu cao nhưng chúng tôi xây dựng phương án khoán dựa trên hướng dẫn và đã được tổng công ty phê duyệt.

Lý giải việc các hộ liên kết, không phải là công nhân công ty, vườn cây tự họ trồng, chăm sóc nhưng phải đóng các khoản vô lý như tiền tàu xe cho cán bộ nghỉ phép, tiền bảo hiểm thất nghiệp…, ông Long nói “chúng tôi thấy không có gì sai nhưng thanh tra đã kết luận không hợp lý thì chúng tôi sẽ trình lại phương án, bỏ các khoản thu này”.

Kỳ tới: Chèn ép người lao động

Nhiều khoản thu không hợp lý

Theo kết luận của Thanh tra Bộ NN-PTNT, Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur đã thu của người nhận khoán 17 khoản mục giá thành đối với diện tích vườn cây của công ty như: Khấu hao vườn cây, khấu hao tài sản cố định khác, thuế, chi phí quản lý, bảo hiểm sản xuất, BHXH, BHYT, chi phí lao động, vật tư phân bón, dịch vụ tưới, khấu hao máy nông nghiệp nhỏ, dụng cụ sản xuất, bảo hộ lao động, nghỉ phép cán bộ… Đối với diện tích người dân tự đầu tư trồng, chăm sóc, công ty thu một số khoản như: chi phí khảo sát, thiết kế khai hoang, nhà cửa các đội và công ty, máy móc thiết bị, sân phơi, kho chứa sản phẩm với tổng số tiền hơn 1,1 triệu đồng và hơn 4,2 triệu đồng tiền chi phí quản lý/ha/năm.

“Công ty tự điều chỉnh phương án khoán, không thông báo, xin phê duyệt của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Tổng công ty chưa thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo sát với thực tiễn và tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm từng năm” – kết luận thanh tra nêu rõ.

Tại Công ty TNHH MTV Cà phê Chư Quynh, một số khoản mục tính chưa phù hợp, chi phí quản lý phân bổ giao khoán sản phẩm cao chưa tương xứng giữa các khoản mục giá thành. Định mức khoán không loại trừ tài sản không cần dùng và phục vụ kinh doanh dịch vụ khác, không phục vụ trực tiếp cho vườn cây. Khoản mục có liên quan đến chế độ của công nhân viên như tiền tàu xe đi phép, quỹ trợ cấp mất việc làm, BHXH, BHYT, xác định chung chưa phân tách riêng cho hộ liên kết (không phải là công nhân viên công ty) là chưa hợp lý…

Cần xử lý dứt điểm

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Năng Chung, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, cho biết hiện có 7 công ty cà phê đóng trên địa bàn nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. UBND huyện đã nhiều lần khiến nghị UBND tỉnh, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) xử lý dứt điểm tình hình này để ổn định trật tự, người dân yên tâm sản xuất.

Cũng theo ông Chung, sau khi Thanh tra Bộ NN-PTNT thông báo kết luận thanh tra, UBND huyện đã tổ chức gặp gỡ đại diện các hộ dân. Qua làm việc, các hộ dân không thống nhất với kết luận thanh tra, do đó họ đã gửi đơn tố cáo đoàn thanh tra ra Bộ NN-PTNT và các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, người dân cũng khiếu nại, đề nghị Bộ NN-PTNT phải làm rõ diện tích công ty khoán trắng, không quản lý là bao nhiêu để làm cơ sở triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp” và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17-12-2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

“Các hộ dân cũng đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk hủy bỏ Quyết định số 3606/QĐ-UBND ngày 9-12-2009 về việc cho Công ty TNHH MTV cà phê Ea Ktur thuê 992 ha đất, giao đất cho người dân” – ông Chung nói.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Đỗ Đình Ngọc Vũ

    Dài quá nên mình ko đọc hết, đề nghị nếu viết dài thì nên có phần tóm tắt nội dung để tiếp kiệm thời gian_đồng thời truyền đạt nhanh cho mọi người.

    Việc giao khoán thì nên thu một loại phí thôi, thu thêm các phí khác chẳng qua là bày vẽ thêm để kiếm lợi. Đặc biệt nếu thu phí theo sản lượng thì năng sất kém thì nộp ít, chứ cứ thu theo kiểu diện tích rồi mà còn thu phí theo sản lượng nhiều nữa là sẽ có loạn đó.
    Mình nghĩ vậy thôi, kính mong các bắc cho ý kiến

  2. ngocbmt

    Làm nông dân chán thật. Em quyết tâm cho con em học làm nghề: “cán bộ nông trường”. Nghề này vừa khỏe vừa dễ giàu.

  3. ĐUC KON TUM

    Các CTy MTV lúc nào cũng ra bản khoán có lợi nhất cho mình rồi trình lên Tổng CTy duyệt. Con làm sai rõ ràng rồi nhưng thấy có lợi cho đôi bên nên bố mẹ lúc nào cũng đồng ý. Những việc người dân phản ảnh đã rõ ràng nhưng không biết các cơ quan chức năng có làm đến nơi đến chốn cho dân được nhờ. ĐAK HA KON TUM mình cũng đang giải quyết khiếu kiện (phát canh thu tô đấy các bạn ạ). Mấy ông CTy một ruột với nhau hết. Mong pháp luật công tâm.

  4. Nông Cà

    Hiện nay các Nông Trường Quốc Doanh theo kiểu này đã ‘hoàn thành sứ mệnh lịch sử’ của nó! Tại sao ta cứ phải cưu mang một kiểu làm ăn “ăn bám” lạc hậu đến như vậy?
    Để phát huy tối đa nguồn lực và tài nguyên đất đai, nên để người nông dân làm chủ thật sự trên mảnh đất của mình!
    Các nông trường nói trên làm ăn không hiệu quả, nên xóa sổ nó đi bằng “Luật Phá Sản”. Toàn bộ tài sản của nó đem bán trả nợ. Đất đai nên cấp lại cho những nông dân trực canh CÓ THU TIỀN theo luật Đất Đai và nộp vào Kho Bạc. (có thể cho trả góp tiền sử dụng đất trong nhiều năm, có tính lãi suất!)
    Tôi tin chắc rằng chỉ sau 2 năm, số đất này sẽ phát huy hết tiềm năng của nó, xã hội sẽ có nhiều của cải và đời sống nông dân ngày càng được nâng cao. Kinh tế xã hội khỏi phải gồng mình nuôi một bộ máy ăn bám, còn đất đai thì không phát huy hết tiềm năng!
    Thật kỳ lạ là trong NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG còn TỒN TẠI những mô hình làm ăn QUÁI GỞ như vậy! LỢI ÍCH NHÓM đã lũng đoạn nền kinh tế chăng? Phát CHẶT ĐỨT chiếc xiềng này ngay để kinh tế đất nước được CẤT CÁNH…!

    1. day to cua dan

      Bạn noi đúng lắm. người ta thừa hiểu làm như bạn là đúng có lợi cho nông dân..nhưng bạn ơi cái lũ hô hào yêu nước thương dân đó..chúng vơ vét bóc lột trắng trợn còn hơn cả phát xít..người dân k khác nào nô lệ cho chúng..làm cực khổ cả năm vẫn nghrof nhin ai cũng kham khổ..con chúng nhà lâu xe hơi..ăn trên đầu mình..đúng là 1 chế điọ thối nát…
      Toàn bọn ăn tục nói phét..

  5. k duông

    Khoản nợ 23 tỷ càng để càng nợ thêm, Tốt nhất nhà nước phát mãi tài sản bán cho các hộ dân đang thuê đất của công ty, có thể cho trả góp tính lãi suất, nếu ai có tiền mặt thì trả luôn, làm sổ đỏ cho họ có quyên vay mượn thế chấp ngân hàng, dẹp bỏ kiểu làm ăn cha chung không ai khóc. Hồi còn hợp tác xã, có nhóm nông dân dơ cuốc lên cuốc, nghe có tiếng kẻng nghỉ trưa, thay vì bổ xuống một cái thì lại quay cuốc lên vai mà đi về… Hình ảnh đó tuy hơi hài, nhưng nó phản ánh một kiểu làm ăn hợp tác cha chung không ai khóc, sông chết mặc bay…

  6. Trần Ninh

    Tốt nhất và duy nhất là CỔ PHẦN HÓA, vừa hợp lòng dân và thực hiện đúng theo chủ trương của Chính phủ.

    1. ho nam

      Cổ phần hóa ư! Các công ty cà phê hiện có cái gì trên những vườn cây này mà cổ phần? Những người lao động đang canh tác trên mảnh đất đó họ phải trả tiền thuê đất cho nhà nước hàng năm. Cây cà phê, cây hồ tiêu là họ tự bỏ vốn ra trồng, chăm sóc và đầu tư hoàn toàn! Các công ty không có chút vốn nào mà hàng năm thì thu sản lượng cao! Đối với một doanh nghiệp không cần bỏ chút vốn nào mà thu cà phê, hồ tiêu thì hỏi rằng đúng hay sai? Người dân ở một số công ty cà phê khiếu kiện từ lâu nay không phải là không có nguyên do! Ai là người lao động trong các công ty này mới là người hiểu rõ vấn đề! Chính phủ và Bộ Nông nghiệp nên tìm hiểu tận nơi nguyện vọng của người lao động ở các công ty cà phê này thì mới có quyết định hợp lý nhất!

  7. đặng văn hùng

    nếu thanh tra công tâm
    1. rà soát toàn bộ khoản phí trong phương án khoán, so sánh với báo cáo tài chính tại thời điểm hiện tại (chi phí khấu hao mới lớn chứ mấy khoản lặt vặt như thanh tra đưa ra thì ăn thua gì, so sánh cái quýêt định của tổng công ty cà phê việt nam về khấu hao 1ha ca phê, điều áp đặt vào phương án khoán, và số thực tế trên sổ kế toán, trước và sau khi điều chỉnh tăng nguyên giá)
    2. rà soát lại toàn bộ diện tích nhận khoán, nếu công ty đầu tư thì dĩ nhiên là có chứng từ (cái này mà ko đầu tư thì lấy đâu ra)
    3. rà soát lại tỷ lệ cà phê nhân và tươi mà người ta hay gọi là thành ấy (khi người dân nộp thì đã trừ hết tạp chất, xanh già, thủy phần, vậy thì lấy đâu ra mà thành cao vậy, kiểm nghiệm đơn giản: giờ đang mua ca phê xuống dân mua vài cân phơi thử biết ngay)
    mục đích thành lập các nông trường
    1. ổn định kinh tế chính trị, an ninh trật tự (sứ mệnh này đã hoàn thành)
    2. bao tiêu sản phẩm (mấy ông già tổng công ty thì bao gái thui)
    3. hướng dẫn kỹ thuật, (nói vui chứ mấy ông này vườn nhà mình trồng ko lên, lấy gì hướng dẫn ai)

    còn một số cái, a e nói hết rồi,
    có cái quyết định của thanh tra bộ rùi, thu sai thì ra quyết định trả lại tiền cho người dân nha các bác thanh tra!

Tin đã đăng